Taliban đang bất lực ngăn chặn khủng bố IS ở Afghanistan
VOV.VN - Thực tế quản lý đã đặt Taliban vào tình thế khó khăn trong bối cảnh các nhóm khủng bố đang nhanh chóng gia tăng hoạt động và tầm ảnh hưởng ở Afghanistan.
Cuộc tấn công khủng bố vào một bệnh viện quân y ở Kabul trong tuần này làm dấy lên lo ngại lớn về năng lực của chế độ Taliban trong việc kiềm chế hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động ở Afghanistan.
Kể từ khi giành được quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8, các chỉ huy cấp cao của Taliban nhấn mạnh cam kết của họ trong việc giải quyết các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và quyết tâm ngăn không để đất nước trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các phần tử khủng bố.
Tuy nhiên, làm sóng tấn công khủng bố gần đây đã nêu bật mối đe dọa từ IS-K – một nhánh của IS ở Afghanistan – có sự khác biệt sâu sắc về hệ tư tưởng với Taliban.
IS-K được cho là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ đánh bom liều chết, bao gồm vụ việc tại sân bay Kabul và tại hai nhà thờ Hồi giáo của người Shiite, cũng như các cuộc tấn công vào các đoàn xe của Taliban, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong vụ tấn công mới nhất nhằm vào bệnh viện quân y Sardar Mohammad Daud Khan ở thủ đô Kabul, các tay súng đã bắn chết 20 người, làm hàng chục người khác bị thương.
IS-K lớn mạnh do đâu?
Hiện có nhiều lo ngại rằng sự ủng hộ dành cho nhóm IS-K đang gia tăng trên khắp Afghanistan vì lập trường cứng rắn của nhóm này đang tỏ ra hấp dẫn đối với các chiến binh Taliban bất mãn.
Đối mặt với nguy cơ nền kinh tế bị sụp đổ - một phần do việc phương Tây rút viện trợ, Taliban đang tuyệt vọng chứng tỏ rằng chế độ hiện tại ôn hòa hơn so với chính quyền Taliban từng điều hành Afghanistan vào những năm 1990. Thông qua cách tiếp cận được cho là ít cứng rắn hơn đối với các vấn đề xã hội nhạy cảm, chẳng hạn như giáo dục nữ giới, Taliban hy vọng sẽ thuyết phục các nhà tài trợ nước ngoài nối lại quan hệ với Kabul – động thái sẽ giúp giảm bớt khó khăn kinh tế.
Cách tiếp cận này có nguy cơ khiến những người ủng hộ tư tưởng bảo thủ xa lánh Taliban, chuyển sang ủng hộ IS-K – tổ chức cực đoan với tư tưởng không khoan nhượng. Sức mạnh của IS-K được cho là đang tăng lên khi tổ chức này có nguồn dự trữ tài chính đáng kể và không ngừng mở rộng lực lượng khi tuyển mộ được thêm chiến binh là những người dân tuyệt vọng vì nền kinh tế Afghanistan bên bờ vực sụp đổ.
Giới chức phương Tây thậm chí còn cảnh báo về việc IS-K đang thu nạp một số thành viên của lực lượng tinh nhuệ, các nhân viên tình báo từng phục vụ trong quân đội Afghanistan, những người trước đây làm việc cho liên minh do Mỹ dẫn đầu. Những người này cảm thấy bị bỏ rơi sau khi lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8 và quyết định đầu quân cho IS-K.
Wall Street Journal đầu tuần này đưa tin, các thủ lĩnh Taliban đã lên tiếng trấn an dư luận khi nói rằng số lượng người đào tẩu để gia nhập nhóm khủng bố là tương đối nhỏ. Mặc dù vậy, điều đáng lo ngại là những người này có kiến thức chuyên môn về kỹ thuật thu thập thông tin tình báo và chiến tranh, có thể tăng cường năng lực chiến đấu của IS-K trong việc cạnh tranh quyền lực với Taliban, hướng tới mở rộng kiểm soát các vùng đất mới, ngoài thành trì hiện nay ở Nangarhar.
Nhiều người trong số những người lựa chọn tham gia hàng ngũ của IS-K cho rằng họ không có lựa chọn nào khác sau khi bị Mỹ bỏ rơi. Họ buộc phải lẩn trốn khi Taliban truy lùng những người phục vụ trong chế độ cũ của Tổng thống Ashraf Ghani.
Người ta ước tính rằng có tới hàng trăm nghìn cựu nhân viên tình báo, binh lính và nhân viên cảnh sát từng làm việc cho chế độ cũ hiện đang thất nghiệp. Những người này sống trong lo sợ cho tính mạng của họ, bất chấp cam kết ân xá từ Taliban. Chỉ một phần trong số họ, chủ yếu từng làm việc ở Tổng cục An ninh Quốc gia có thể quay trở lại công việc dưới sự giám sát của Taliban. Nhưng cũng giống gần như tất cả các nhân viên chính phủ Afghanistan khác, họ đã không nhận được tiền lương trong nhiều tháng.
Áp lực gia tăng với Mỹ
Những thông tin này rõ ràng sẽ làm tăng áp lực lên Tổng thống Mỹ Joe Biden về quyết định gây tranh cãi của ông chấm dứt hiện diện quân sự kéo dài suốt hai thập kỷ của Mỹ ở Afghanistan.
Trong khi cuộc rút quân trong hỗn loạn khiến hàng trăm dân thường Mỹ bị bỏ lại, hàng trăm nghìn nhân viên Afghanistan từng làm việc với lực lượng NATO bị Taliban nhắm tới thì IS-K đã chứng minh mối đe dọa là không đơn giản, bằng việc thực hiện vụ tấn công vào đám đông tại sân bay Kabul khiến 13 nhân viên Mỹ và khoảng 90 thường dân Afghanistan thiệt mạng.
Ông Biden đã cố giải thích lý do rút quân là do các nhóm khủng bố không còn có thể sử dụng Afghanistan như một nơi trú ẩn an toàn để đe dọa Mỹ. Nhưng đánh giá này cho đến nay đã cho thấy thiếu độ tin cậy bởi sự trỗi dậy nhanh chóng của các nhóm như IS-K và Al Qaeda kể từ khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan.
Tuần trước, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thừa nhận IS-K không có năng lực tấn công Mỹ vào thời điểm hiện tại nhưng có thể làm điều đó từ 6-12 tháng tới.
“Chúng tôi thực sự khá chắc chắn rằng họ [IS-K] có ý định làm như vậy”, ông Kahl nói./.