Tân Tổng thống Hàn Quốc: Ưu tiên tăng trưởng kinh tế, cải thiện quan hệ với Nhật Bản
VOV.VN - Theo nhận định của giới chuyên gia Tân Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, cải thiện quan hệ với Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình.
Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 của Hàn Quốc đã khép lại với chiến thắng thuộc về ông Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực nhân dân (PPP). Đây được đánh giá là một trong những cuộc đua gay cấn nhất trong lịch sử của “Xứ sở kim chi”, vốn sẽ định hình chiến lược phát triển nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này trong 5 năm tới.
“Hãy lắng nghe tiếng lòng của dân”
Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol giành được 48,6% số phiếu, và đối thủ là ông Lee Jae-myung được 47,8% số phiếu. Chênh lệch chưa đến 1%, và đây là tỷ lệ sít sao thấp nhất trong nhiều cuộc bầu cử trước đó. Điều này cho thấy uy tín của các ứng cử viên khá cao trong lòng dân chúng. Tuy ông Yoon Suk-yeol chưa qua kinh nghiệm là Nghị sĩ Quốc hội, nhưng với cam kết phải lắng nghe lòng dân, tiếng nói của dân trong cuộc vận động tranh cử đã khiến ông “lay động” được lòng dân mặc dù chưa có thực tế nào chứng minh.
Tại Hàn Quốc việc một ứng cử viên của đảng đối lập lên nắm quyền Tổng thống cũng là bình thường, khác với một số nước như Nhật Bản chẳng hạn việc một Thủ tướng là người của đảng đối lập là rất hiếm. Như vậy, quyền lực không cố hữu nằm ở một đảng phái nào hay sắp đặt nào mà chủ yếu phụ thuộc vào lòng tin của cử tri đối với người đó.
Tân Tổng thống Yoon Suk-yeol trước đó đã liên kết tranh cử với đại diện của đảng Quốc dân để tập trung phiếu. Có ý kiến lúc đó cho rằng đó là bất hợp pháp và nhiều cử tri sẽ quay lại bỏ phiếu cho đối thủ của ông Yoon Suk-yeol, nhưng cuối cùng chứng tỏ cử tri luôn trung thành với quyết định của mình. Và liên minh sẽ là sự lựa chọn thông minh.
Cử tri mong muốn có sự thay đổi chính sách, chính sách ở đây phải có nhiều điểm mới và không theo “lối mòn”. Tuy nhiên, vốn thực tế đã chứng minh rằng Tổng thống là người của Đảng dân chủ đều có những thành tích đáng công nhận trong nhiệm kỳ của mình, ví dụ như Tổng thống Moon Jae-in chẳng hạn. Do đó, không có việc cử tri ồ ạt bỏ phiếu cho ông Yoon Suk-yeol mà cũng rất thận trọng nên khoảng cách thắng-thua rất sít sao.
Ổn định thu nhập, việc làm là thứ người dân cần
Nhiều cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, các vấn đề kinh tế - an sinh xã hội, giá cả sinh hoạt, giá bất động sản... mới là điều cử tri Hàn Quốc quan tâm hàng đầu hơn hẳn so với các vấn đề đối ngoại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kinh tế mới là thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Mấy năm qua, cũng giống như các nước trên thế giới, Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid-19 nhưng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn đạt 4% trong năm 2021, cao nhất trong 11 năm kể từ mức 6,8% vào năm 2010.
Thu nhập bình quân đầu người (GNI) vượt mốc 30.000 USD/năm vào năm 2020 và tăng lên lên 35.000 USD trong năm 2021. Đây có thể nói là dấu ấn mà người dân Hàn Quốc nào cũng phải nhắc tới trong nhiệm kỳ của Tổng thống của ông Moon Jae-in, đồng thời cũng là thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch phải đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm nay, 3,1% trong năm 2023. Sau đại dịch Covid-19, có nhiều khả năng sự khó khăn còn tăng lên nhiều, và làm sao để suy trì tăng trưởng, giữ vững mức thu nhập của người dân là nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền mới phải thực hiện.
Trong nhiệm kỳ trước, một vấn đề lớn nổi cộm đó là giá bất động sản tăng đột biến và chưa thể giải quyết. Từ năm 2017 đến nay, giá bất động sản là các căn hộ tại các thành phố lớn đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc ở mức trên 105%, mức cao nhất trên thế giới và gần gấp đôi mức trung bình trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch thu nhập, tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao.
Với cam kết luôn lắng nghe tiếng nói của dân và suy cho cùng tiếng nói của dân đó chính là sự ổn định về thu nhập, công việc, giá cả phải được đảm bảo, không tăng thuế và tân Tổng thống Yoon Suk-yeol phải thực hiện điều này cho dân.
Cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Nhật Bản
Dù ưu tiên đối nội nhưng các vấn đề đối ngoại chắc chắn cũng sẽ được tân Tổng thống Hàn Quốc quan tâm. Điểm đáng chú ý và sẽ thay đổi trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đó là quan hệ đối với Nhật Bản. Ngay trong buổi họp báo về chiến thắng, ông Yoon Suk-yeol đã tuyên bố rằng sẽ cấu trúc mối quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai và nhấn mạnh rằng “nghiên cứu chân tướng lịch sử, cùng đưa ra giải pháp là điều vô cùng quan trọng”.
Hơn thế nữa, Cha của ông Yoon Suk-yeol là người đã từng du học tại Nhật Bản, có quan hệ rất tốt và để lại ấn tượng đẹp trong giới học thuật Nhật Bản đặc biệt trong lĩnh vực thống kê học. Điều này có thể làm cho quan điểm của ông trong chính sách đối với Nhật Bản thay đổi và cải thiện quan hệ hai nước vốn đã nguội lạnh nhiều năm.
Riêng đối với Mỹ, có lẽ chính sách chưa mấy thay đổi khi Hàn Quốc vẫn là đồng minh, vị trí của Mỹ mặc dù đang có những quốc gia mạnh khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga “chen ngang” nhưng vẫn chi phối hầu hết các vấn đề. Ngoài quan hệ kinh tế, tân Tổng thống khi điện đàm với ông Joe Biden vào sáng 10/3 cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Bởi lẽ, Triều Tiên vừa là nước láng giềng, có lịch sử quan hệ mật thiết với Hàn Quốc nhưng cũng là nguy cơ hạt nhân gần nhất.
Những năm qua, Hàn Quốc đã rất tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng bị hoãn do dịch Covid-19. Tân tổng Thống Hàn Quốc có thể thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp để tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Trung Quốc vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa tăng kim ngạch thương mại đối với đối tác quan trọng này.
Ngoài ra việc tăng cường hợp tác Nhóm như Bộ tứ Kim cương, diễn đàn quốc tế với mục đích thực hiện “khu vực Thái Bình dương tự do và rộng mở” sẽ không mấy thay đổi so với chính sách đối ngoại của nhiệm kỳ Tổng thống trước.
Một số chuyên gia cho rằng, có lẽ dấu ấn trong nhiệm kỳ của ông Yoon Suk-yeol sẽ là tăng trưởng kinh tế và phòng chống tham nhũng hơn là về chính sách đối ngoại./.