Tây Ban Nha tiếp tục chuỗi bế tắc chính trị
VOV.VN - Bế tắc chính trị xảy ra ở Tây Ban Nha đúng vào thời điểm nền kinh tế đang có biểu hiện phục hồi không đồng đều, tiềm ẩn nhiều mối lo cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo đảng Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) Pedro Sanchez đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 4/3 để có thể đứng ra thành lập một chính phủ liên minh với đảng Công dân (Ciudadanos) trung hữu. Điều này lại mở ra một vòng đàm phán mới giữa các đảng trong bối cảnh Tây Ban Nha chỉ còn đúng hai tháng để thành lập chính phủ trước khi tính đến phương án cuối cùng là tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Lãnh đạo đảng Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) Pedro Sanchez đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội ngày 4/3. (ảnh: AFP). |
Nếu thực sự phải tổ chức bầu cử lại thì đây sẽ là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua cử tri Tây Ban Nha phải đi bỏ phiếu. Sau cuộc bầu cử tháng 12 năm ngoái, cử tri Tây Ban Nha, với nỗi lo về chính sách thắt lưng buộc bụng và sự thất vọng về tình hình tham nhũng, đã đem đến kết quả là sự bất phân thắng bại giữa đảng Nhân dân (PP) của quyền Thủ tướng Mariano Rajoy với 123 ghế và đảng Xã hội của ông Pedro Sanchez với 90 ghế, nghĩa là không bên nào giành đủ đa số để thành lập chính phủ mới.
Đến nay, các đảng phái ở Tây Ban Nha đã trải qua gần 11 tuần thương thảo để thành lập chính phủ mới nhưng tất cả nỗ lực của họ lại “đổ sông đổ bể” khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ngày 4/3 cho thấy, liên minh giữa đảng Xã hội và đảng Công dân chỉ giành được 131 phiếu ủng hộ trên tổng số 350 ghế Quốc hội.
Đây được xem là thất bại thứ hai đối với ông Pedro Sanchez sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại phiên họp quốc hội để trở thành thủ tướng mới của Tây Ban Nha. Và đây là lần đầu tiên một ứng cử viên cho cương vị thủ tướng đã thất bại ở cả hai lần bỏ phiếu tín nhiệm kể từ khi Tây Ban Nha quay trở lại chế độ dân chủ năm 1975.
Kết quả này không khó đoán khi đảng Nhân dân của quyền Thủ tướng Mariano Rajoy với 123 ghế tại Quốc hội đã bắt tay với đảng cánh tả Podemos để bỏ phiếu bất tín nhiệm liên minh của ông Sanchez. Đảng Công dân, đối tác liên minh của đảng Xã hội cáo buộc đảng Nhân dân và đảng Podemos hủy hoại tiềm năng thành lập một chính phủ, giải quyết bế tắc chính trị cho Tây Ban Nha.
Lãnh đạo đảng Công dân Albert Rivera cho biết: “Tôi chẳng đề nghị đảng Nhân dân hay đảng Podemos ủng hộ gói chính sách bao gồm đến 200 biện pháp cải cách Tây Ban Nha. Tôi chỉ đề nghị họp dừng việc phá hoại mà hãy bắt đầu xây dựng. Chẳng lẽ không ai lấy làm lạ khi 2 thái cực ở Quốc hội lại bỏ phiếu như nhau ư? Đó là vì họ cố tình muốn phá hoại”.
Đến những phút cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu ngày 4/3 tại Quốc hội, ông Sanchez vẫn nỗ lực thuyết phục đảng Podemos vì cùng là cánh tả nên hãy đứng về liên minh Xã hội – Công dân. Bản thân lãnh đạo đảng Podemos Pablo Iglesias cũng cho rằng liên minh với đảng Xã hội sẽ tạo thành mối đe dọa đối với đảng Nhân dân của quyền Thủ tướng Rajoy.
“Các ngài biết điều gì sẽ làm quyền Thủ tướng Rajoy và đảng Nhân dân của ông ấy lo sợ không? Điều đó ông ấy đã nói suốt mấy tháng qua. Ông ấy sợ nhất là đảng Xã hội của các ngài và đảng Podemos của tôi đạt được thỏa thuận liên minh”, lãnh đạo Pablo Iglesias nói.
Nhưng ông Iglesias lại mong muốn một liên minh cánh tả rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, bất đồng giữa 2 đảng cánh tả này một phần là vì vấn đề xứ Catalan. Đảng Xã hội của ông Sanchez không ủng hộ xứ Catalan giàu có tách ra khỏi nước này trong khi đảng Podemos chủ trương công nhận Tây Ban Nha là một nước liên bang và cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Catalan nếu được tham gia thành lập chính phủ.
Nếu những bất đồng này tiếp diễn và đến ngày 2/5 tới, các đảng phái ở Tây Ban Nha vẫn chưa thành lập được chính phủ, Quốc hội sẽ bị giải tán và cử tri nước này sẽ phải đi bỏ phiếu lại, nhiều khả năng là vào ngày 26/6 tới. Các nhà phân tích cho rằng, khả năng viễn cảnh này trở thành hiện thực đang ngày càng cao.
Bế tắc chính trị xảy ra ở Tây Ban Nha đúng vào thời điểm nền kinh tế này đang có những biểu hiện phục hồi không đồng đều, tiềm ẩn nhiều mối lo cho các doanh nghiệp. Hiện các nhà đầu tư vẫn giữ được sự bình tĩnh song một cuộc bầu cử mới sẽ làm gia tăng rủi ro cho tăng trưởng của kinh tế Tây Ban Nha./.