Thách thức với chính quyền mới của Indonesia trong việc xây dựng "thế hệ vàng"
VOV.VN-Trong giai đoạn tranh cử, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto đã giới thiệu chương trình bữa ăn miễn phí tại trường học như “một phương thuốc chữa bách bệnh” cho tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, tình trạng nghèo đói cùng cực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch này đang đặt ra không ít thách thức cho chính quyền mới trong việc xây dựng "thế hệ vàng của Indonesia".
Xây dựng thế hệ vàng Indonesia
Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto cam kết tiếp nối các chính sách kinh tế quan trọng của chính quyền Tổng thống Joko Widodo, đồng thời cũng đưa ra các chính sách kinh tế - xã hội riêng. Đáng chú ý là chương trình hỗ trợ xã hội dưới hình thức cung cấp sữa và bữa ăn miễn phí cho hàng triệu học sinh.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hơn 20 % trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi bị còi cọc trong năm 2022. Điều này có thể dẫn đến chậm phát triển lâu dài về thể chất, tác động đến sự cạnh tranh của thế hệ trẻ tương lai của Indonesia. Vì vậy, chính phủ Indonesia thời gian gần đây đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để giải quyết mọi hình thức suy dinh dưỡng hay tình trạng còi cọc ở trẻ em, trong một chiến lược dài hạn nhằm phát triển nguồn nhân lực của quốc gia để đạt được "Thế hệ Vàng Indonesia", không những khỏe về trí tuệ mà còn khỏe về thể lực.
Bữa ăn miễn phí của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto cũng nhằm tiếp tục nỗ lực cải thiện sức khỏe dinh dưỡng của trẻ em Indonesia, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong giai đoạn tranh cử. Mục tiêu chính là giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng bằng cách cung cấp các bữa ăn bổ dưỡng và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình thu nhập thấp bằng cách trang trải chi phí bữa ăn.
Dự kiến chương trình sẽ được thực hiện vào năm tới và được mở rộng nhằm mang lại lợi ích không chỉ cho trẻ em đi học mà còn cả phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú và trẻ mới biết đi. Khi được triển khai đầy đủ vào năm 2029, chương trình sẽ bao phủ 83,9 triệu người thụ hưởng trên toàn quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với gần 280 triệu người.
Chiến lược thúc đẩy kinh tế
Chương trình bữa ăn miễn phí không chỉ nhằm tạo ra một thế hệ vàng Indonesia khỏe mạnh, giảm bớt gánh nặng cho những gia đình có thu nhập thấp, chương trình này cũng được cho là hướng đến mục tiêu kích thích các cơ hội kinh tế, bằng cách hỗ trợ những người nông dân quy mô nhỏ và các nhà sản xuất thực phẩm địa phương cải thiện an ninh lương thực. Sự mở rộng trong lĩnh vực thực phẩm dự kiến tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế nói chung.
Để cung cấp bữa ăn cho 82,9 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học ở quy mô đầy đủ, chương trình này sẽ cần 6,7 triệu tấn gạo, 1,2 triệu tấn thịt gà, 500.000 tấn thịt bò, 1 triệu tấn cá, nhiều loại rau, trái cây và 4 triệu kilolit sữa tươi. Tổng thống đắc cử Prabowo tin rằng chương trình sẽ là “động lực tăng trưởng” và giúp tăng thu nhập của nông dân, kích thích nền kinh tế địa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tối thiểu là 1,5 % và 2 %.
Xét về kinh tế lâu dài, đó là lợi ích về nguồn lực con người. Indonesia đang có tầm nhìn trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Đến năm 2045, dân số Indonesia dự kiến vượt 300 triệu người, trong khi thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này kỳ vọng đạt 23.000 USD. Để đạt được mục tiêu này, nhân lực là một trong những lĩnh vực ưu tiên cần thiết vì với tình trạng thấp còi ở trẻ em không được khắc phục sẽ là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện hóa những giấc mơ của Indonesia. Ngân hàng Thế giới ước tính tình trạng thấp còi và các vấn đề dinh dưỡng khác làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội khoảng 3% mỗi năm.
Thực tế các chương trình bữa trưa học đường miễn phí đã được triển khai tại 76 quốc gia, mang lại lợi ích cho 418 triệu trẻ em trên toàn thế giới bằng cách cung cấp các bữa ăn thiết yếu. Tác động này không chỉ dừng lại ở việc duy trì cuộc sống, mà còn đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực. Chương trình này kích thích sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế địa phương và tạo ra hàng triệu việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ trong các vai trò như nấu ăn và phục vụ ăn uống.
Thách thức đối với chính quyền mới
Chương trình bữa ăn miễn phí dự kiến tiêu tốn khoảng 460.000 tỷ rupiah ( tương đương 29,3 USD) mỗi năm trên quy mô toàn quốc. Đây sẽ là con số khổng lồ. Trong khi các nhà giáo dục và phụ huynh ca ngợi bữa ăn miễn phí, sáng kiến này lại bị Ngân hàng thế giới, các công ty xếp hạng tín dụng quốc tế và các nhà kinh tế chỉ trích. Họ lo ngại rằng chi phí tài chính khổng lồ sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của đất nước - hiện được giới hạn ở mức 3 phần trăm GDP.
Chương trình này cũng đã gây ra những lo ngại khác, từ việc kết hợp với lợi ích của các nhóm vận động hành lang công nghiệp hoặc quy mô lớn của hoạt động hậu cần cần thiết, cho đến gánh nặng đối với tài chính và nền kinh tế của Indonesia. Ngân sách sẽ không chỉ trang trải cho việc triển khai chương trình và cung cấp bữa ăn mà còn chi trả cho chi phí hoạt động của Cơ quan dinh dưỡng quốc gia, bao gồm tiền lương của nhân viên.
Để giải quyết lo ngại về tài chính, Tổng thống đắc cử Prabowo cho biết chương trình sẽ được thực hiện theo giai đoạn, trước tiên bắt đầu ở các khu vực kém phát triển nhất . Trong năm tới chương trình này dự kiến chỉ tiêu tốn ngân sách khoảng 71 nghìn tỷ Rp, sẽ không vượt quá giới hạn thâm hụt ngân sách.
Tổng thống đắc cử Prabowo đã đề xuất thành lập quan hệ đối tác địa phương để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước . Chính phủ mới cũng có thể sẽ phân bổ lại một số khoản chi từ các chương trình hiện có khác để ứng phó với hạn chế về ngân sách. Ngoài ra việc việc điều chỉnh chương trình theo nguồn cung thực phẩm địa phương để giảm chi phí cũng là một lựa chọn. Ví dụ thay thế cho sữa bò bằng các loại thực phẩm theo từng khu vực sản xuất như sữa dê, trứng và cá….
Bài học từ các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, cho thấy rằng nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng và các ưu tiên cạnh tranh đã cản trở sự thành công và tính bền vững của chương trình. Tham nhũng và quản lý yếu kém và các rào cản về mặt địa lý tạo ra những thách thức về mặt hậu cần trong việc tiếp cận các nguồn cung cấp thực phẩm, trong khi văn hóa và sở thích ăn uống đòi hỏi phải cân nhắc cẩn thận trong thiết kế chương trình. May mắn , Indonesia có thể học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường học, đồng thời cân nhắc đến các điều kiện cụ thể trong nước để thực hiện chương trình này một cách hiệu quả.