Thảm họa Chernobyl sau 1/4 thế kỷ

"An toàn hạt nhân không biên giới" đã trở thành phương châm của các quốc gia trên thế giới  

25 năm qua kể từ sau thảm hoạ nổ nhá máy điện hạt nhân Chernobyl của Ukraine ngày 26/4/1986, việc khắc phục các hậu quả cũng như mối quan tâm về an toàn hạt nhân vẫn tiếp tục. Đây là dịp để nhắc lại những gì đã qua và hướng tới việc đảm bảo an ninh hạt nhân và sử dụng công nghệ hiện đại trong ngành năng lượng nguyên tử phục vụ sự phát triển xã hội.

Những con số đau buồn

Rạng sáng ngày 26/4/1986, tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã xảy ra thảm hoạ khi lò phản ứng số 4 của nhà máy bị nổ. Vụ nổ đã thải các chất phóng xạ từ khu vực nhà máy vào bầu khí quyển, làm nhiễm phóng xạ tại một vùng rộng lớn. Tại Ukraine, những đám mây phóng xạ lan đến 12 trong số 25 tỉnh thành, bao trùm khoảng 50.000km2 lãnh thổ, gây thiệt nghiêm trọng về tài sản, tính mạng và sức khoẻ con người.

Tổng thiệt hại về vật chất, bao gồm cả những chi phí sản xuất năng lượng điện sau khi đóng cửa nhà máy, khoảng 358 tỷ USD khi đó. Nếu tính cả việc sức khoẻ con người bị tổn hại và số lượng người chết liên quan đến vụ nổ Chernobyl thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều. Khoảng 130.000 người tham gia vào việc khắc phục hậu quả thảm hoạ và xây dựng những công trình bê tông để chôn các lò phản ứng trong vòng 2 năm đầu tiên sau khi xảy ra tai nạn. 85% những người này đã bị mắc các chứng bệnh khác nhau.

Theo thống kê của LHQ, có khoảng gần 7 triệu người từng đến những khu vực có mức độ nhiễm phóng xạ cao đến mức không an toàn. Trong số này có 3 triệu trẻ em, những người cần phải được theo dõi thường xuyên. Thảm hoạ Chernobyl ảnh hưởng xấu đến môi trường, kinh tế, xã hội của Ukraine. Chi phí dành cho việc khắc phục hậu quả thảm hoạ hàng năm chiếm tới trên 10% ngân sách nhà nước, cao hơn cả ngân sách giành cho khoa học và văn hoá. 

Bên trong phòng điều khiển của lò phản ứng số 3 sau vụ nổ

Khắc phục hậu quả

Trong những năm qua, Ukraine và cộng đồng quốc tế đã có những cố gắng to lớn để khắc phục thảm hoạ. Tại các vùng bị nhiễm xạ, việc kiểm soát nông sản trong tất cả các khâu sản xuất được thực hiện. Việc đo nồng độ phóng xạ được thực hiện liên tục hàng năm. Khoảng 1.000 phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu phóng xạ của nhiều Bộ, ngành tham gia vào công tác kiểm tra bức xạ của sản phẩm thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất.

Tính chất và phạm vi của thản hoạ còn khiến Ukraine phải triển khai giải quyết nhiều vấn đề mới phức tạp, trong bối cảnh đất nước vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Đó là việc phân tích thiên nhiên và mức độ ô nhiễm phóng xạ môi trường, ảnh hưởng có nó lên hệ sinh thái và con người, di dân khỏi những vùng ô nhiễm nặng và đảm bảo cho họ chỗ ở mới, cung cấp và chăm sóc y tế cho các nạn nhân, đảm bảo độ ổn định tình trạng của “bể bê tông” - nơi chôn cất phần còn lại của lò phản ứng bị phá huỷ, làm sạch các vùng ô nhiễm và nguồn nước, cung cấp thực phẩm sạch cho người nhân và nhiều vấn đề liên quan khác.  

Trong nhiều năm tới nữa, việc khắc phục hậu quả của thảm hoạ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl vẫn là những ưu tiên hàng đầu của xã hội Ukraine. Còn tại Hội thảo quốc tế những nước hỗ trợ tài chính khắc phục dự án Chernobyl, ngày 19/4 tại Kiev, đại biểu các nước đã trao đổi các biện pháp tiếp tục khắc phục những hậu quả của vụ nổ cũng như hỗ trợ tại chính cho các chương trình này.   

Trực thăng đổ nước vào lò phản ứng số 4 sau khi vụ nổ xảy ra

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso khẳng định, EC chi bổ sung 110 triệu euro giúp Ukraine xây dựng lớp ngăn cách bảo vệ cho lò phản ứng bị nổ của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Hiện Liên minh châu Âu là nhà tài trợ tài chính hàng đầu cho các dự án “chôn kín” lò phản ứng bị phá huỷ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Bộ trưởng Bộ tình trạng khẩn cấp Ukraine Victor Baloga cho biết, khi có đầy đủ các hỗ trợ tài chính, vào giữa năm 2015, Ukraine sẽ hoàn chỉnh việc xây dựng mái bảo vệ và bể chứa này.

Ôn cố, tri tân  

Nhân 25 năm thảm hoạ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, trong thời gian nửa cuối tháng 4, tại Ukraine diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện đau thương này. Tại thủ đô Kiev đã diễn ra Hội nghị quốc tế nhân kỷ niệm 25 năm thảm họa.

Diễn đàn thảo luận không chỉ các vấn đề xung quanh Chernobyl. Các sự kiện ở nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản Fukushima số 1 mới đây cũng là chủ đề đáng chú ý. Trên khắp thế giới, những gì đã xảy ra tại Chernobyl và Fukushima được hợp nhất dưới khái niệm "tai nạn lớn tại nhà máy điện hạt nhân”.

Mũi tên chỉ chính xác vị trí xảy ra vụ nổ

Ukraine cũng như Nhật Bản khó thể một mình đối phó với các hậu quả qui mô như vậy. Các nước cần tăng cường hợp tác và "An toàn hạt nhân không biên giới" đã và sẽ trở thành một phương châm, cùng với "An toàn - trên hết". Các nước hàng đầu trong ngành năng lượng hạt nhân như Nga, Mỹ, Pháp khẳng định, có thể làm cho nguyên tử hòa bình trở nên an toàn. Nhiều quốc gia đồng ý với điều này.

Chỉ trong năm 2010, theo Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA Yakiya Amano, hơn 60 quốc gia đã thông báo về ý định xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thiên tai không thể là trở ngại trên chặng đường tiến bộ. Nhưng trên con đường này phải xuất hiện những quy tắc mới, chặt chẽ hơn cho tất cả. “An toàn hạt nhân” sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị Bộ trưởng vào mùa hè tới của IAEA. Hậu quả của Chernobyl và Fukushima vẫn sẽ là một trong những chủ đề thảo luận lớn của thế giới nhiều năm tới.

Nhịp sống hiện đại không thể thiếu ngành điện hạt nhân. Một nhiệm vụ đặt ra trước cộng đồng xã hội ngày nay là: không từ chối các nhà máy điện hạt nhân, nhưng phải làm sao để chúng trở nên an toàn tuyệt đối./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên