Thế bế tắc chính trị ở Italy vẫn chưa được tháo gỡ
VOV.VN - Bế tắc chính trị tại Italy vẫn chưa được tháo gỡ tiếp sau cuộc tổng tuyển cử ngày 4/3.
Trong cuộc tổng tuyển cử tại Italy, không có chính đảng nào giành đủ đa số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Chính vì thế, ngày 5/4, Tổng thống Italy Sergio Mattarella tiếp tục có các cuộc tham vấn với lãnh đạo các chính đảng chủ chốt ở Italy để thảo luận về việc thành lập một chính phủ liên minh sau khi vòng tham vấn đầu tiên này vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào do lãnh đạo các chính đảng vẫn chưa thỏa thuận được về thành phần của liên minh cầm quyền.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Ảnh: Siena |
Tổng thống Mattarella cho biết, vòng tham vấn thứ hai sẽ diễn ra vào tuần tới sau khi lãnh đạo các chính đảng có một vài ngày để suy nghĩ. Theo Tổng thống Mattarella, việc dừng tiến trình tham vấn một vài ngày sẽ tạo điều kiện để bản thân Tổng thống và các đảng có thời gian tìm kiếm các giải pháp cũng như lập trường chung vốn cần thiết cho việc thành lập một chính phủ.
"Theo các quy tắc của nền dân chủ của chúng ta, cần có một số hiệp định giữa các lực lượng chính trị khác nhau để hình thành một liên minh để có thể chiếm được thế đa số trong quốc hội. Trong mấy ngày qua, vẫn chưa có tín hiệu nào để có thể thực hiện được điều này. Tôi sẽ vẫn dành thêm thời gian là vài ngày theo yêu cầu của các lực lượng chính trị để thực hiện điều này”, Tổng thống Mattarella nói.
Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, liên minh cánh hữu của ông Matteo Salvini đã dẫn đầu, giành được 260 ghế tại Hạ viện (gồm 630 ghế) và 135 ghế tại Thượng viện (gồm 320 ghế: 315 ghế được bầu + 5 thượng nghị sĩ trọn đời). Đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) của ông Luigi Di Maio về vị trí thứ hai với 221 ghế tại Hạ viện và 112 ghế tại Thượng viện. Còn liên minh trung tả, trong đó có đảng dân chủ (PD) trung tả, về thứ ba và chỉ giành được 112 ghế tại Hạ viện và 57 ghế tại Thượng viện.
Dân tuý lên ngôi, bầu cử Italy có nguy cơ rơi vào bế tắc
Tuy nhiên, do không có đảng hoặc chính đảng nào giành được đa số phiếu cần thiết để tự thành lập chính phủ, nên các chính đảng giờ đây phải thương lượng với nhau nhằm thành lập một chính phủ liên minh. Đảng dân chủ trung tả của Italy hiện cho rằng đảng dân túy Phong trào 5 Sao và đảng cực hữu Liên đoàn, thành tố chính trong liên minh cánh hữu, nên tìm cách thành lập chính phủ để điều hành đất nước, còn đảng Dân chủ sẽ là phe đối lập trong Quốc hội.
Trong một tuyên bố vào ngày 5/4, ông Salvini nói rằng, phe cánh hữu của ông, trong đó có đảng Liên đoàn và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silivio Berlusconi sẵn sàng thành lập một liên minh với Phong trào 5 Sao nhưng liên minh này phải dựa trên một nền tảng cương lĩnh chung là giảm thuế, cải cách lương hưu và thực hiện các biện pháp chống nhập cư.
Ông Salvini cũng cho biết, ông sẽ có các cuộc đàm phán chính thức với lãnh đạo các đảng khác trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi tất cả các bên nên linh hoạt hơn nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị.
“Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để có một chính phủ hoạt động ít nhất trong vòng 5 năm. Tất nhiên là bắt đầu từ những người thắng cử và tất nhiên đó là phe cánh hữu. Với những gì đang có trong tay, nếu chúng tôi muốn có một chính phủ thì cần thành lập liên minh với Phong trào 5 sao”, ông Salvini nói.
Về phần mình, lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao Luigi Di Maio tuyên bố đảng của ông chỉ sẵn sàng thảo luận khả năng thành lập liên minh với đảng Liên đoàn hoặc đảng dân chủ, chứ không liên minh với đảng Tiến lên Italy của ông Berlusconi.
Giới phân tích cho rằng nếu tiến trình tham vấn với các chính đảng về việc thành lập một chính phủ bị thất bại, Tổng thống Mattarella có thể lựa chọn một giải pháp ngắn hạn là thành lập một chính phủ tạm thời, có thể là một chính phủ dưới dạng kỹ trị, với sự ủng hộ của tất cả các đảng và tiếp đó Italy phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2019./.