Thế giới 24h: Pháp cung cấp manh mối về kẻ chủ mưu vụ khủng bố Paris
VOV.VN- Các nhà điều tra Pháp tin rằng, tên Abdelhamid Abaaoud mang quốc tịch Bỉ từng tham chiến cùng IS tại Syria, là chủ mưu vụ tấn công ở Paris.
1. Trước đó, chính phủ các nước châu Âu vẫn tin rằng, hắn vẫn ở Syria cho đến khi tình báo Morocco thông báo hắn đã có mặt tại Pháp tại thời điểm vụ tấn công khủng bố ở Paris diễn ra.
Tên Abdelhamid Abaaoud. Ảnh AP |
Tên Abaaoud đã xuất hiện trong một đoạn video do camera an ninh ở phía Đông Paris ghi lại sau khi hắn có mặt trong các vụ tấn công. Hắn lái một chiếc Seat Leon màu đen tới một nhà ga tàu điện ngầm và bỏ chiếc xe này lại. Trên xe có 3 khẩu AK47, 5 băng đạn còn đầy và 11 băng đã hết đạn.
Các nhân viên diều tra Pháp ngày 21/11 cho biết, dấu vân tay của hắn xuất hiện trọng số vũ khí nói trên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ hắn trực tiếp bắn súng hay chỉ giao súng cho những tên khác thực hiện vụ này. Ngoài ra, trên một khẩu AK còn có dấu vân tay của tên Brahim Abdeslam, kẻ thực hiện đánh bom tự sát bên ngoài một quán cafe.
Cảnh sát Pháp cho biết, họ lần ra căn hộ nơi tên Abaaoud ẩn náu tại Saint Denis là nhờ theo dấu Hasna Aitboulahcen qua việc nghe lén điện thoại của ả khi ả dính líu đến một vụ buôn bán ma túy đang bị điều tra.
Cảnh sát Pháp hé lộ thông tin mới nhất về vụ đột kích ở Saint Denis
2. Hải quân Mỹ sẽ tiến hành tiếp một cuộc tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông vào tháng 12 tới.
Thông tin trên được một quan chức Hải quân Mỹ đưa ra ngày 21/11.Theo quan chức này, Hải quân Mỹ dự định sẽ tiến hành từ 2-3 cuộc tuần tra như vậy mỗi quý và cuộc tuần tra tiếp theo sẽ tiến hành vào tháng 12 tới nhằm nhắc nhở Trung Quốc về quan điểm của Mỹ đối với tình hình Biển Đông.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. |
Trước đó, hồi tháng 10, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen áp sát các đảo mà Trung Quốc cải tạo phía pháp ở Biển Đông nhằm thực hiện quyền “tự do hàng hải của nước này”. Hành động này của Mỹ khiến Trung Quốc hết sức giận dữ.
Ngoài ra, một tuần trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama sang châu Á tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Manila, Philippines, Mỹ cũng đã điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay sát các đảo nhân tạo nói trên.
3. Các máy bay ném bom của Nga đã hỗ trợ quân đội Syria đã tái chiếm lại được 2 ngọn núi cùng một kho đạn gần thị trấn Mahin thuộc tỉnh Homs.
Trong ngày 21/11, Nga đã tiến hành tới 70 đợt ném bom vào các vị trí chiến lược của IS tại thành phố cổ Palmyra gần thị trấn Mahin và mỏ dầu al-Shaer ở phía Đông của tỉnh Homs.
Một mục tiêu IS bị Nga đánh bom. Ảnh Itar- Tass |
Các cuộc ném bom của Nga đã tạo điều kiện cho quân đội Syria tấn công chiếm 2 ngọn núi cùng một kho đạn gần thị trấn Mahin.
Ngoài ra, cũng nhờ các đợt dội bom của Không quân Nga, quân Chính phủ Syria cũng thành công trong việc tái chiếm phần lớn vùng núi al-Zahiyeh, ngoại ô phía Tây thành phố Latakia khiến phiến quân IS phải tháo chạy sang khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, trong ngày 20/11, các máy bay chiến đấu của Nga và Syria đã thực hiện 70 vụ không kích vào tỉnh miền Đông Deir Ezzor. Vụ tấn công này đã đánh trúng 3 mỏ dầu mà IS đang kiểm soát.
Cũng trong ngày 20/11, Nga tuyên bố đã phóng nhiều quả tên lửa hành trình từ các tàu chiến trên Biển Caspian vào các mục tiêu của IS.
Tổng thống Nga kêu gọi thế giới chống khủng bố sau vụ tấn công ở Mali
4. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra ngày 22/11 ở Malaysia, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã nhất trí thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Được thành lập từ năm 1967 tại Bangkok, Thái Lan, với 5 thành viên sáng lập ban đầu, đến nay ASEAN đã lớn mạnh về nhiều mặt, với sự góp mặt của 10 thành viên và có tiếng nói trong cộng đồng kinh tế quốc tế.
Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Razak (đứng bên trái) trao văn bản ký kết thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN cho Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (đứng bên phải). Ảnh AFP |
Năm 2003 các nhà lãnh đạo ASEAN ra quyết tâm thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2020, tuy nhiên, lộ trình này đã được đẩy sớm hơn, tại thời điểm năm 2007, khi các nhà lãnh đạo đồng thuận khẳng định lại cam kết vào năm 2015.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một trong 3 trụ cột quan trọng của ASEAN gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội to lớn về hợp tác và tăng trưởng kinh tế, tạo môi trường thuận lợi về thương mại và đầu tư cho các quốc gia ASEAN và các nước đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Razak đã đánh giá cao việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho rằng sự kiện này sẽ mang lại nhiều cơ hội hội nhập của khu vực và đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới.
Trong sáng 22/11, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN”. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, là công bố chính thức với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Những điều cần biết về 10 quốc gia thành viên ASEAN
5. Một chiếc máy bay của hãng Turkish Airlines bay đến New York đã buộc phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp xuống Canada do bị đe dọa đánh bom.
Giới chức Canada cho biết, chiếc máy bay chở 256 người này đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Halifax ở phía Đông Canada.
Một chiếc máy bay của hãng Turkish Airlines. Ảnh AP |
Cảnh sát Canada cho biết, họ nhận được thông tin rằng máy bay này bị dọa đánh bom vào lúc 22h50 (giờ địa phương) khi chiếc máy bay này đã cất cánh từ sân bay John F Kennedy của Mỹ. Chiếc máy bay này sau đó hạ cánh tại Halifax vào lúc gần 1h sáng (giờ địa phương).
Trước đó, 2 chuyến chiếc máy bay của hãng Air France bay từ Mỹ sang Pháp cũng buộc phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp do bị đe dọa đánh bom.
6. Một vụ lở đất tại một mỏ ngọc ở phía Bắc Myanmar sáng sớm ngày 21/11 đã khiến 90 người thiệt mạng và hơn 100 người mất tích.
Ông Brang Seng, một người buôn đá quý ngày 22/11 cho biết, vụ lở đất diễn ra vào sáng sớm ngày 21/11 tại thị trấn Hpakan, tỉnh Kachin, ngay sau khi vụ việc diễn ra, lực lượng cứu hộ đã kéo được rất nhiều thi thể người ra khỏi đống bùn đất.
Các nhân viên cứu hộ tìm cách đưa nạn nhân vụ lở đất ở Myanmar ra khỏi đống bùn đất lấp kín người họ. Ảnh Reuters |
“Có khoảng 90 thi thể như vậy. Cảnh tượng thật kinh hoàng”, ông Brang Seng nói.
Trong khi đó, ông Lamai Gum Ja, một quan chức địa phương cho biết, hiện vẫn còn hơn 100 người bị mất tích.
Ông Mike Davis của tổ chức Nhân chứng Toàn cầu chia sẻ: “Có hàng chục người bị chôn sống cùng lúc sau khi vụ lở đất diễn ra”./.