Thế giới 7 ngày: “Đại chiến” liên Triều, Trung Quốc gánh hậu quả?
VOV.VN -Cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại trước diễn biến leo thang mới trên bán đảo Triều Tiên tuần qua.
1.Hàn Quốc ngày 20/8 bắn hàng chục quả đạn pháo về phía Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắn một quả rocket nhằm vào hệ thống loa phát thanh của Seoul khi hệ thống này đang phát đi những thông tin chống phá Bình Nhưỡng.
Đáp lại, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho các lực lượng phối hợp ở tiền tuyến bước vào tình trạng chiến tranh từ ngày 21/8.
Binh sĩ Hàn Quốc kiểm tra hàng rào dọc biên giới liên Triều. (Ảnh: Getty) |
Căng thẳng ở biên giới liên Triều lại bắt đầu leo thang trở lại hồi đầu tháng này sau khi xảy ra vụ nổ mìn ở Khu vực Phi Quân sự hóa (DMZ) ở biên giới, khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đã đặt mìn, gây ra vụ việc nói trên, nhưng Triều Tiên bác bỏ.
Diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, đặc biệt là láng giềng Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới đang loay hoay với “thảm kịch” Thiên Tân và thêm một vụ nổ “long trời” nữa ở Sơn Đông. Khu vực Đông Bắc Á nếu xảy ra chiến tranh, sẽ ảnh hưởng cực lớn tới sự phát triển của kinh tế Trung Quốc chưa kể đến vấn đề an ninh khu vực và sự can thiệp của những nước lớn.
Bởi thế căng thẳng Hàn – Triều thực sự là mối quan ngại vô cùng lớn với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, diễn biến ngày 22/8 đang cho thấy bán đảo Triều Tiên bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 22/8 thông báo: Cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo gặp những người đồng cấp của Triều Tiên vào 18h chiều 22/8 (16h theo giờ Hà Nội) tại làng đình chiến Panmunjom.
Cuộc gặp này đạt được ngay trước thời hạn chót mà Triều Tiên đặt ra để Hàn Quốc chấm dứt hoạt động phát loa tuyên truyền chống Bình Nhưỡng qua biên giới, là 17h giờ địa phương (15h30' giờ Hà Nội) ngày 22/8.
Quan chức hai miền Triều Tiên gặp nhau nhằm giảm căng thẳng
2. Trung Quốc “lao đao” vì hàng loạt vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân và thêm một vụ nổ khác ở tỉnh Sơn Đông
Tân Hoa Xã tối 22/8 đưa tin về một vụ nổ đã xảy ra tại một nhà máy hóa chất tại trung tâm tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Vụ nổ xảy ra vào lúc 8h50 (giờ địa phương) tại quận Hoàn Đài, tỉnh Sơn Đông, gây ra một đám cháy lớn.
Vụ nổ nhà máy hóa chất ở tỉnh Sơn Đông. |
Lực lượng cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường. Hiện các nhà chức trách chưa đưa ra con số thương vong cụ thể. Theo Tân Hoa Xã, khu vực xảy ra vụ nổ cách khu dân cư khoảng 1 km.
Theo Nhân dân Nhật báo, lính cứu hỏa tại hiện trường cho biết trong nhà máy bị bốc cháy có sản xuất adiponitrile ((CH2)4(CN)2), đồng nghĩa với việc trong đám cháy nhiều khả năng có chứa độc tố.
Vụ việc này xảy ra chỉ hơn một tuần sau vụ nổ kinh hoàng tại tỉnh Thiên Tân. Đến chiều 22/8, cơ quan chức năng cho biết số người thiệt mạng ở Thiên Tân đã lên tới con số 121, trong đó có 67 lính cứu hỏa. Hiện vẫn còn 37 lính cứu hỏa khác nằm trong số 54 người vẫn đang mất tích.
Trong khi đó, mối lo về nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường vẫn đang tăng lên, bất chấp những lời trấn an của chính quyền.
Theo AFP, các chuyên gia kỹ thuật ghi nhận hàm lượng sodium cyanide đang cao gấp 356 lần mức an toàn trong khu vực sơ tán với bán kính 3km quanh hiện trường vụ nổ, mặc dù không có dấu hiệu nhiễm độc bất thường nào bên ngoài khu vực trên.
Xác định chất cực độc có trong nhà kho bị nổ ở Thiên Tân
3. Cảnh sát Thái Lan “treo thưởng” 85.000 USD cho người cung cấp thông tin để bắt nghi phạm đánh bom Bangkok.
Ít nhất 20 người đã thiệt mạng trong vụ nổ tối 17/8 ở trung tâm thủ đô Bangkok (Thái Lan). Đây là vụ đánh bom kinh hoàng đầu tiên ngay tại thủ đô Bangkok. Hiện vẫn chưa có tổ chức hoặc cá nhân này đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom khiến ít nhất 20 người thiệt mạng trong đó có 11 người nước ngoài và làm 120 người khác bị thương.
Chân dung phác họa nghi phạm vụ đánh bom ở đền Erawan, Bangkok. |
Thái Lan đang truy tìm nghi phạm chính mặc áo vàng mà camera CCTV đã quay lại. Cảnh sát nước này cũng đang nhờ Interpol giúp tìm ra nghi phạm trên. Họ đã gửi cho Interpol hình ảnh của kẻ tình nghi.
Ngày 22/8, Thái Lan công bố thông tin sẽ truy tìm thêm một nghi phạm đánh bom mới là một người đàn ông mặc áo sơmi màu xanh và đá một chiếc túi xuống sông ngay sau khi đền Erawan nổ tung. Địa điểm này cách hiện trường vụ nổ ở đền Erawan vài km.
Khoảng 18 giờ sau đó, vào lúc 13h ngày 18/8, một vụ nổ đã xảy ra đúng địa điểm này, gần một bến tàu tấp nập nhưng không ra thương vong.
Một phát ngôn viên chính phủ cho hay 56 người vẫn đang điều trị trong bệnh viện, nhiều người bị thương nặng sau vụ nổ ở đền.
Cuộc điều tra của cảnh sát Thái Lan chủ yếu dựa trên các đoạn video từ camera giám sát nhưng nhiều đoạn quá mờ nên rất khó để họ nhận dạng các chủ thể và vật thể.
Nghi phạm chính hiện bị phát lệnh bắt giữ là một nam thanh niên mặc áo màu vàng, để lại balô ở đền Erawan và rời đi ngay trước khi quả bom phát nổ.
Vụ đánh bom được cho là không liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế sau khi các nhà điều tra Thái Lan tham khảo ý kiến với cảnh sát quốc tế Interpol và các cơ quan tình báo nước ngoài. Tuy nhiên một số chuyên gia nói rằng vẫn còn quá sớm để chính quyền Bangkok loại trừ bất cứ khả năng nào.
Nỗi đau từ vụ nổ bom kinh hoàng tại Bangkok
4. Một số người muốn chống phá chính phủ Campuchia và phá hoại quan hệ Việt Nam-Campuchia đã phải trả giá cho những sai lầm của họ.
Thời gian gần đây, các thành viên của Đảng Cứu quốc đối lập (CNRP) ở Campuchia thường xuyên chỉ trích chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ giả để phân giới cắm mốc với Việt Nam, gây dư luận xấu cho xã hội.
Campuchia ngày 20/8 chính thức khẳng định Bản đồ Chính phủ Campuchia dùng để phân giới Việt Nam với bản đồ mượn của Liên Hợp Quốc là đồng nhất.
Bản đồ mang từ Liên Hợp Quốc về Campuchia để so sánh. |
Cùng ngày, đại diện Liên Hợp Quốc trao bản đồ Campuchia tỷ lệ 1/100.000 gồm 18 mảnh được lưu giữ tại Liên hợp quốc từ năm 1964 cho phía Campuchia.
Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, Quốc vụ khanh Phay Siphan cho biết, đây là hoạt động cuối cùng của Chính phủ Hoàng gia Campuchia để công khai tính đúng đắn, minh bạch về quá trình đàm phán, phân giới với Việt Nam, đồng thời Chính phủ Hoàng gia Campuchia sẽ nghiêm trị theo pháp luật mọi hành động tiếp tục xuyên tạc vấn đề biên giới.
Thực tế cho thấy, sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ, chính phủ Việt Nam và chính phủ Campuchia đã nghĩ đến việc phân giới cắm mốc đường biên giới của 2 nước, nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, an ninh và phát triển. Từ đó, các Hiệp ước, Hiệp định về công tác phân giới cắm mốc giữa 2 nước đã được 2 Chính phủ xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện.
Đến nay, 2 bên đã triển khai và thực hiện được 83% khối lượng công việc trong tổng số 314 cột mốc, số còn lại vẫn đang tiếp tục đàm phán triển khai. Khi đường biên giới được cắm mốc, 2 nước sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển kinh tế biên giới, mang lại lợi ích cho 2 quốc gia. Đây cũng là một trong những thành tích mà Đảng nhân dân Campuchia (CPP) đạt được trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước.
Những kẻ lừa dân về biên giới Việt Nam-Campuchia đã phải trả giá
5. Indonesia hoàn tất việc tìm kiếm máy bay hãng Trigana đâm vào núi; xả súng vào tàu cao tốc Hà Lan-Pháp
Lực lượng cứu hộ Indonesia đã tìm thấy đủ 2 chiếc hộp đen của chiếc máy bay hãng Trigana Air đâm vào núi ngày 16/8. Chúng được chuyển về Jakarta để phục vụ cho việc phân tích dữ liệu và tìm nguyên nhân của vụ tai nạn kinh hoàng này.
Hiện trường tìm kiếm máy bay hãng Trigana bị rơi ở Papua. (ảnh: EPA) |
Có tổng cộng 54 người trên máy bay, trong đó có 49 hành khách gồm 44 người lớn và 5 trẻ em cùng 5 thành viên phi hành đoàn. Đến ngày 18/8, toàn bộ 54 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy và chuyển tới một bệnh viện để nhận dạng.
** Một tay súng đã khai hỏa vào một đoàn tàu cao tốc đi từ Amsterdam tới Paris vào hôm 21/8, khiến 2 người bị thương, trong đó có ít nhất 1 lính Mỹ.
Các quan chức cho hay, sau đó rất may 2 hành khách Mỹ trên chuyến tàu đã khống chế được tay súng này, nhờ đó ngăn chặn được nguy cơ xảy ra một thảm kịch tồi tệ.
Vụ tấn công xảy ra vào lúc 15h45 giờ GMT hôm 21/8 lúc đoàn tàu hỏa Thalys đang đi qua lãnh thổ Bỉ, theo một thông cáo của văn phòng Tổng thống Pháp Francois Hollande.
6. Siêu bão “song sinh” ở Thái Bình Dương
CNN 21/8 đưa tin về 2 cơn bão Goni và Atsani đang hình thành trên Thái Bình Dương có khả năng mạnh lên thành siêu bão.
Theo chuyên gia khí tượng Brandon Miller, hiện tượng “bão song sinh” (2 cơn bão hình thành cùng lúc) thường xảy ra ở phía Tây của Thái Bình Dương nhiều lần trong năm nhưng 2 siêu bão đồng thời xuất hiện là điều hiếm hoi.
Tính đến tối 22/8, ít nhất 10 người thiệt mạng, 7 người bị thương và 3 người mất tích sau khi cơn bão Goni tràn vào Philippines.
Hình ảnh vệ tinh của bão Goni. |
Hội đồng kiểm soát và giảm trừ rủi ro thảm họa quốc gia Philippines thông báo, siêu bão Goni tấn công nước này kèm theo mưa lớn và gió mạnh, gây ra lở đất và lũ quét nghiêm trọng. Các nhà chức trách đã phải cho sơ tán gần 13.000 người tại các khu vực phía Bắc Philippines.
Sáng 23/8, bão Goni sẽ nằm cách đảo Basco thuộc tỉnh Batanes khoảng 295 km về phía Đông Bắc.
Trong khi đó, siêu bão Atsani có cường độ lớn hơn bão Goni. Sức gió gần tâm bão đạt mức 250 km/h, có lúc giật trên 300 km/h. Bão hiện ở trên Thái Bình Dương, dự kiến đi về hướng Đông tới phía Nam Nhật Bản, tiếp cận chuỗi đảo Ogasawara, cách thủ đô Tokyo 1.000 km về phía Nam.
Ông Miller cho biết nếu bão Goni hiện tại tăng sức gió thêm 29 km/h, nó sẽ trở thành siêu bão. Nếu vậy, đây là lần đầu tiên có siêu bão kép cùng một lúc ở phía Tây Thái Bình Dương kể từ năm 1997./.