Thế giới 7 ngày: Mỹ- Trung đưa tàu hải quân ra Biển Đông
VOV.VN -Hải quân Mỹ đưa tàu sân bay và tàu hộ tống tới Biển Đông. Trung Quốc cũng triển khai tàu bám sát. Hai bên không có va chạm gì.
Tàu Hải quân Mỹ USS William P. Lawrence dẫn tàu Tàu sân bay USS John S. Stennis trong cuộc tập trận chung tại Thái Bình Dương (Ảnh CNN). |
Đây được cho là một động thái để đối phó với mối quan ngại ngày càng gia tăng khi Trung Quốc không ngừng có các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông,
Thông cáo của Hạm đội 7 cũng cho biết, quan sát cho thấy, các tàu của Hải quân Trung Quốc cũng hoạt động “trong vùng biển lân cận”. Chỉ huy tàu sân bay John S.Stennis Greg Huffman cho biết, không có va chạm nào xảy ra giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc.
Trung tá Hải quân Clay Doss cho biết, hoạt động của tàu sân bay USS John C. Stennis nằm trong khuôn khổ cuộc tuần tra định kỳ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc gần đây bị tố là triển khai tên lửa, chiến đấu cơ và radar trên các đảo mà nước này chiếm giữ trái phép.
2. Trước đó, ngày 29/2 Philippines lên tiếng yêu cầu Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết mà Tòa Trọng tài Quốc tế sắp công bố liên quan đến vụ kiện Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh bãi Chữ Thập bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh AFP |
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh: “Philippines và cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới của Tòa cũng như cùng tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được Tòa Trọng tài quốc tế tại Hague, Hà Lan công bố vào tháng 5 tới và Manila và Bắc Kinh đã gặp nhau vài lần để đối thoại về những tranh chấp trên Biển Đông nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào.
Lời kêu gọi của ông Rosario được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc trước đó đã cáo buộc Philippines “cố tình khích động chính trị”. Trung Quốc từng từ chối công nhận tính pháp lý của Tòa và nhấn mạnh, mọi tranh chấp đều phải giải quyết qua đối thoại song phương.
3. Ngày 2/3 một du khách Mỹ bất ngờ phát hiện một mảnh vỡ trôi dạt vào bãi cát ở eo biển Mozambique, nghi là mảnh vỡ của máy bay Boeing của Hãng Hàng không Malaysia mang số hiệu chuyến bay MH370.
Gần 2 năm kể từ khi máy bay Malaysia Airlines bay MH370 biến mất bí ẩn, một mảnh vỡ nghi là của chiếc máy bay xấu số này lại được tìm thấy trên bờ biển Mozambique. (Ảnh CBSN). |
Việc tìm thấy một mảnh vỡ được cho là của máy bay diễn ra đúng thời điểm chuẩn bị đến lễ tưởng niệm 2 năm ngày chiếc Boeing của hãng hàng không Malaysia mất tích hôm 8/3/2014.
Trong cuộc họp báo ngày 3/3 về mảnh vỡ được tìm thấy ở Mozambique, Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai nói rằng mảnh vỡ vừa được tìm thấy hoàn toàn phù hợp với suy đoán của cơ quan điều tra về khả năng các mảnh vỡ máy bay MH370 trôi dạt về phía nam Ấn Độ Dương.
Mảnh vỡ sẽ được đưa tới Australia để các chuyên gia của Malaysia, Mỹ và Cơ quan An toàn Giao thông Australia (ATSB) thẩm tra, đánh giá và kết luận. ATBS sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về mảnh vỡ cho đến khi tiến trình điều tra hoàn tất.
4. Rạng sáng ngày 27/2, Lệnh ngừng bắn tại Syria chính thức có hiệu lực. Lệnh ngừng bắn này đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc trên thế giới có thể ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra một lệnh ngừng bắn nhằm tạm ngừng cuộc nội chiến tại Syria.
Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria giúp cho khu vực tạm ngưng tiếng súng. Người dân ở đây hy vọng sẽ có một cuộc sống hòa bình trở lại (Ảnh CBS News). |
Điều phối viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề cư trú tại Damascus Yacoub El Hillo thông báo Liên Hợp Quốc và các tổ chức đối tác đang lên kế hoạch cung cấp cứu trợ thiết yếu cho 154.000 người Syria đang sống tại các khu vực bị bao vây.
Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 500.000 người sống trong các khu vực bị cô lập trong tổng số 4,6 triệu người khó có thể tiếp cận được với các nguồn cứu trợ. Ông El Hillo khẳng định lệnh ngừng bắn đang được thực thi là cơ hội tốt nhất để người dân nước này được hưởng cuộc sống hòa bình, ổn định mà họ đã bị tước đoạt đi trong suốt 5 năm qua.
5. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đêm 2/3 đã nhất trí thông qua một nghị quyết cho phép áp đặt các trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên.
Người dân xem một chương trình tin tức có nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang phát biểu, tại Ga đường sắt Seoul ở Seoul, Hàn Quốc (Ảnh AP). |
Theo Nghị quyết mới, mọi tàu chở hàng đến và đi vào Triều Tiên đều phải được kiểm tra. Hội đồng Bảo an cũng nhất trí bổ sung 12 thực thể và 16 cá nhân Triều Tiên vào danh sách đen trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong đó có đại diện thương mại của Triều Tiên tại một số nước.
Lệnh trừng phạt này được đưa ra nhằm trừng phạt Triều Tiên liên quan tới vụ thử hạt nhân lần thứ 4 ngày 6/1 và vụ phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7/2.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi lệnh trừng phạt được đưa ra, theo Yonhap của Hàn Quốc, Triều Tiên hôm 3/3 lại bắn một số tên lửa tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này. Loại tên lửa và số lượng chính xác tên lửa hiện vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, theo nhà chức trách Hàn Quốc, các tên lửa đều rơi xuống biển.
Kẽ hở trong nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của HĐBA
6. Ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” (Super Tuesday) diễn ra hôm 1/3 (giờ Mỹ) đã chứng kiến chiến thắng vang dội của ứng cử viên Donal Trump và Hillary Clinton.
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và tỷ phú Donal Trump, ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2016 (ảnh: Getty). |
Mặc dù chưa có kết quả chính thức, nhưng hai ứng cử viên là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa vẫn đang tiếp tục dẫn đầu cuộc đua nội bộ trong ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” diễn ra tại 12 bang và vùng lãnh thổ Samoa trên toàn nước Mỹ.
Tính đến 23h ngày 1/3 (giờ địa phương), tỷ phú Donald Trump chứng tỏ thế áp đảo với 5 chiến thắng tại các bang Georgia, Virginia, Alabama, Tennesseevà Massachusetts.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã giành chiến thắng tại 6 bang gồm Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee, Arkansas, Texas và vùng lãnh thổ hải ngoại Samoa.
7. Sáng 5/3, tại Đại lễ đường Nhân dân, ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã diễn ra phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 12.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Lễ Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 12 của Trung Quốc. |
Đây là sự kiện chính trị lớn tổ chức thường niên, nhằm thảo luận và thông qua các quyết sách lớn của Trung Quốc trong năm 2016 và 5 năm tới, như Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 13, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dự toán ngân sách, chi phí quốc phòng, công tác xây dựng pháp luật và phòng chống tham nhũng…
Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc xác định coi trọng thiết lập quan hệ tương tác tích cực với các nước lớn, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đảm nhận tốt vai trò nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20, đẩy mạnh triển khai chiến lược "một vành đai, một con đường", tăng cường hợp tác năng lực sản xuất, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài...
Một nội dung đáng chú ý là việc Trung Quốc công bố dự toán chi phí quốc phòng năm 2016 với mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so các năm trước. Cụ thể, chi phí quốc phòng năm 2016 vào khoảng 147 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 6 năm qua khi trước đó đều ở mức 2 con số.
Trung Quốc: Chiến dịch “đả hổ” vẫn diễn ra trong kỳ họp Lưỡng hội