Thế khó của Mỹ khi vượt lằn ranh mới trong hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
VOV.VN - Mỹ có thể sẽ vượt chính lằn ranh do nước này đặt ra khi cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến Patriot cho Ukraine. Động thái này có thể khiến Washington đối mặt với những thách thức mới.
Mỹ vượt lằn ranh mới hỗ trợ vũ khí cho Ukraine
AP đưa tin, Mỹ sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine và nó sẽ nằm trong gói hỗ trợ quân sự mới của Washington cho Kiev.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vượt qua một lằn ranh mới trong việc hỗ trợ Ukraine khi cho thể hiện thái độ sẵn sàng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tiên tiến này. Hệ thống phòng không Patriot, được trang bị radar và khả năng đánh chặn tên lửa mạnh mẽ, có thể phát huy hiệu quả cao ở Ukraine và đánh dấu bước tiến đáng kể về mức độ hỗ trợ của Mỹ. Tuy nhiên, việc cung cấp hệ thống này cho Ukraine có thể tạo ra những thách thức dài hạn với NATO.
Tổng thống Biden trước đó bác bỏ khả năng cung cấp hệ thống Patriot cho Kiev. Sự dịch chuyển trong chính sách của Mỹ dường như diễn ra sau khi Nga tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine, khiến cho nhiều khu vực của nước này rơi vào tình trạng mất điện. Phương Tây cũng cho là Nga đang tìm cách mua thêm các tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất, kết hợp với việc tăng cường sản xuất tên lửa trong nước. Điều đó tức là các cuộc tấn công trên của Moscow có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài.
Patriot là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiệu quả nhất thế giới. Trong 5 năm qua, Saudi Arabia tuyên bố đã bắn hạ hàng trăm tên lửa của lực lượng Houthi nhờ hệ thống này. Ngoài việc bảo vệ các thành phố của Ukraine, việc cung cấp khả năng phòng không tầm trung có thể giúp giải phóng khả năng cho các hệ thống S-300 của Ukraine, mở rộng mức độ bảo vệ trên không cho các lực lượng của nước này.
Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là hệ thống Patriot không cung cấp sự bảo vệ ngay lập tức cho Ukraine, vì thế các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn. Patriot là một hệ thống phức tạp cả trong quá trình vận hành, bảo trì và sửa chữa. Việc đảm bảo Ukraine có thể vận hành lâu dài hệ thống này sẽ cần có thời gian.
Giữa bối cảnh kho tên lửa phòng không ngày càng sụt giảm, Ukraine ngày càng phụ thuộc vào sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là về đạn pháo và các phương tiện bọc thép. Sự phụ thuộc này sẽ đi kèm với những rủi ro cho Ukraine, đặc biệt khi bản thân các nước hỗ trợ cho Kiev cũng đối mặt với kho vũ khí hạn chế.
Thế khó của Mỹ và phương Tây
Một số nhà quan sát lo ngại, việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ gây ra rủi ro leo thang căng thẳng nhưng đó không phải là lý do cơ bản khiến Mỹ do dự trong việc chuyển giao hệ thống Patriot. Mỹ sở hữu số lượng hệ thống Patriot ít hơn so với mức độ mà các phân tích yêu cầu để bảo vệ các lực lượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hơn nữa, nhu cầu tên lửa từ những bên sử dụng hệ thống Patriot vẫn tiếp tục gia tăng, từ Thụy Điển tới Saudi Arabia. Saudi Arabia đã tăng đáng kể số lượng tên lửa mỗi tháng nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, mức độ sản xuất tên lửa cho hệ thống này vẫn thấp.
Một thách thức nữa khi cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine là việc đáp ứng nhu cầu đạn dược của nước này. Việc tiêu thụ đạn dược của Ukraine vượt đáng kể nguồn cung sẵn có và Kiev đang tiêu hao nòng pháo nhanh hơn so với mức độ thay thế. Lỗ hổng trong ngành công nghiệp quốc phòng của NATO cũng khiến liên minh này gặp khó khăn trong việc hỗ trợ các chiến dịch cường độ cao kéo dài. Trong trường hợp của các hệ thống như Patriot, thách thức này còn lớn hơn bởi việc sản xuất các vũ khí chính xác như tên lửa phòng không sẽ mất nhiều thời gian hơn so với việc sản xuất các loại đạn pháo không dẫn đường.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã dẫn đến những thay đổi trong ngành công nghiệp quốc phòng của NATO khi các quốc gia đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy sản xuất đạn dược và các công cụ máy móc cần thiết nhưng quá trình này cần có thời gian. Trong khoảng thời gian trung chuyển giữa lúc nguồn cung sẵn có tăng lên và sức ép về nhu cầu hiện tại, việc cung cấp các hệ thống vũ khí quan trọng cho Ukraine sẽ là một động thái đầy rủi ro.
Đối mặt với những sức ép gia tăng, Mỹ và phương Tây phải cân bằng giữa việc ủng hộ cho Ukraine với nhu cầu an ninh của mình. Trong bối cảnh này, dù Patriot là một lựa chọn tốt để đối phó với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhắm vào các thành phố của Ukraine thì một điều quan trọng mà các quan chức phòng không địa phương hiểu rõ là họ không thể mở rộng vô hạn nguồn cung đạn dược và phải ưu tiên sử dụng chúng cho phù hợp.
Patriot được cho là có khả năng bắn hạ UAV nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine nhưng nếu được sử dụng với vai trò này, Kiev sẽ nhanh chóng cạn kiệt tên lửa. Điều này từng xảy ra với GMLRS, hệ thống tên lửa tầm xa được Mỹ cung cấp cho Ukraine. Mặc dù các lực lượng của Ukraine sử dụng GMLRS một cách thận trọng để nhắm vào các mục tiêu ưu tiên cao nhưng trong chiến dịch phản công ở Kherson, việc nước này mở rộng tấn công đã khiến mức độ tiêu thụ tên lửa vượt đáng kể so với khả năng cung cấp của các nước hỗ trợ.
Theo nhà quan sát Jack Watling - Học giả cấp cao tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), trên thực tế, giống như các hệ thống trước đó, việc cung cấp Patriot không phải một viên đạn thần kỳ. Nó hỗ trợ phòng không Ukraine đối mặt với các mối đe dọa cụ thể nhưng để giải quyết mối đe dọa lâu dài với an ninh năng lượng của nước này một cách phù hợp về chi phí thì sẽ cần những giải pháp khác của Kiev và phương Tây./.