Thổ Nhĩ Kỳ: Khe cửa hẹp vào EU
VOV.VN -Sau cuộc đảo chính, sự đàn áp các phe đối lập sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó lòng gia nhập EU trong thời gian tới.
Ngày 25/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh tạm giữ 42 nhà báo, sau hàng loạt các vụ đình chỉ công tác đối với hàng trăm binh sĩ, cảnh sát, thẩm phán, công chức. Đây là diễn biến mới nhất trong chiến dịch “diệt cỏ tận gốc” của Tổng thống Tayip Erdogan. Liên minh Châu Âu đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi ông Erdogan “không nên đi quá xa” trong chiến dịch thanh trừng sau đảo chính. Chính động thái này cũng khiến cho cánh cửa của Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh Châu Âu càng trở nên khó mở.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (Ảnh: Reuters). |
Trả lời trên Kênh Truyền hình France 2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo, nếu chính quyền của ông Erdogan vẫn nhất quyết khôi phục án tử hình thì chắc chắn, vĩnh viễn nước này sẽ không được gia nhập EU. Ông nhấn mạnh, sau cuộc đảo chính, sự đàn áp các phe đối lập cũng sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó lòng gia nhập EU trong thời gian tới:
“Với tình hình hiện nay, tôi tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp để trở thành một thành viên EU trong thời gian sớm, thậm chí là cả trong giai đoạn dài hơn. Bởi vì những quyết định của chúng tôi sẽ được đưa ra trong quá trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề tư pháp và tự do ngôn luận. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết áp dụng lại án tử hình sau đảo chính thì chúng tôi sẽ ngay lập tức kết thúc cuộc đàm phán. Vì một đất nước sở hữu các hình phạt tử hình trong hệ thống pháp lý của nó không có một chỗ trong Liên minh châu Âu".
Trước đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã chỉ trích các hành động trả thù đối với phe đối lập và những người chống đối của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi cuộc đảo chính bị thất bại, truyền thông phương Tây liên tục dùng các từ ngữ "trả thù", "trấn áp", "thanh trừng" để miêu tả về cách thức xử lý sau cuộc đảo chính của chính phủ Thổ Nhì Kỳ. Mặc dù các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Liên minh Châu Âu tích cực bày tỏ sự ủng hộ dành cho Chính phủ dân cử ở Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối đảo chính, nhưng cũng răn đe ông Erdogan "không nên đi quá xa".
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ người nghi là tham gia đảo chính (Ảnh: REuters). |
Nhưng ông Erdogan dường như đã không còn để tâm đến những cảnh báo của châu Âu. Ông này tuyên bố việc khôi phục án tử hình do Quốc hội đưa ra quyết định, và ông sẽ ký thành luật dù Quốc hội có quyết định thế nào đi nữa. Tổng thống Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, cho phép ông ký luật mới mà không cần thông qua Quốc hội trước và giới hạn quyền lực nếu thấy cần thiết. Đây là biện pháp được cho là cần thiết để nhổ tận gốc những người ủng hộ cuộc đảo chính và sẽ không xâm phạm đến các quyền của những người dân bình thường.
Ông Erdogan khẳng định: “Tình trạng khẩn cấp này không phải là một lệnh giới nghiêm. Mọi người vẫn sẽ được đi lại trên phố và các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Người dân sẽ không gặp bất kỳ khó khăn trở ngại nào trong cuộc sống hàng ngày. Và tình trạng khẩn cấp này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này".
Ông Erdogan cũng nhấn mạnh sẽ cải tổ bộ máy công quyền và đặc biệt là bộ máy của quân đội. Hôm qua, các đảng phái ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thống nhất lập trường thay đổi hiến pháp sau đảo chính.
Nhiều nhà phân tích nhận định, với những động thái này, con đường vào Liên minh Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không cần đợi đến thời điểm này thì quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ vốn cũng đã không mấy “nồng ấm”. Cuộc đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU đã kéo dài hơn 10 năm nhưng chưa hề có những kết quả nào khả quan.
Một mặt, các nước phương Tây luôn cảm thấy “khó chịu” về việc chính quyền của ông Erdogan mang đậm màu sắc Hồi giáo. Mặt khác, trong lĩnh vực ngoại giao, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây là khác nhau. Thời kỳ đầu của phong trào "Mùa xuân Ả Rập", mục tiêu của hai bên giống nhau, đều là nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhưng, sau khi IS xuất hiện, mục tiêu của phương Tây là tiêu diệt IS, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ xem IS là lực lượng kiềm chế người Kurd.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và EU cũng đang tồn tại mâu thuẫn về vấn đề người nhập cư. Sau vụ đảo chính quân sự, Tổng thống Erdogan tiến hành cuộc đại thanh trừng, thay đổi hệ thống tư pháp và hệ thống giáo dục. Thậm chí, ông này có thể thay đổi Hiến pháp để tiếp tục tại vị trong nhiệm kỳ tiếp theo. Và đó chắc chắn sẽ là những lý do khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều hi vọng được gia nhập EU./.
Vì sao cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ thất bại?