Thỏa thuận hạt nhân Iran mở đường cho Mỹ vào Trung Đông?
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, với thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ có thể mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới để can dự vào Trung Đông.
Hàng chục năm qua thế giới thường xuyên chứng kiến những cuộc khẩu chiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, điều này dường như đang thay đổi hoàn toàn khi giới chức hai nước thường xuyên lên tiếng bảo vệ lẫn nhau trong đàm phán hạt nhân. Liên quan đến động thái này, giới quan sát cho rằng, việc đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran chính là đột phá khẩu cho chiến lược Trung Đông mới của Mỹ.
Theo truyền thông Mỹ, chính phủ nước này hiện đang xây dựng một chiến lược Trung Đông mới trong thời gian nắm quyền còn lại của Tổng thống Barack Obama. Đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel do Mỹ bảo trợ cho đến nay đang rơi vào ngõ cụt. Xung đột tại Iraq, Yemen, Syria, Libya diễn biến phức tạp bất chấp các nỗ lực hàn gắn của quốc tế. Trong thời điểm hiện nay, duy nhất thỏa thuận hạt nhân của Iran được xem là có nhiều tín hiệu tích cực.
Đại diện các nước nhóm họp tại Vienna về vấn đề hạt nhân của Tehran. (Ảnh: Sputnik) |
Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho bất ổn khu vực Trung Đông, nơi Iran đóng vai trò khá quan trọng, chính giới Mỹ cho rằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là chìa khóa để mở ra các giải pháp chính trị không chỉ tại Syria mà còn ở nhiều quốc gia khác như Iraq, Yemen.
Bất chấp sự phản đối của Quốc hội Mỹ và nhiều đồng minh tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là Israel và Arab Saudi, chính phủ của Tổng thống Obama vẫn kiên trì thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Theo chuyên gia nghiên cứu Iran, ông Karim Sadjadpour thì trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Obama đã cố gắng bảo vệ quan điểm về sự nguy hiểm của chương trình hạt nhân mà Iran đang theo đuổi. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2 của mình, chính ông Obama lại tìm mọi cách thuyết phục để hoàn thành việc ký kết một thỏa thuận cuối cùng cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù không chỉ thời hạn chót cho thỏa thuận cuối cùng đã trôi qua nhưng Mỹ vẫn khẳng định đàm phán tiến triển tốt đẹp. Phát biểu trước phiên đàm phán hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cho biết mặc dù còn nhiều vấn đề khó khăn cần phải giải quyết nhưng vẫn hy vọng về thỏa thuận cuối cùng.
“Điều quan trọng nhất mà Tổng thống Obma đã tuyên bố rõ ràng, chúng tôi phải ngăn chặn cả bốn con đường dẫn tới khả năng sở hữu bom hạt nhân. Các đối tác Iran của chúng tôi đã làm việc tích cực. Họ đã đầu tư nhiều thời gian. Mọi người thảo luận hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, hy vọng của chúng tôi là sẽ đạt được một thỏa thuận công bằng, có thể ngẩng cao đầu và cho thế giới thấy rằng các nước có thể ngồi cùng nhau và thúc đẩy mọi việc” - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói.
Giới quan sát quốc tế cho rằng, việc hoàn tất các cuộc đàm phán với Iran sẽ mang lại cho Mỹ một vị thế mới trong khu vực đầy biến động này, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Đổi lại, giới chức Iran cũng bắt đầu để ngỏ khả năng tham gia vào các vấn đề khu vực sau khi đàm phán hạt nhân hoàn tất. Trong khi một số quan chức Iran khẳng định Mỹ vẫn là kẻ thù bất chấp các tiến triển trong đàm phán hạt nhân thì nhiều tuyên bố khác cũng cho rằng tình trạng bạo lực cực đoan tại khu vực đang là mối đe dọa chung và Tehran có trách nhiệm tham gia giải quyết.
Thực tế hiện nay cho thấy, Iran đang đóng vai trò quan trọng đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như phiến quân Hồi giáo Houthi tại Yemen. Trong tuyên bố mới nhất hôm qua, Tổng thống Mỹ Obama cam kết tăng cường viện trợ và hỗ trợ lực lượng đối lập Syria ôn hòa trong cuộc chiến chống lại các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ẩn sau đó, chính là chống lại chính phủ của ông Assad.
Giới quan sát quốc tế cho rằng việc kết hợp giữa áp lực quân sự, sức ép từ phe đối lập và nếu có được sự ủng hộ của Iran thì giải pháp thay đổi quyền lực tại Syria là điều hoàn toàn có thể diễn ra. Tại Yemen, nơi phiến quân Houthi với sự ủng hộ của Iran đang giao tranh ác liệt với quân chính phủ do Arab Saudi hỗ trợ thì một giải pháp hợp tác với Tehran không phải là ý kiến tồi. Như vậy, với thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ có thể mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới để can dự vào Trung Đông theo cách thức mới./.