Thực chất quan hệ Pháp- Trung: Gạt bỏ nghi kỵ, bắt tay làm ăn?
VOV.VN - Thủ tướng Pháp Manuel Valls đang ở thăm Trung Quốc trong chuyến công du kéo dài 3 ngày nhằm thắt chặt quan hệ thương mại song phương.
Một cố vấn của Thủ tướng Pháp cho biết, chuyến thăm lần này sẽ nhằm vào việc củng cố quan hệ kinh tế và công nghiệp, giảm rào cản thương mại và tăng cường thu hút sinh viên và du khách tới Pháp. Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có khoảng 15 thỏa thuận được ký trong chuyến thăm này.
Diễn ra đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm cũng đang thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, một mặt thúc đẩy quan hệ, song mặt khác hai nước vẫn còn nhiều nghi kỵ cần giải quyết.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Manuel Valls đến Trung Quốc trên cương vị Thủ tướng Pháp và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Pháp kể từ chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande năm 2013.
Vì thế, đây được coi là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Pháp-Trung, đặc biệt trong dịp 2 nước đang kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Với cá nhân Thủ tướng Manuel Valls thì chuyến đi Trung Quốc lần này được đặc biệt chú ý bởi ông Valls đang có sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong nước sau thành công trong việc giải quyết các vấn đề an ninh sau vụ khủng bố mới đây ở Pháp.
Tỷ lệ ủng hộ ông Valls trong nước Pháp lên tới 63%, cao nhất từ khi ông lên làm Thủ tướng nên theo nhiều nhà quan sát, ông Valls đến Trung Quốc lần này gần như trên cương vị một nguyên thủ quốc gia và được phía Trung Quốc đón tiếp long trọng không kém so với ông Hollande trước đây.
Cả 3 nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều sẽ tiếp ông Valls, người được xem là đại diện cho thế hệ chính trị gia mới ở Pháp, trẻ và năng động.
Trên cương vị cá nhân, đây là chuyến đi nhằm thiết lập các quan hệ cá nhân giữa các thế hệ lãnh đạo 2 nước, trên phương diện tập thể, chuyến đi này thể hiện mong muốn của nước Pháp tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Kinh tế là mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm này của ông Valls đến Trung Quốc. Từ khi ông Hollande lên cầm quyền thì Pháp đã rất chú trọng đến việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Pháp không muốn bị gạt ra khỏi cuộc chơi ở thị trường đông dân nhất thế giới, đặc biệt không muốn bị lép vế so với Đức trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Pháp chỉ chiếm 1,18% thị phần trao đổi kinh tế với Trung Quốc trong khi Đức là 4,8%.
Vì thế, thúc đẩy kinh tế là mục tiêu hàng đầu. Điều này thể hiện rõ trong lịch trình hoạt động của ông Valls ở Trung Quốc, khi ông đi thăm nhà máy lắp ráp của Airbus ở Thiên Tân và trong phái đoàn đi Trung Quốc của ông Valls có rất nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp như Areva, EDF, Thales, LVMH…
Một loạt các thỏa thuận kinh tế sẽ được ký kết trong nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, hàng không, năng lượng…
Ngoài ra, ông Valls cũng rất muốn thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc vào Pháp cũng như đẩy mạnh hợp tác du lịch. Hiện Pháp đang đầu tư 25 tỷ euro vào Trung Quốc trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Pháp chỉ vào khoảng 3 tỷ euro.
Pháp muốn mở rộng cửa mời chào các nhà đầu tư Trung Quốc, sinh viên Trung Quốc sang Pháp du học cũng như du khách Trung Quốc sang Pháp du lịch. Hiện mỗi năm có hơn 1,2 triệu du khách Trung Quốc đến Pháp và con số này liên tục tăng nhanh mỗi năm.
Một mặt mối quan hệ Pháp - Trung gần đây được thúc đẩy qua nhiều thỏa thuận kinh tế được ký kết, nhưng mặt khác mối quan hệ này cũng tồn tại không ít nghi kỵ xung quanh mối lo ngại gián điệp về kinh tế, mà mới đây nhất là vụ việc Chính phủ Pháp quyết định bán một phần sân bay Toulouse cho một công ty Trung Quốc.
Những nghi ngại này chủ yếu đến từ dư luận Pháp. Tuy nhiên, hiện đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Pháp còn rất khiêm tốn, chỉ bằng 1/8 so với đầu tư của Pháp vào Trung Quốc. Chưa kể, trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Pháp vẫn là bên đang bị thâm hụt cán cân khi nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Pháp cao gấp 2,5 lần xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc.
Vì thế, Pháp phải đẩy mạnh các quan hệ hợp tác để tái cân bằng quan hệ kinh tế. Ông Valls đã nói rất rõ tại Trung Quốc rằng các nhà đầu tư Trung Quốc “rất được hoan nghênh tại Pháp”.
Nước Pháp đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế nên bất chấp các nghi ngại của dư luận trong nước, ưu tiên hợp tác kinh tế với Trung Quốc vẫn là một chiến lược quan trọng.
Các chính quyền của Pháp, từ thời ông Chirac, ông Sarkozy cho đến ông Hollande hiện nay đều không thể từ bỏ lợi ích rất lớn trong quan hệ với Trung Quốc và thực tế là họ luôn tìm cách thúc đẩy các quan hệ đó. Những nghi kỵ chủ yếu đến từ dư luận trong nước mà điều này thì rất khó kiểm soát.
Trung Quốc bây giờ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu với nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, vì thế chắc chắn quan hệ Pháp-Trung sẽ còn nhiều tiến triển trong thời gian tới, đặc biệt trong thời điểm 2 nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Các chuyến thăm của ông Hollande, ông Valls đến Trung Quốc rồi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Pháp năm ngoái củng cố điều này. Dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương này cũng là cơ hội lớn để hai nước đẩy mạnh hợp tác.
Các công ty Trung Quốc đang thâm nhập rất mạnh vào thị trường Pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Pháp như hàng không, y tế, du lịch, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hàng xa xỉ… Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2015 và nhiều năm tới./.