Thực tế sau tuyên bố ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng viên gia nhập EU

VOV.VN - Tại Kiev, lãnh đạo 3 nước hàng đầu châu Âu cùng với Romania đã tuyên bố ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng viên gia nhập EU. Tuy nhiên, việc Kiev có chính thức trở thành thành viên EU hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong chuyến thăm tới Kiev ngày 16/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố ủng hộ trao cho Ukraine và Moldova tư cách ứng cử viên gia nhập EU.

Cùng tới Kiev, còn có Tổng thống Romania Klaus Iohannis, đại diện cho các quốc gia thành viên mới của EU ở Đông Âu. Giống như lãnh đạo Pháp, Đức và Italy, ông Iohannis cũng bày tỏ ủng hộ việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova. Tuy nhiên, vấn đề này cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên EU.

“Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh: “Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Một cột mốc quan trọng trên con đường gia nhập châu Âu của Ukraine là được trao tư cách quốc gia ứng cử viên. Các nước thành viên EU sẽ thảo luận về vấn đề này trong vài ngày tới. Chúng tôi biết cần có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia EU. Tại Hội đồng Châu Âu, tôi sẽ vận động để có được quan điểm thống nhất. Đức ủng hộ quyết định tích cực có lợi cho Ukraine”.

Tuyên bố ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU được đưa ra trong chuyến đi mang tính biểu tượng của các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu tới Kiev.

Nhiều nhà lãnh đạo khác của châu Âu, trong đó có Thủ tướng Séc, Thủ tướng Ba Lan và Thủ tướng Slovenia, đã đến thăm Ukraine từ giữa tháng 3. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola tới Ukraine cuối tháng 3, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thăm Kiev 2 lần kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine – một lần vào tháng 4 và một lần vào đầu tháng 6.

Trong phần lớn thời gian đó, ông Macron vẫn đang bận rộn với chiến dịch tái tranh cử, ông Scholz đã từ chối lời mời đến thăm sau Kiev khi Ukraine từ chối chuyến thăm của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hồi tháng 4.

Nhân chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italy cũng đưa ra một thông điệp khác thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết với Ukraine chống lại Nga: EU và các đồng minh sẽ không gây sức ép để Kiev phải đầu hàng hoặc thỏa hiệp lãnh thổ nhằm chấm dứt xung đột.

“Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng Ukraine phải tự vệ và người Ukraine sẽ lựa chọn hòa bình mà họ muốn. Bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cũng không thể tách rời ý chí của Kiev, tách khỏi những gì người dân Ukraine cho là có thể chấp nhận được. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể xây dựng một nền hòa bình công bằng và lâu dài”, Thủ tướng Italy Draghi phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 16/6.

Những tuyên bố trên được xem như sự xoa dịu đối với giới chức Ukraine, những người đã lo ngại các đồng minh phương Tây có thể tìm cách buộc Kiev phải thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột.

Trước đó, Tổng thống Pháp Macron bị chỉ trích vì tuyên bố kêu gọi không nên “làm bẽ mặt” Nga. Trong khi đó, Berlin bị chỉ trích vì chậm gửi vũ khí cần thiết cho Ukraine.

Mặc dù đưa ra tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Ukraine, nhưng 3 nhà lãnh đạo - đại diện cho các quốc gia lớn nhất, giàu nhất và quyền lực nhất của EU - không công bố bất kỳ hỗ trợ quân sự hay tài chính mới nào cho Ukraine, trong bối cảnh xung đột Ukraine đã kéo dài gần 4 tháng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/6 tuyên bố hỗ trợ thêm 1 tỷ USD cho Ukraine.

Tư cách ứng viên chỉ là sự khởi đầu

Theo thủ tục bắt buộc, Ủy ban châu Âu trong ngày 17/6 sẽ chính thức đề xuất việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine. Sau đó, các nhà lãnh đạo EU sẽ họp vào tuần tới, để quyết định có trao cho Ukraine tư cách ứng viên gia nhập khối hay không.

Dù Ukraine đang nỗ lực để được trao tư cách ứng cử viên, nhưng việc có được tư cách này chỉ là bước khởi đầu trong quá trình gia nhập EU. Việc Kiev có thể trở thành thành viên chính thức hay không và khi nào điều đó xảy ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một số quốc gia thành viên thậm chí đã lên tiếng phản đối.

Nỗ lực gia nhập EU của một số quốc gia Tây Balkan, bao gồm Albania, Bắc Macedonia và Montenegro đã bị kéo dài trong nhiều năm. Ngày 16/6, cả 3 quốc gia này đều đã công khai ủng hộ Ukraine và Moldova, từ đó loại bỏ một lý do tiềm tàng mà một số nước viện dẫn để phản đối việc trao quy chế ứng cử viện cho Ukraine vào tuần tới.

Mặc dù tuyên bố ủng hộ Ukraine, nhưng lãnh đạo Pháp, Đức và Italy vẫn để ngỏ khả năng Hội đồng châu Âu có thể đưa ra điều kiện đối với Kiev, bao gồm các yêu cầu tăng cường thể chế dân chủ và pháp quyền, trước khi nước này được phép bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với EU.

Các quan chức và nhà ngoại giao EU cho rằng Ukraine sẽ khó có thể đạt được nhiều tiến bộ nếu xung đột kéo dài. Tổng thống Pháp Macron cũng từng nói rằng quá trình tổng thể có thể mất một thập kỷ hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, ở Kiev, ông Macron lại đưa ra những tuyên bố tích cực.

“Châu Âu ủng hộ Ukraine và sẽ tiếp tục ủng hộ chừng nào còn cần thiết, cho đến khi đạt được chiến thắng. Chúng tôi đều ủng hộ trao quy chế ứng cử viên ngay lập tức cho Ukraine. Quy chế này sẽ đi kèm với một lộ trình và cũng ngụ ý rằng tình hình ở Balkan và khu vực lân cận, đặc biệt là Moldova, sẽ được tính đến”, ông Macron nói, mặc dù nhấn mạnh đây chỉ là bước khởi đầu của một quá trình dài hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Câu chuyện sau chuyến tàu đêm đưa lãnh đạo 3 nước dẫn đầu châu Âu tới Ukraine
Câu chuyện sau chuyến tàu đêm đưa lãnh đạo 3 nước dẫn đầu châu Âu tới Ukraine

VOV.VN - Thủ tướng Đức cùng các nhà lãnh đạo của Pháp và Italy đã tới thủ đô Kiev của Ukraine bằng một chuyến tàu đêm.

Câu chuyện sau chuyến tàu đêm đưa lãnh đạo 3 nước dẫn đầu châu Âu tới Ukraine

Câu chuyện sau chuyến tàu đêm đưa lãnh đạo 3 nước dẫn đầu châu Âu tới Ukraine

VOV.VN - Thủ tướng Đức cùng các nhà lãnh đạo của Pháp và Italy đã tới thủ đô Kiev của Ukraine bằng một chuyến tàu đêm.

Lãnh đạo Châu Âu ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU
Lãnh đạo Châu Âu ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU

VOV.VN - Ngoài Ukraine, các nước khác đang muốn xin gia nhập EU như Moldova hay các quốc gia ở Tây Balkan cũng nhận được sự ủng hộ của Đức-Pháp và Italy.

Lãnh đạo Châu Âu ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU

Lãnh đạo Châu Âu ủng hộ trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU

VOV.VN - Ngoài Ukraine, các nước khác đang muốn xin gia nhập EU như Moldova hay các quốc gia ở Tây Balkan cũng nhận được sự ủng hộ của Đức-Pháp và Italy.

Xung đột Nga - Ukraine: Châu Âu trước ngã rẽ “hòa bình hay chiến tranh”
Xung đột Nga - Ukraine: Châu Âu trước ngã rẽ “hòa bình hay chiến tranh”

VOV.VN - Liệu châu Âu sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine để chiến đấu với Nga hay gây sức ép mạnh hơn đối với các cuộc đàm phán với Moscow để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng?

Xung đột Nga - Ukraine: Châu Âu trước ngã rẽ “hòa bình hay chiến tranh”

Xung đột Nga - Ukraine: Châu Âu trước ngã rẽ “hòa bình hay chiến tranh”

VOV.VN - Liệu châu Âu sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine để chiến đấu với Nga hay gây sức ép mạnh hơn đối với các cuộc đàm phán với Moscow để chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng?