Tính toán của Nga với thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
VOV.VN - Tổng thống Nga Putin mới đây tuyên bố Nga hoàn toàn có khả năng thay thế ngũ cốc của Ukraine cả trên cơ sở thương mại và nhân đạo.
Trong bối cảnh sản xuất lương thực trên thế giới bị gián đoạn bởi xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác, các thỏa thuận như Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã góp phần hạ giá lương thực hơn 23% kể từ đầu năm ngoái. Tuy nhiên trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố rằng Nga hoàn toàn có khả năng thay thế ngũ cốc của Ukraine cả trên cơ sở thương mại và nhân đạo.
Tính toán của Putin
Thông điệp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và phía Nga đưa ra rất rõ ràng: Điện Kremlin tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Biển Đen, hay còn gọi là Thỏa thuận ngũ cốc, do các quyền lợi của Nga không được đảm bảo theo Bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc. Phía Nga khẳng định sẵn sàng quay trở lại thoả thuận ngũ cốc nếu tất cả các điều khoản của thoả thuận được thực hiện. Những phát biểu này của ông Putin được coi như một “tối hậu thư” nhằm vào phương Tây, buộc các nước phương Tây trong vòng 90 ngày phải thực hiện yêu cầu của Nga, được ghi trong bản ghi nhớ với Liên Hợp Quốc, nếu muốn Nga quay lại Thỏa thuận.
Thỏa thuận Sáng Kiến Biển Đen được đánh giá là giúp làm ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực. Về phía Ukraine, thỏa thuận này được ví như “phao cứu sinh” cho nền kinh tế Ukraine, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột Nga -Ukraine.
Là một bên ký kết thỏa thuận, Nga được Liên Hợp Quốc cam kết sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm phân bón và nông sản của Nga. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng, tiến độ thực hiện các điều khoản ghi trong Biên bản ghi nhớ này chậm chạp và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, trong đó có việc ngừng kết nối các ngân hàng của Nga với hệ thống SWIFT gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nga.
Mấy ngày gần đây, sau khi Nga tuyên bố dừng tham gia thỏa thuận, giá ngũ cốc đã tăng đột biến và các nước phương Tây quay sang chỉ trích Nga, cho rằng Nga đang sử dụng vấn đề lương thực để gây sức ép. Đương nhiên trong cuộc chơi thì các bên đều tính đến những lợi ích cho riêng mình và việc Nga đưa ra điều kiện để đạt được những lợi ích lớn hơn từ thỏa thuận ngũ cốc cũng là điều dễ hiểu và đây cũng là những gì mà ông Putin đang tính toán.
Sự mặc cả giữa các bên
Hiện Nga đang ra thời hạn 3 tháng để Liên Hợp Quốc thực hiện đầy đủ các điều khoản của bản ghi nhớ mà 2 bên đã ký kết, nếu không sẽ không đàm phán về thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen.
Việc Nga tuyên bố rút khỏi Sáng kiến Biển Đen được coi như một sự mặc cả giữa các bên. Những điều kiện đã được Nga đưa ra từ trước ngày 17/7- khi Sáng kiến hết hiệu lực. Tuy nhiên, những điều kiện này lại liên quan đến các gói trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, trong đó có việc loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế SWIFT, khiến các bên khó khăn trong việc tìm ra giải pháp.
Mặc dù vậy, một dấu hiệu tích cực thời gian quan cho thấy, các bên trong đó có Nga và Ukraine đều thiện chí muốn gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Phía Nga đang chờ đợi hành động của các nước phương Tây. Vì vậy, sự hồi đáp của phương Tây đóng vai trò then chốt giúp tháo gỡ bế tắc. Nhưng để đáp ứng các điều kiện mà Nga đưa ra vào lúc này thật không dễ dàng do cách tiếp cận chung của phương Tây.
Hiện tại, Liên Hợp Quốc đang liên hệ với các nước châu Âu để tìm kiếm giải pháp cho những yêu cầu của Nga. Có một yếu tố là có thể dễ dàng nhìn thấy những hệ quả của việc dừng thỏa thuận ngũ cốc. Đến nay đã có hơn 33 triệu tấn ngũ cốc, chủ yếu là ngô và lúa mì được Ukraine xuất khẩu theo tinh thần Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc chấm dứt Thỏa thuận có thể sẽ gây thiệt hại cho Ucraine lên tới 800 triệu USD/tháng. Một hệ quả khác sau khi Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen là giá lúa mì thế giới bắt đầu tăng mạnh Giá lúa mì giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng hơn 3%, lên mức gần 7 USD/giạ (tương đương 30 kg), vào lúc 12h, giờ Moscow ngay trong ngày thỏa thuận đổ vỡ.
Những hệ quả này có thể khiến các bên liên quan cân nhắc lại và tính toán đến khả năng nhượng bộ có thể có để nối lại thỏa thuận ngũ cốc. Tuy nhiên, kết quả sau thời hạn 3 tháng như thế nào thì chỉ có thể chờ đợi.
Khác biệt trong nhìn nhận tầm quan trọng của Thỏa thuận ngũ cốc
Cộng đồng quốc tế đã dự báo những kịch bản xấu với thị trường lương thực thế giới khi thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ. Nhưng trong một tuyên bố mới đây, ông Putin cho rằng “tầm quan trọng toàn cầu của ngũ cốc Ukraine là suy đoán và sai lầm”, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng thay thế ngũ cốc Ukraine trên thị trường toàn cầu.
Kịch bản xấu với thị trường lương thực thế giới mà cộng đồng quốc tế dự báo chính là việc tăng giá lương thực trên thế giới, như ở trên đề cập, tức là giá lúa mì thế giới bắt đầu tăng mạnh sau khi Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc. Giá lúa mì, ngô, đậu tương đồng loạt tăng sau thông báo của Nga. Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sụp đổ còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực thế giới và có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào tình trạng thiếu đói, nhất là những quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông. Trong tương lai việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc sẽ gây thêm áp lực lên giá các loại năng lượng khác trong bối cảnh hạn hán ở châu Âu và khởi đầu của El Nino…
Nga và Ukraine là hai trong số các nhà sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Hiện tại, Ukraine chiếm chưa đến 5% thị phần lúa mỳ toàn cầu. Ông Putin cho rằng “tầm quan trọng toàn cầu của ngũ cốc Ukraine là suy đoán và sai lầm”, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng thay thế ngũ cốc Ukraine trên thị trường toàn cầu, bởi theo phía Nga, chính Nga đã đóng góp to lớn cho an ninh lương thực toàn cầu, Nga dự kiến có một vụ thu hoạch kỷ lục tiếp theo trong năm nay.
Nhưng câu chuyện không đơn giản là 5% thị phần lúa mì của Ukraine hay 20% của Nga, bởi một khi thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ, không những lượng nông sản của Ukraine sẽ bị ứ đọng như đã từng xảy ra cách đây hơn một năm, mà chính nông sản, phân bón của Nga cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đường ra thị trường quốc tế do không còn sự đảm bảo của Liên Hợp Quốc về việc tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu các mặt hàng này. Bởi vậy, sự biến động trên thị trường lương thực thế giới, nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được nối lại là hoàn toàn hiện hữu.