Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi thúc đẩy quan hệ năng lượng với Nga
VOV.VN - Sau khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine diễn ra, trong khi các nước châu Âu giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thúc đẩy quan hệ năng lượng sâu sắc hơn với Moscow.
Cân bằng lợi ích trong quan hệ với Nga và châu Âu
Nhập khẩu dầu thô và than đá Nga của Ankara tăng mạnh. Tổng thống của 2 nước đã trao đổi về việc biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trung tâm buôn bán khí đốt Nga trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề xuất xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai do Nga thiết kế và đầu tư bên cạnh nhà máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới.
Năng lượng giá rẻ đang giúp nền kinh tế lao dốc của Thổ Nhĩ Kỳ trụ lại trong thời điểm then chốt. Những động thái trên cũng nằm trong nỗ lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhằm thúc đẩy giấc mơ từ lâu của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là trở thành một trung tâm năng lượng lớn. Việc nằm giữa châu Âu, Trung Á và Trung Đông đã đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào vị trí quan trọng.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một vài thành công. Vai trò ngày càng gia tăng của Ankara trên thị trường năng lượng thế giới đặc biệt đáng chú ý trong tuần này khi lệnh cấm vận của EU với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển có hiệu lực và việc áp giá trần dầu mỏ Nga được thực thi.
Hơn 20 tàu chở dầu, hầu hết đều không có mối liên hệ với Nga, đỗ ở vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ giấy phép đi qua các eo biển Bosporus và Dardanelles để vào Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu các giấy tờ bảo hiểm bổ sung khi nói rằng việc áp giá trần làm tăng rủi ro các tàu chở dầu không có bảo hiểm ở ngoài khơi bờ biển của nước này.
Ngày 9/12, một phái đoàn của Nga được cho là đã tới Ankara để thảo luận đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về việc giảm giá 25% khí tự nhiên. Trong khi đó, các công ty theo dõi hàng hải cho biết, các tàu chở hàng lớn chất đầy than đá và dầu mỏ Nga đang trên đường tới các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích cuộc xung đột ở Ukraine và hỗ trợ quân sự cho Kiev nhưng cũng thận trọng để không "chọc giận" Nga. Tổng thống Erdogan không áp lệnh trừng phạt Nga, đồng thời tiếp tục phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Sự cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Nga và châu Âu giúp nước này đạt được những lợi ích và ảnh hưởng nhất định, song cũng tạo ra những căng thẳng mới.
Tổng thống Erdogan dẫn đầu nỗ lực làm trung gian hòa giải trong các thỏa thuận quan trọng cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các cảng Biển Đen nhằm giúp làm giảm giá lương thực và nguy cơ xảy ra nạn đói trên toàn cầu. Ankara cũng tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi tù binh giữa hai nước. Nhưng việc nước này phản đối sự mở rộng của NATO đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ không hài lòng, cũng như việc các tàu chở dầu đang nằm chờ bên ngoài eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện chưa rõ liệu nguyên nhân nào dẫn đến việc các tàu chở dầu trên mắc kẹt nhưng việc này đang khiến thị trường dầu mỏ trở nên bất ổn cũng như khiến các nước phương Tây đứng ngồi không yên và hối thúc Ankara nhanh chóng cho phép các tàu đi qua.
Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ
Với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế vẫn là một ưu tiên. Theo Henri Barkey, học giả tại Hội đồng Đối ngoại, chính sách của Tổng thống Erdogan là "sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để cải thiện kinh tế", ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc Ankara sẽ "hợp tác với Nga".
Hiện nay, chắc chắn nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang cần được cải thiện. Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá 80%, trong khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Erdogan đang giảm có thể đe dọa nỗ lực tái đắc cử của ông vào năm sau. Ankara cũng đang phụ thuộc lớn vào năng lượng nước ngoài khi nhập khẩu tới 93% dầu mỏ và 99% khí đốt, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho hay. Tình hình này có thể sẽ làm tăng thâm hụt thương mại và các khoản nợ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ ngày càng tồi tệ hơn nếu không có năng lượng từ Nga và khoản doanh thu từ các thương vụ này mang lại.
Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào bất kỳ lệnh cấm vận nào liên quan đến năng lượng Nga, do đó nước này có thể mua dầu mỏ Nga được giảm giá sâu. Những lợi ích này thậm chí có thể tăng gấp đôi. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có khả năng lọc dầu lớn, mua số lượng kỷ lục dầu thô Nga rồi lọc trên chính bờ biển của nước này, sau đó dán nhãn hợp pháp các sản phẩm hoàn thiện là có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ và bán ra theo giá thị trường toàn cầu. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục mua dầu diesel được giảm giá từ Nga để sử dụng trong nước.
Trong 6 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua trung bình 292.000 thùng dầu thô Nga/ngày, so với mức trung bình 113.000 thùng/ngày vào cùng kỳ năm ngoái, Kpler - một công ty theo dõi vận chuyển xăng dầu tiết lộ.
Các chuyến hàng dầu mỏ Nga đang tăng cường chuyển lộ trình qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cũng tăng cường lọc dầu thô Nga rồi xuất các sản phẩm sang EU và Mỹ, theo một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí Sạch tại Phần Lan.
Nhập khẩu than đá được giảm giá từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng vọt. Từ tháng 8 - 11/2022, trong khi lệnh cấm than đá Nga của EU có hiệu lực thì Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hàng tháng trung bình 2,1 triệu tấn than đá từ Nga. Con số này nhiều gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành khách hàng lớn nhất mua than đá Nga", Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler cho hay.
Chuyên gia này nhận định: "Nhờ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, xuất khẩu than đá của Nga đã quay về mức trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt".
Năng lượng chỉ là một trong nhiều lợi ích kinh tế và chính trị thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga. Người Nga chiếm số lượng du khách lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ - một nguồn ngoại hối giúp khôi phục phần nào giá trị đang giảm dần của đồng lira. Quan trọng hơn, Tổng thống Erdogan đang dựa vào sự ủng hộ của Nga trong nỗ lực đối phó với lực lượng người Kurd ở Syria.
Vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ khi nằm giữa các quốc gia giàu năng lượng và thiếu năng lượng đã đem đến tầm quan trọng chiến lược cho nước này với vai trò là một điểm trung chuyển. Dù vậy, Simone Tagliapietra, học giả cấp cao tại Viện Bruegel ở Brussels cho rằng, nếu châu Âu quyết tâm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga trong những năm tới thì ý tưởng trở thành trung tâm năng lượng khu vực của Thổ Nhĩ sẽ không còn nhiều giá trị về mặt kinh tế./.