Tổ chức IS-K tại Afghanistan là ai và nhóm khủng bố này nguy hiểm ra sao?

VOV.VN - IS-K đã thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu bất chấp việc phải chịu sự tổn thất nặng nề do các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan (Islamic State Khorasan Province hay còn gọi là IS-K hoặc ISKP) – nhóm khủng bố mà Mỹ cáo buộc gây ra các vụ tấn công liều chết đẫm máu bên ngoài sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul hôm qua (26/8), vốn đã tập hợp tại miền Đông Afghanistan cách đây 6 năm và nhanh chóng phát triển thành một trong những mối đe dọa khủng bố ngày càng nguy hiểm trên toàn cầu.

Dù trở thành mục tiêu quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu suốt nhiều năm qua nhưng nhóm khủng bố này vẫn sống sót và sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công lớn khi Mỹ cùng các đối tác trong NATO rút khỏi Afghanistan và Taliban trở lại nắm quyền.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật mối đe dọa của nhóm khủng bố này khi ông bảo vệ mục tiêu rút quân ra khỏi Afghanistan trước hạn chót là ngày 31/8. Nhà lãnh đạo Mỹ cáo buộc IS-K gây ra các cuộc tấn công bên ngoài sân bay ở thủ đô Kabul khiến hơn 60 người thiệt mạng, trong đó có 13 quân nhân Mỹ.  IS-K đã thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu bất chấp việc phải chịu sự tổn thất nặng nề do các cuộc tấn công của Mỹ và liên quân.

Islamic State Khorasan (IS-K) hình thành như thế nào?

Theo The Conversation, IS-K là nhánh chính thức của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoạt động ở Afghanistan, được thủ lĩnh của IS ở Iraq và Syria công nhận.

IS-K được thành lập vào tháng 1/2015, sau khi IS hoành hành trên khắp lãnh thổ Syria và Iraq và lập ra một đế chế tự xưng có tên gọi “Vương quốc Hồi giáo” vào mùa Hè năm 2014. Trong một thời gian ngắn, IS-K đã ủng cố quyền kiểm soát lãnh thổ ở một số quận nông thôn ở phía bắc và đông bắc Afghanistan, đồng thời phát động chiến dịch tấn công đẫm máu ở khắp Afghanistan và Pakistan. Trong vòng 3 năm đầu tiên, nhóm này đã tấn công các nhóm thiểu số, các khu vực công cộng, các tổ chức và nhiều mục tiêu của chính phủ tại các thành phố lớn ở hai quốc gia này.

Đến năm 2018, IS-K đã trở thành một trong bốn tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Tuy vậy, sau khi chịu những tổn thất lớn về lãnh thổ và mất đi nhiều thủ lĩnh cấp cao trước các chiến dịch tấn công do Mỹ và liên quân thực hiện, mà đỉnh điểm là việc hơn 1.400 chiến binh cùng gia đình của họ đầu hàng chính phủ Afghanistan vào cuối năm 2019 và đầu năm 2000, tổ chức này được cho là đã bị đánh bại.

Các chiến binh của IS-K là ai?

IS-K được sáng lập bởi các cựu thành viên Taliban tại Pakistan, tuy vậy, theo thời gian, lực lượng này đã chiêu mộ thêm các chiến binh từ nhiều nhóm phiến quân khác nhau.

IS-K ban đầu bao gồm hàng trăm chiến binh Taliban tại Pakistan từng tị nạn trên khắp biên giới Afghanistan sau các chiến dịch quân sự đẩy lùi họ ra khỏi quốc gia này. Nhóm này đã dung nạp nhiều phần tử cực đoan khác, trong đó có cả chiến binh của Taliban tại Afghanistan bất mãn với đường lối ôn hòa của đội ngũ lãnh đạo. Khi Taliban theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều phần tử bất đồng quan điểm gia nhập IS-K khiến số lượng thành viên của IS-K ngày một đông hơn.

Nhóm này cũng đã thu hút được một lượng lớn thành viên từ Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan, các phần tử cực đoan tại một tỉnh có đông người Hồi giáo dòng Sunni tại Iran. Ngoài ra, còn có những đối tượng khác bị thu hút bởi hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của IS, trong đó có lời hứa xây dựng một “vương quốc Hồi giáo” để thống nhất thế giới Hồi giáo – một mục tiêu chưa bao giờ được Taliban ủng hộ.

Kẻ thù của Taliban

Taliban và IS-K là hai lực lượng đối đầu. Taliban dù được cộng đồng tình báo cho là có mối liên kết với al-Qaeda nhưng lại tiến hành các cuộc tấn công lớn chống lại IS-K. Nhiều phần tử nổi dậy của Taliban đã hợp tác với chính phủ Afghanistan và liên minh do Mỹ dẫn đầu để đánh bật lực lượng này ra khỏi lãnh thổ Afghanistan. Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trước đây chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm kiếm một thỏa thuận rút quân với Taliban vào năm 2020 với hy vọng hợp sức với họ chống lại IS.

IS-K coi Taliban tại Afghanistan là đối thủ chiến lược của mình. Một mặt, nhóm khủng bố này tìm cách chiêu mộ các thành viên của Taliban, mặt khác tấn công vào các cứ điểm của họ trên khắp đất nước. Taliban đã ngăn chặn các nỗ lực của IS-K bằng cách tổ chức những cuộc tấn công đáp trả nhằm vào lực lượng và vị trí của IS-K. Những cuộc tấn công này thường xảy ra song song với các chiến dịch trên bộ và không quân của Mỹ và Afghanistan chống lại IS-K.

Nhóm này nguy hiểm như thế nào?

Trong khi Taliban giới hạn các cuộc chiến bên trong lãnh thổ Afghanistan thì IS-K hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức khủng bố IS tự xưng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố trên toàn thế giới chống lại những người không theo đạo Hồi.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết, các phần tử IS-K đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Afghanistan và Pakistan, bao gồm cả người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số và gây ra hàng trăm vụ đụng độ với quân đội Afghanistan, Pakistan và liên minh do Mỹ dẫn đầu kể từ tháng 1/2017.

Mặc dù vậy, nhóm này vẫn chưa tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Mỹ. Chính phủ Mỹ cho rằng, IS-K là mối đe dọa kinh niên đối với lợi ích của Mỹ và đồng minh tại Nam Á và Trung Á.

Chiến lược chung của ISIS-K là thiết lập một đầu tàu cho phong trào IS để mở rộng cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” sang Trung Á và Nam Á. IS-K muốn trở thành nhóm thánh chiến hàng đầu trong khu vực, một phần thông qua việc kế thừa các di sản của nhóm thánh chiến đi trước.

IS-K tận dụng chuyên môn của các nhân sự mà chúng chiêu mộ được và liên kết hoạt động với các nhóm phiến quân khác để tiến hành những cuộc tấn công tàn khốc. Các cuộc tấn công này nhằm vào các nhóm thiểu số như Hazara và người Sikh của Afghanistan, cũng như các nhà báo, nhân viên cứu trợ, nhân viên an ninh và cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Mục tiêu của IS-K là tạo ra sự hỗn loạn và bất ổn, trong một nỗ lực lôi kéo các chiến binh bất mãn từ các nhóm khác vào hàng ngũ của mình và gây nghi ngờ về khả năng đảm bảo an ninh của bất cứ chính phủ cầm quyền nào đối với người dân.

Mối đe dọa của IS-K với Afghanistan và cộng đồng quốc tế?

Trong một báo cáo dành cho Trung tâm Chống Khủng bố của West Point, các chuyên gia Amira Jadoon và Andrew Mines lưu ý rằng, ngay cả khi Mỹ có quân đội, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái tại Afghanistan để theo dõi và tiêu diệt IS-K, các phần tử của lực lượng này vẫn tiếp tục tấn công dù phải chịu tổn thất lớn.

Là một tổ chức tương đối suy yếu, mục tiêu trước mắt của IS-K là tuyển mộ thêm thành viên và thể hiện quyết tâm thông qua các cuộc tấn công khủng bố. IS-K hiện đang để mắt đến việc tấn công các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở nước ngoài, nhưng mức độ mà nhóm này có thể kích động và chỉ đạo các cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào phương Tây vẫn là điều gây chia rẽ cộng đồng tình báo Mỹ.

Vẫn còn quá sớm để nói việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho IS-K, nhưng các vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul cho thấy nhóm này đang tiếp tục gây ra các mối đe dọa. Nếu IS-K có thể chiếm đóng một số lãnh thổ trong dài hạn và tuyển mộ nhiều chiến binh hơn, chúng sẽ sẵn sàng trở lại và trở thành hiểm họa lớn ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lại xảy ra nổ lớn sau vụ đánh bom kép ở sân bay Kabul, Afghanistan
Lại xảy ra nổ lớn sau vụ đánh bom kép ở sân bay Kabul, Afghanistan

VOV.VN - Người phát ngôn của lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid trong một tuyên bố trên Twitter xác nhận, đây là một vụ nổ có kiểm soát của quân đội Mỹ để phá hủy các thiết bị tại sân bay.

Lại xảy ra nổ lớn sau vụ đánh bom kép ở sân bay Kabul, Afghanistan

Lại xảy ra nổ lớn sau vụ đánh bom kép ở sân bay Kabul, Afghanistan

VOV.VN - Người phát ngôn của lực lượng Taliban Zabihullah Mujahid trong một tuyên bố trên Twitter xác nhận, đây là một vụ nổ có kiểm soát của quân đội Mỹ để phá hủy các thiết bị tại sân bay.

Pakistan được và mất những gì khi Taliban thắng lợi ở Afghanistan?
Pakistan được và mất những gì khi Taliban thắng lợi ở Afghanistan?

VOV.VN - Mặc dù Pakistan tích cực hậu thuẫn cho lực lượng Hồi giáo Taliban ở Afghanistan, việc Taliban giành thắng lợi quân sự và lên nắm quyền cũng có thể tạo ra nhiều thách thức an ninh cho chính Pakistan.

Pakistan được và mất những gì khi Taliban thắng lợi ở Afghanistan?

Pakistan được và mất những gì khi Taliban thắng lợi ở Afghanistan?

VOV.VN - Mặc dù Pakistan tích cực hậu thuẫn cho lực lượng Hồi giáo Taliban ở Afghanistan, việc Taliban giành thắng lợi quân sự và lên nắm quyền cũng có thể tạo ra nhiều thách thức an ninh cho chính Pakistan.

Canada kết thúc nỗ lực di tản công dân ở thủ đô Kabul (Afghanistan)
Canada kết thúc nỗ lực di tản công dân ở thủ đô Kabul (Afghanistan)

VOV.VN - Các lực lượng Canada ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã kết thúc nỗ lực sơ tán công dân Canada và người dân Afghanistan ngày 26/8, sớm hơn hạn chót 31/8.

Canada kết thúc nỗ lực di tản công dân ở thủ đô Kabul (Afghanistan)

Canada kết thúc nỗ lực di tản công dân ở thủ đô Kabul (Afghanistan)

VOV.VN - Các lực lượng Canada ở thủ đô Kabul của Afghanistan đã kết thúc nỗ lực sơ tán công dân Canada và người dân Afghanistan ngày 26/8, sớm hơn hạn chót 31/8.