Tổng thống Duterte mời LHQ, EU điều tra việc trấn áp tội phạm ma túy
VOV.VN - Tổng thống Philippines Duterte khẳng định sẽ mời quan chức Liên Hợp Quốc và EU vào điều tra chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của ông.
Tuy nhiên, theo AP, ông Duterte cũng “gài” thêm điều kiện rằng, ông sẽ có quyền chất vất công khai các quan chức này trong trường hợp họ buộc phải thừa nhận những quan ngại của họ về vấn đề nhân quyền tại Philppines là “vô căn cứ”.
Tổng thống Duterte muốn Mỹ và EU chứng kiến tận mắt việc Philippines trấn áp tội phạm ma túy. Ảnh: Reuters
Mỹ, EU đã cố tình dựng chuyện?
Lời đề nghị này được ông Duterte đưa ra trong bối cảnh, trước đó ông đã một lần nữa lên tiếng bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào chiến dịch trấn áp tội phạm của ông từ Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quốc gia thành viên EU.
Theo ông Duterte, Tổng thống Obama và các quan chức EU đã cố tình “dựng chuyện” để lái sự lo ngại của cộng đồng quốc tế vào chiến dịch chống tội phạm ma túy tại Philippines thay vì để mắt đến việc Mỹ và liên quân tiến hành các chiến dịch quân sự tiêu diệt người vô tội tại Trung Đông.
Ông Duterte cũng nhắc đến những vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu tại Mỹ gần đây làm dấy lên các cuộc biểu tình bạo động trên khắp nước Mỹ mà gần đây nhất là tại Charlotte.
Tổng thống Duterte chỉ trích gay gắt việc các quốc gia châu Âu tìm cách đàn áp người Arab và Hồi giáo và gọi Trung Đông là “khu vực bị tàn phá dữ dội nhất trên Trái Đất”.
Ông Duterte cũng lên án EU là “đạo đức giả liên quan đến tình hình nhân quyền” trong khi lại “đóng sầm cửa trước mặt người nhập cư”: “Giờ thì EU lại phát đi cảnh báo về việc lũ tội phạm bị tiêu diệt. Tôi chỉ muốn hỏi họ rằng tại sao họ lại dám đe dọa tôi?”.
“Ngay cả nhân viên của Liên Hợp Quốc, tại sao họ lại than phiền quá nhiều về việc tôi đe dọa lũ tội phạm ma túy bất chấp thực tế rằng Philippines hiện có tới hơn 3,7 triệu con nghiện?”, ông Duterte tiếp tục chất vấn.
“Tôi sẽ viết thư mời họ đến điều tra, tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, sau khi họ “quay” tôi với những câu hỏi khó, tôi cũng sẽ “quay” lại họ”, ông Duterte cảnh báo.
“Tôi sẽ mời tất cả mọi người đến chứng kiến chúng tôi trấn áp những tên ác quỷ đó như thế nào”, ông Duterte nói và quay lại cật vấn Mỹ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi điều một quan sát viên người Philippines đến Mỹ để hỏi họ rằng tại sao người da màu lại bị cảnh sát da trắng bắn hạ?”.
Chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của ông Duterte đã khiến hơn 3.000 người bị tình nghi là buôn bán và sử dụng ma túy bị tiêu diệt và hơn 600.000 người khác chấp nhận ra đầu thú với cảnh sát.
Bất chấp những lo ngại về việc chiến dịch trấn áp tội phạm này có thể vượt tầm kiểm soát của Chính phủ Philippines, ông Duterte khẳng định, ông sẽ không dừng chiến dịch này lại.
Philippines hé lộ âm mưu đảo chính nhằm vào Tổng thống Duterte
Sản phẩm của những kẻ buôn bán ma túy và đối thủ chính trị
Tổng thống Duterte cũng lên tiếng bảo về lực lượng an ninh Philippines và nhấn mạnh, họ không hề tra tấn hay giết hại những kẻ bị tình nghi buôn bán ma túy: “Tôi yêu cầu cảnh sát truy bắt chúng và nếu chúng kháng cự bằng bạo lực thì giết hại chúng. Đã có rất nhiều tên bị tiêu diệt nhưng chỉ là bởi chúng đã tìm cách kháng cự”, ông Duterte nói.
“Những kẻ bị tiêu diệt trong khi bị trói chặt tay đều là sản phẩm của những kẻ buôn bán ma túy nhằm chống lại chúng tôi”, ông Duterte nói và cho biết, ông đã nhiều lần kêu gọi những kẻ buôn bán ma túy đã ra đầu thú khai báo đồng bọn của mình với các nhà chức trách.
Ngoài ra, ông Duterte cũng khẳng định rằng, những lời cáo buộc rằng, ông đã ra lệnh cho cảnh sát giết hại bừa bãi là thủ đoạn chính trị của đối thủ nhằm hạ uy tín của ông.
Tổng thống Duterte nhắc lại rằng, ông không hề có liên hệ gì với nhóm “sát thủ Davao”- một nhóm bị cáo buộc thực thi mệnh lệnh tiêu diệt những “cái gai trong mắt” ông Duterte trong thời gian ông làm Thị trưởng Davao.
Ông Duterte cũng bác bỏ những lời chỉ trích nhằm vào ông của Thượng Nghị sĩ Leila de Lima- người bị ông cáo buộc buôn bán ma túy trái phép thông qua một kẻ lái xe trước đây cho bà này, tuy nhiên, bà de Lima khẳng định bà không làm gì sai trái.
Thực hư mối liên hệ giữa “Biệt đội sát thủ” và ông Duterte
Truyền thông phương Tây cần làm rõ trắng đen
Cũng liên quan đến chiến dịch chống ma túy của ông Duterte, Bộ trưởng Truyền thông Philippines Martin Andanar đã lên tiếng mời các tờ báo và hãng truyền thông lớn của các nước từng lên tiếng chỉ trích chiến dịch này đến tận nơi và chứng kiến những gì thực sự đang diễn ra tại Philippines.
“Tôi sẽ đích thân tháp tùng họ đến bất kỳ nơi nào họ muốn. Dù họ làm cho tờ báo nào, New York Times, New Yorker hay bất kỳ hãng tin nào khác”, ông Andanar tuyên bố.
Ông Andanar khẳng định, ông sẽ yêu cầu Cảnh sát Quốc gia Philippines cử các nhân viên an ninh đi cùng đại diện các hãng truyền thông đến bất kỳ nơi nào mà các hãng truyền thông này cho rằng có vấn đề trong việc trấn áp tội phạm ma túy.
Cùng chung quan điểm này, Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, thế giới cần hiểu đúng về chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Philippines và các biện pháp mà Chính phủ nước này đang thực hiện nhằm giải quyết vấn nạn này.
Người phát ngôn Charles Jose Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng, ông Duterte đã thắng cử nhờ những cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt tệ nạn ma túy tại Philippines: “Tôi muốn khẳng định rằng, Philippines không chấp nhận cái gọi là giết hại người trái phép và Tổng thống Duterte đã ra lệnh điều tra những vụ như vậy”.
“Chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy vẫn sẽ tiếp diễn và các đại sứ quán của chúng tôi sẽ có nhiệm vụ giải thích cho Chính phủ các nước sở tại về những gì đang diễn ra tại Philippines”, ông Charles Jose nói và khẳng định, Chính phủ Philippines tuân thủ chặt chẽ các quy định về nhân quyền và luật pháp quốc tế./.