Tổng thống Putin nói về bước lùi của Nga và quyết tâm tấn công Ukraine đến cùng
VOV.VN - Nhà lãnh đạo Putin thừa nhận bước thụt lùi của Nga tại Syria, yếu kém của Nga về phản gián, cũng như những khó khăn của nền kinh tế Nga. Đồng thời, ông bày tỏ quyết tâm tấn công Ukraine đến cùng để đạt được hòa bình lâu dài chứ không phải một lệnh đình chiến tạm thời.
Nga quyết chiến với Ukraine đến cùng
Trong bối cảnh xung đột Ukraine sắp bước sang năm thứ 4, quân đội Nga hứng chịu thương vong không nhỏ và nền kinh tế Nga bộc lộ dấu hiệu căng thẳng, Tổng thống Nga Putin mới đây nhấn mạnh rằng ông đang tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình rộng lớn để chấm dứt xung đột vũ trang với Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin đồng thời khẳng định, Nga sẽ tiếp tục xốc tới trên chiến trường nhằm giành thắng lợi mang tính quyết định. Theo ông, Ukraine đang hứng chịu “tình trạng tiêu hao vũ khí khí tài, đạn dược và quan trọng nhất là nhân lực”.
Tổng thống Putin phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm vào ngày 19/12/2024: “Nếu chúng ta dừng lại trong một tuần, đối phương sẽ có thêm cơ hội để nghỉ ngơi, để củng cố công sự. Chúng ta không cần đình chiến. Chúng ta cần hòa bình”.
Ông Putin cũng lý giải thêm về việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine: “Chúng ta phát động chiến dịch này là vì không thể khoanh tay ngồi yên đợi chờ tình hình trở nên xấu hơn… Chúng ta bị buộc phải hành động như vậy. Nếu chúng ta biết trước điều sẽ xảy ra thì lẽ ra chúng ta đã chuẩn bị nghiêm túc hơn và có hệ thống hơn”.
Tổng thống Nga Putin cũng công khai đề cập khả năng sẽ đàm phán với Tổng thống đắc cử Mỹ Trump.
Thừa nhận tình hình bất lợi tại Syria
Tổng thống Nga Putin nói rằng Iran đã thất bại trong nỗ lực chống lại phong trao nổi dậy vũ trang của phe đối lập tại Syria, khiến cho chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad - một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga tại Trung Đông, sụp đổ.
Tổng thống Nga quy trách nhiệm về sự thất thủ này cho lực lượng Iran và lực lượng thân Iran (đều là đồng minh của ông Assad). Ông Putin cho biết, “họ rút lui mà không giao chiến”. Ông kể, khi lực lượng đối lập Syria tiến công, Nga đã chở 4.000 chiến binh Iran bằng đường không tới Tehran theo yêu cầu của Iran.
Ông Putin không đề cập việc Nga gần như không làm gì để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Assad lúc lâm nguy. Nga đã quyết định không dùng nguồn lực khan hiếm của mình để đánh chặn lực lượng quân sự đối lập tại đây.
Các nhà phân tích cho rằng vị trí cường quốc thế giới của Nga đã bị sứt mẻ sau khi chính quyền Tổng thống Syria Assad sụp đổ. Theo họ, nếu Nga mất nốt quyền kiểm soát đối với căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeimim đều tại Syria thì tình hình càng bất lợi cho Nga. Cả hai căn cứ này đều đóng vai trò then chốt giúp Nga phóng chiếu sức mạnh ở khu vực Địa Trung Hải và châu Phi.
Mặc dù vậy, Tổng thống Nga Putin khẳng định Moscow vẫn là một nhân tố hoạt động ở Trung Đông. Ông cho biết, hầu hết các nước Trung Đông và các phái cầm quyền ở Syria muốn Nga tiếp tục duy trì căn cứ quân sự ở Syria.
Sai lầm trong công tác phản gián
Trong cuộc họp báo lần này Tổng thống Putin cũng bình luận về vụ ám sát tướng Nga Igor Kirillov bằng bom gài trong xe máy điện ở giữa thủ đô Moscow hôm 17/12. Viên tướng này chỉ huy lực lượng phòng chống vũ khí phóng xạ, hóa học và sinh học
Ông Putin thừa nhận các cơ quan an ninh Nga đã phạm sai lầm nghiêm trọng khiến họ không ngăn chặn được vụ ám sát này.. Ông cho rằng, ngành an ninh Nga cần phải cải thiện công tác của mình.
Vấn đề lạm phát tại Nga
Nhiều người dân Nga đang rất bận tâm về tình trạng trượt giá đồng nội tệ. Giá của nhiều mặt hàng thực phẩm sát sườn đang gia tăng tại Nga trong những tháng gần đây, như khoai tây, bánh mì, cá, sữa, trứng, bơ…
Ông Putin thừa nhận tình trạng giá cả hàng tiêu dùng tăng vọt và coi đây là điều “tệ hại, không dễ chịu”. Theo ông Putin, ngân hàng trung ương của Nga đáng lẽ phải có hành động mạnh mẽ hơn và sớm hơn để ngăn chặn đà lạm phát.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng Nga sẽ kiểm soát được tình trạng này nhờ vào quản lý các chỉ dấu kinh tế vĩ mô. Ông cũng cho rằng lạm phát cao là do mức sống người dân nâng cao, khi cung chưa kịp theo cầu.
Với những tuyên bố trên, Tổng thống Putin nhìn nhận rằng nước Nga vẫn đang kiểm soát số phận của chính mình, cả trong và ngoài nước.
Nhìn tổng thể, Tổng thống Putin bác bỏ các tuyên bố cho rằng nước Nga hiện đang ở thế yếu. Ông khẳng định nước Nga trở nên hùng mạnh hơn kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang với Ukraine.
Họp báo cuối năm đã trở thành một sự kiện thường niên của Tổng thống Nga Putin, người lần đầu lên nắm quyền tại nước Nga vào năm 1999. Những năm gần đây, sự kiện này thường kết hợp với nôi dung “đường dây trực tiếp”, trong đó ông Putin trả lời các câu hỏi hoặc thư được gửi đến từ khắp nơi trên đất nước Nga.
Chương trình này thường kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, phản ánh việc ông Putin bám sát các vấn đề thế giới cũng như các mối lo lắng thường nhật của người dân Nga.
Xem thêm:
>> UAV cáp quang Nga vô hiệu hóa tác chiến điện tử, xuyên phá thiết giáp Ukraine
>> Triều Tiên được gì mất gì khi liên minh với Nga?
>> Khả năng Ukraine phải chấp nhận kịch bản ít mong muốn nhất khi đối đầu Nga