Tổng thống Trump chỉ trích Hiệp ước hạt nhân với Nga của ông Obama
VOV.VN - Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Trump đã chỉ trích gay gắt Hiệp ước hạt nhân với Nga của người tiền nhiệm Obama.
Theo AP, Tổng thống Donald Trump đã gọi Hiệp ước cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của Mỹ và Nga dưới thời Tổng thống Barack Obama [còn gọi là Hiệp ước START Mới- New START- ND] là “một Hiệp ước tồi tệ”.
Tổng thống Trump (trái) và người đồng cấp Nga Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Trump muốn “cân bằng lợi ích” với Nga
Ông Trump cho rằng, Hiệp ước này mang lại nhiều lợi ích cho Nga hơn là cho Mỹ và bày tỏ quan điểm của ông về việc ông muốn Hiệp ước này đi theo hướng nào.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết: “Đây là cuộc điện đàm mang ý nghĩa tích cực. Không phải Tổng thống không biết ông ấy đang nói gì [khi quay sang hỏi trợ lý của mình trong quá trình điện đàm với ông Putin-ND]. Chỉ là ông ấy muốn tham vấn ý kiến của họ”.
Theo Hiệp ước New START, Nga và Mỹ sẽ phải giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược của mỗi nước xuống dưới 1.550 trước tháng 2/2018- mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngoài ra, Hiệp ước này cũng hạn chế việc 2 nước điều động các tên lửa trên mặt đất và ở các tàu ngầm cũng như các máy bay ném bom hạt nhân trong trường hợp xảy ra căng thẳng về quân sự.
New START được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 12/2000 với số phiếu áp đảo là 71/26. Tất cả các nghị sĩ Đảng Dân chủ cùng với 13 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ Hiệp ước này. Trong khi đó, đa số các nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa chỉ trích New START cho thấy sự “ngây thơ” của Chính phủ Mỹ.
Khi ký kết New START, Chính phủ Mỹ và Nga đã thống nhất rằng, Hiệp ước này có thể được kéo dài thêm 5 năm, tức là đến tận năm 2021. Nếu không kéo dài Hiệp ước này như đã thống nhất hoặc không chấp nhận đàm phán tiếp về Hiệp ước này khi nó hết hiệu lực, cả Mỹ và Nga- 2 quốc gia có tiềm lực hạt nhân lớn nhất thế giới sẽ không còn bị ràng buộc gì với New START nữa. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trước đó, trong các cuộc tranh luận trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, Tổng thống Trump cho rằng, Hiệp ước New START cho thấy Nga “khôn ngoan hơn” Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump cũng đưa ra một thông tin sai là Hiệp ước này cho phép Nga tiếp tục chế tạo đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ không thể làm được điều này.
Những vấn đề nào khiến ông Putin và ông Trump có thể “hợp” nhau?
Quan chức Mỹ muốn bảo vệ New START
Trái với quan điểm của ông Donald Trump, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ để phê chuẩn ông Rex Tillerson làm Ngoại trưởng Mỹ, chính ông Tillerson lại lên tiếng ủng hộ New START.
Theo đó, ông Tillerson cho rằng, điều quan trọng nhất đối với Mỹ là “phải duy trì mối liên hệ với Nga và buộc Nga phải tôn trọng những cam kết liên quan đến Hiệp ước New START trong khi chính chúng ta cũng phải thực thi trách nhiệm của mình đối với Hiệp ước này”.
Hai nghị sĩ Đảng Dân chủ có chân trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ là Jeanne Shaheen và Edward J. Markey đã lên tiếng chỉ trích ông Trump vì đã “bôi nhọ” Hiệp ước mà họ cho là “đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân”.
“Chúng ta không thể không nhắc đến sự “vô tâm” của Tổng thống Mỹ khi ông ấy không hiểu cả những điều cơ bản nhất về chính sách kiểm soát vũ khí hạt nhân”, ông Shaeeen nói: “New START chắc chắn sẽ mang lại sự an toàn cho nước Mỹ và điều này được các chuyên gia về an ninh quốc gia của cả 2 Đảng công nhận”.
Ông Daryl Kimball, Giám đốc Điều hành Hội đồng Kiểm soát Vũ khí- một tổ chức có trụ sở tại Washington- cho biết: “Thật không may là ông Trump không hiểu được hết giá trị của New START trong việc giảm bớt nguy cơ đối đầu hạt nhân”.
START mới - Hiệp ước lịch sử
Tổng thống Trump “chưa chuẩn bị kỹ” cho các cuộc điện đàm
Cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin khiến nhiều chuyên gia lo ngại ông Donald Trump có vẻ “chưa được chuẩn bị kỹ” cho các cuộc đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Theo các chuyên gia, trước các cuộc điện đàm như trên, Tổng thống Mỹ sẽ phải đọc kỹ những báo cáo được các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia đệ trình. Những báo cáo này được họ soạn thảo sau khi đã tham vấn Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn được chính Cố vấn An ninh Quốc gia và các trợ lý trực tiếp “báo cáo miệng” về những vấn đề có liên quan đến cuộc điện đàm của ông trước khi ông nhấc máy gọi cho các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Tuy nhiên, trước cuộc điện đàm với Nga, ông Trump không hề nhận được một báo cáo nào từ các chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ cũng như các cơ quan tình báo khác của nước này.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump chỉ trích các Hiệp ước của người tiền nhiệm trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, ông Trump đã lên tiếng hoài nghi về thỏa thuận tiếp nhận 1.250 người nhập cư bị giam giữ tại các trại tập trung Australia của Chính phủ Mỹ dưới thời ông Obama./.