Tổng thống Trump dọa đưa vụ kiện về lệnh cấm nhập cảnh lên Tòa Tối cao
VOV.VN - Không chấp nhận việc Tòa Phúc thẩm bác yêu cầu tái lập lệnh cấm nhập cư của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa đưa vụ này lên Tòa Tối cao.
Tòa Phúc thẩm ra phán quyết bất lợi cho ông Trump
Theo AP, trước đó, ngày 9/2, 3 Thẩm phán thuộc Tòa Phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco đã ra phán quyết nêu rõ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump nhằm vào 7 quốc gia Hồi giáo đã làm dấy lên “những câu hỏi về tính hợp hiến của sắc lệnh này”.
Tổng thống Trump sẵn sàng đưa vụ kiện sắc lệnh cấm nhập cư của ông lên Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Reuters |
Cả 3 Thẩm phán của Tòa đã bác tuyên bố của Chính phủ Mỹ về quyền lực của Tổng thống khi đưa ra sắc lệnh trên và bày tỏ hoài nghi về động cơ của sắc lệnh này. Cả 3 Thẩm phán đều kết luận rằng, sắc lệnh của ông Trump khó có thể “sống sót” trước những thách thức pháp lý.
Cả 3 Thẩm phán đều bày tỏ ủng hộ các bang trong mọi vấn đề của vụ kiện, trừ một vấn đề kỹ thuật. Cả 3 Thẩm phán này đều bác bỏ lý lẽ của đại diện Chính phủ Mỹ rằng Tòa không có thẩm quyền xem xét các sắc lệnh về người nhập cư và an ninh quốc gia của Tổng thống.
Theo 3 Thẩm phán, Chính phủ Mỹ đã không thể chứng minh được rằng, sắc lệnh của Tổng thống đáp ứng được những quy định của Hiến pháp về việc phải đưa ra cảnh báo hoặc phải tiến hành một phiên điều trần trước khi đưa ra lệnh cấm nhập cảnh.
Ngoài ra, theo 3 Thẩm phán, Chính phủ Mỹ cũng không đưa ra được các bằng chứng cho thấy những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia Hồi giáo nằm trong lệnh cấm của Chính phủ Mỹ có liên quan đến các vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ.
“Bất chấp việc Tòa án nhiều lần yêu cầu Chính phủ giải thích về sự cần thiết của việc Tổng thống ra sắc lệnh hành chính một cách quá vội vã, Chính phủ Mỹ đã không để trình được bằng chứng nào để bác bỏ yêu cầu của các bang nhằm khôi phục hiện trạng của đất nước như những năm trước”, phán quyết của Tòa nêu rõ.
Các thẩm phán của Tòa Phúc thẩm cũng nhấn mạnh, phán quyết mà họ đưa ra là dựa trên lợi ích cộng đồng từ cả 2 phía: “Một mặt, người dân có quyền trông đợi Tổng thống đưa ra các chính sách để bảo đảm an ninh quốc gia nhưng mặt khác, họ cũng muốn những chính sách này không cản trở quyền tự do đi lại, gây chia rẽ các gia đình và tạo ra sự phân biệt đối xử”.
Tổng thống Trump đối diện nhiều rủi ro khi thích “tự ý hành động”
Tổng thống Trump quyết không khuất phục
Ngay sau khi có phán quyết của Tòa, ông Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng: “Hẹn gặp lại các ông ở Tòa [ám chỉ Tòa án Tối cao Mỹ- cơ quan có tiếng nói cao nhất và cuối cùng trong các vụ kiện liên bang-ND]. An ninh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Đáp lại, Thống đốc bang Washington Jay Inslee- người khởi xướng vụ kiện ông Trump liên quan đến sắc lệnh cấm nhập cư nói trên- tuyên bố: “Ngài Tổng thống, chúng tôi vừa gặp ông ở Tòa [ám chỉ Tòa Phúc thẩm số 9] và đã đánh bại ông”.
Như vậy nhiều khả năng cuộc chiến pháp lý giữa Chính phủ Mỹ và các bang liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh còn lâu mới chấm dứt. Nhiều khả năng Tòa án Tối cao Mỹ sẽ phải vào cuộc.
Trong trường hợp này, mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi hiện Tòa án Tối cao Mỹ mới có 8 thẩm phán chia đều theo 2 phe bảo thủ và tự do. Thẩm phán Neil Gorsuch- người được ông Trump lựa chọn nhiều khả năng sẽ không kịp tham gia vào vụ kiện này do vẫn chưa được Quốc hội chấp thuận.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đang “xem xét lại phán quyết từ Tòa Phúc thẩm và cân nhắc những hành động sắp tới” khi ông Jeff Sessions chính thức nhậm chức sau khi đã tuyên thệ trước Phó Tổng thống Mike Pence ngày 9/2.
Donald Trump: Quyết định của Tòa có thể nguy hiểm cho an ninh Mỹ
Giáo sư Đại học Luật South Texas Josh Blackman nhận định “câu hỏi đáng giá triệu USD” giờ là liệu chính quyền của ông Trump có đưa vụ việc này lên Tòa án Tối cao hay không.
“Ông Trump sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khi đẩy vụ việc này đi quá nhanh. Nhưng chúng ta đều biết ông ấy là một người luôn có những hành động rất quyết liệt”, Giáo sư Blackman nói.
Giáo sư Jessica Levinson tại Đại học Luật Loyola lại cho rằng, phán quyết của Tòa Phúc thẩm là “rất sâu sắc” và đã có sự tham khảo từ rất nhiều án lệ trước đó.
Quan trọng hơn, theo Giáo sư Jessica Levinson, đây là phán quyết có sự đồng thuận của cả 3 thẩm phán dù họ được bổ nhiệm bởi các Tổng thống của cả 2 Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
“Thông điệp rất quan trọng của việc này là các thẩm phán không phải là những chính trị gia trong trang phục quan tòa hoặc những kẻ phù thịnh. Vai trò của các thẩm phán vượt trên cả những lợi ích chính trị. Chính vì thế, họ được bổ nhiệm trọn đời và không quan tâm đến việc chạy theo số đông mà chỉ quan tâm đến việc pháp luật được thực thi một cách đúng đắn”./.