Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: Thế giới không thể cứ tiếp tục như thế này
VOV.VN - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 20/9 lên tiếng cảnh báo căng thẳng gia tăng do cuộc chiến hiện nay ở Ukraine và áp lực biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng rối loạn ở quy mô khổng lồ trên toàn cầu.
Đánh giá đáng báo động của ông Guterres được đưa ra trong bài phát biểu khai mạc hội nghị cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc – nơi dự kiến sẽ có những tranh cãi “nảy lửa” vào hôm nay (21/9) khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trước Đại hội đồng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nằm trong số các nhà lãnh đạo thế giới có bài phát biểu quan trọng trước các cuộc họp ngày 21/9. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Biden dự kiến sẽ tiếp tục có các chỉ trích gay gắt nhằm vào Nga, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường gây áp lực lên Moscow.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhiều khả năng sẽ hướng sự công kích vào Mỹ vì đã từ chối nhượng bộ các yêu cầu từ phía Tehran trong các cuộc đàm phán khó khăn nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết dưới thời Tổng thống Obama.
Cuộc chiến Ukraine, chương trình hạt nhân của Iran, căng thẳng liên quan đến vấn đề Đài Loan và những tranh cãi khác đã xuất hiện trong ngày đầu tiên các nhà lãnh đạo phát biểu hôm 20/9. Trước thực tế này, Tổng Thư ký Guterres cảnh báo rằng sự chia rẽ địa chính trị đang “phá hoại công việc” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Guterres nói: “Cộng đồng quốc tế chưa sẵn sàng hoặc chưa sẵn lòng đối phó với những thách thức gay gắt lớn của thời đại chúng ta. Những cuộc khủng hoảng như cuộc chiến ở Ukraine và sự nhân lên của các cuộc xung đột trên toàn cầu, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và mất đa dạng sinh học, khủng hoảng tài chính… đe dọa tương lai của nhân loại và số phận của hành tinh chúng ta”.
“Sự chia rẽ giữa các cường quốc trên thế giới đã phá hoại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin của người dân vào các thể chế dân chủ và phá hoại tất cả các hình thức hợp tác quốc tế”, ông Guterres nhấn mạnh. "Chúng ta không thể cứ tiếp tục như thế này".
Phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc được xem như lời cảnh tỉnh trong bối cảnh các nhà lãnh đạo và các nhà ngoại giao hàng đầu từ hơn hai chục quốc gia đã phát biểu hôm 20/9, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Trong khi Tổng thống Pháp Macron đã không tiếc lời lên án Nga, cho rằng nước này đang gây chia rẽ, phá hủy trật tự thế giới thì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại đưa ra một thông điệp khá trung lập. Ông Erdogan đã nổi lên như một nhân tố chính và là người đóng vài trò hòa giải trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp cho Ukraine các máy bay không người lái có khả năng vũ trang, nhưng ông Erdogan cũng đã nhiều lần gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và gần đây đã làm việc cùng với các quan chức Liên Hợp Quốc để làm trung gian cho một thỏa thuận đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được an toàn thông qua Biển Đen.
Tổng thống Nga Valdimir Putin không tới New York, Mỹ để dự hội nghị cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự sự kiện.
Trước khi lên đường sang New York, ông Lavrov hôm 19/9 đã kêu gọi tổ chức “các cuộc tiếp xúc bổ sung giữa các quốc gia” để giải quyết các vấn đề toàn cầu.
“Chúng ta đang chứng kiến sự tích tụ của quá trình khủng hoảng, cả liên quan đến chính sách kinh tế cho đến chính sách trong lĩnh vưc cung cấp năng lượng cho nhân loại. Chính việc phá hoại các nền tảng mà toàn bộ hệ thống toàn cầu vốn dựa trên đó đã trực tiếp gây ra quá trình này”,
Theo ông Lavrov, trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, sẽ có các đánh giá trái chiều về các hành động khác nhau của các quốc gia khác nhau và đây là điều “không thể tránh khỏi”.
Trong phát biểu hôm qua (20/9), ông Guterres bày tỏ lấy làm tiếc vì những gì xảy ra ở Ukraine nhưng Tổng Thư ký tập trung nhiều hơn vào điều mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã từng xảy ra một lần” và nay “trầm trọng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine”. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi thế giới “xích lại gần nhau” để vượt qua chia rẽ - coi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine gần đây là một dấu hiệu đầy hy vọng.
“Thế giới của chúng ta đang gặp khó khăn lớn. Sự chia rẽ ngày càng sâu sắc. Bất bình đẳng ngày càng bị nới rộng và các thách thức cũng ngày càng lan rộng hơn. Đừng ảo tưởng, chúng ta đang ở trong ‘vùng biển động’”, ông Guterres cảnh báo./.