Tổng tuyển cử Nhật Bản liệu có một chiến thắng vang dội cho ông Abe?
VOV.VN - Ngày 22/10, Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, sự kiện được cho là nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Shinzo Abe.
Cách đây vài tháng, tỷ lệ ủng hộ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sụt giảm thê thảm do những bê bối phân đất cho trường học và lãnh đạo một số đảng đối lập đặt nghi vấn về vai trò lãnh đạo đảng của ông Abe.
Ông Abe vận động tranh cử ở Fukushima ngày 17/10. (Ảnh: Reuters)
Tuy vậy, với đợt cải tổ nội các và việc Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, mọi thứ đã thay đổi khiến cơ hội chiến thắng của ông Abe trong cuộc tổng tuyển cử gần như chắc chắn.
Kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, Thủ tướng Abe nhiều khả năng sẽ chiến thắng với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày mai. Đặc biệt, nếu ông tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử nội bộ đảng Tự do dân chủ (LDP) cầm quyền, ông sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng Nhật cho đến năm 2021.
Cuộc thăm dò dư luận tiến hành từ ngày 15 đến 17/10 của Kyodo cho thấy đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông Abe có thể giành được 280 ghế trong tổng số 465 ghế tại Hạ viện và liên minh giữa đảng Tự do dân chủ và đảng Công minh (Komeito) sẽ tiếp tục duy trì đa số với 2/3 số ghế tại Hạ viện giống như trước cuộc bầu cử lần này diễn ra.
Ở chiều ngược lại, cuộc thăm dò cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho đảng Hy vọng (PH) của bà Yuriko Koike đã giảm so với kết quả cuộc thăm dò trước đó. Đáng chú ý, mặc dù mới được thành lập trong tháng 10 bởi các thành viên tự do của đảng Dân chủ, đảng Hiến pháp Dân chủ (CDPJ) được cho là sẽ vượt qua đảng Hy vọng trở thành đảng đối lập lớn nhất tại Nhật Bản.
Nhận xét về cơ hội của ông Abe trong cuộc tổng tuyển cử, ông Hiramatsu, một nhà phân tích chính trị của Nhật Bản cho rằng: “Có những vấn đề trong nước ông Abe xử lý không tốt, khiến tỉ lệ ủng hộ ông sụt giảm. Nhưng những chính sách về ngoại giao và đặc biệt là căng thẳng gia tăng với Triều Tiên đang mang lại lợi thế cho ông Abe”.
Nếu chiến thắng và giữ được thế đa số với hơn 2/3 số ghế tại Hạ viện thì điều này sẽ giúp ông Abe có cơ hội thay đổi Hiến pháp Nhật Bản theo cách mà ông mong muốn, đồng thời ông cũng sẽ có thể chấp thuận cho chủ trương mở sòng bạc cũng như tiếp tục tăng thuế tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc nước Nhật sẽ tiếp tục duy trì được chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã khiến giá trị đồng yên sụt giảm mạnh để đẩy mạnh xuất khẩu, giúp thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh lên mức cao chưa từng thấy tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Những mục tiêu chính sách ngoại giao mà ông Abe đang theo đuổi, như việc tiếp tục củng cố quan hệ với Mỹ trong bối cảnh mối họa Triều Tiên đang ngày một lớn sẽ vẫn được duy trì.
Khi Thủ tướng Abe kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn vào tháng trước, ông muốn thử phản ứng của công chúng về chính sách chuyển một phần tiền thu được từ thuế tiêu dùng để giảm chi phí giáo dục cho những hộ nghèo.
Hiện một số chính sách của ông đang gây tranh cãi. Trong đó, kế hoạch mở sòng bạc kiểu Singapore khiến nhiều nhà đầu tư thích thú, nhưng lại bị khá nhiều chính trị gia phản đối.
Đề xuất chính sách gây tranh cãi nhiều nhất của Thủ tướng Nhật chính là quan điểm của ông liên quan đến việc thay đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật, Nhật Bản từ bỏ quyền tuyên chiến hoặc duy trì lực lượng quân đội. Ông Abe muốn thay đổi cách dẫn giải của Điều 9 để giúp Nhật đảm bảo được tính hợp lý cho sự tồn tại của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản./. Cái giá Thủ tướng Nhật Bản phải trả cho việc cải cách Hiến pháp?