Tranh luận lần cuối: Obama và Romney ‘bắn tỉa’ lẫn nhau
(VOV) - Trong hiệp cuối này, nhìn chung cả 2 ‘đấu sĩ’ bớt gay gắt hơn so với hiệp 2. Riêng ông Obama nắm quyền chủ động tốt hơn.
Khác với các đợt trước, lần này, hai ứng viên Tổng thống Mỹ 2012 ngồi cùng bàn (với người dẫn chương trình là Bob Schieffer). Họ cũng không còn “chỉ tay vào nhau” và ngắt ngang lời đối thủ như lần tranh biện đầy kịch tính hôm 16/10. Tuy nhiên, cả hai vẫn áp dụng chiến thuật tấn công ngay từ đầu, với hy vọng sẽ ghi thêm điểm khi ngày bầu cử đã cận kề. Nhìn chung cuộc, ông Romney rơi vào thế phòng ngự nhiều hơn.
Mặc dù 2 ứng viên thống nhất dành riêng tối 22/10 (giờ Hoa Kỳ) cho tranh luận về chính sách ngoại giao, chốc chốc họ lại quay về với chủ đề đối nội và nền kinh tế Mỹ hồi phục chậm, có lẽ do cả hai cùng ý thức rõ chuyện cơm áo gạo tiền vẫn là mối quan tâm số 1 của cử tri.
Đợt đọ trí thứ 3 này (ở Boca Raton, Florida), thế chủ động nghiêng về đương kim Tổng thống |
Về chính sách đối ngoại, hai bên có những khác biệt nhất định ở nhiều vấn đề. Theo AP và Telegraph, mảng mà họ tìm được nhiều tiếng nói chung là vấn đề an ninh cho Israel và tình hình ở Syria.
Khi các ứng viên được hỏi về phản ứng của mình nếu nhà nước Do Thái bị tấn công, ông Obama cam kết “tôi sẽ sát cánh với Israel nếu họ bị tấn công”, còn ông Romney cũng trả lời ngay sau đó rằng trong trường hợp ấy, “chúng ta sẽ hậu thuẫn cho Israel”.
Mặc dù có những lời lẽ cứng rắn, về thực chất, Mitt Romney cũng đồng thuận với Barack Obama về việc không trực tiếp can thiệp quân sự vào Syria để lật đổ Tổng thống nước này Bashar al-Assad.
Đối với Iran, như các dịp phát biểu trước, ông Romney chỉ trích ông Obama hành động chưa đủ cứng rắn, còn ông Obama cho rằng chính phủ vẫn bảo đảm an ninh cho nước Mỹ.
Trong vấn đề Trung Đông, ông Romney thôi không lôi việc đại sứ Mỹ bị sát hại ở Benghazi ra nữa (sau khi ông Obama phản đòn khá sắc sảo về vấn đề này trong tranh biện lần 2). Tuy vậy, ông Romney tiếp tục công kích kết quả của Mùa Xuân Arab khi cho rằng việc lật đổ chế độ ở Ai Cập và Libya đã có tác dụng không mong đợi khi gây ra làn sóng bạo động không kiểm soát được và đương kim Tổng thống đã không đưa ra được một chính sách nhất quán về những biến động vừa qua ở Trung Đông.
Bằng lời lẽ gay gắt, cựu Thống đốc bang Massachusetts kết tội ông Obama đã làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực, đi khắp Trung Đông và tự nhận lỗi về phía Mỹ, từ đó tiếp tay cho các lãnh đạo chuyên chế trong khu vực. Ông này còn cảnh báo về một nhóm khủng bố giống al-Qaeda đã kiểm soát Bắc Mali.
Ứng viên Romney lần này thừa nhận thành công của đương kim Tổng thống trong việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và truy kích ban lãnh đạo al-Qaeda nhưng ông vẫn một mực khẳng định nước Mỹ cần 1 chiến lược toàn diện để có thể thoát khỏi tình trạng hỗn độn ở Trung Đông và loại bỏ chủ nghĩa cực đoan.
Từ trái qua phải: Ứng viên Cộng hòa Romney, MC Schieffer, và ông Obama. Ảnh chụp tại Đại học Lynn (nguồn: AP) |
Đến lượt mình, ông Obama “phản pháo” bằng cách nhấn mạnh chi tiết trước đó ông Romney có phát biểu rằng không đáng bỏ quá nhiều công sức truy tìm kẻ chủ mưu sau vụ tấn công 11/9/2001 (tức bin Laden). Sau đó ông nêu bật các “công trạng” của mình như kết thúc chiến tranh ở Iraq và chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng thống Obama cũng “chọc” vào tuyên bố của đối thủ Romney cho rằng nước Nga là kẻ thù địa chính trị số 1 của Mỹ, và phê phán ngài cựu thống đốc đang muốn đưa chính sách đối ngoại trở về thời kỳ chiến tranh lạnh những năm 80 của thế kỷ trước.
Khi ông Romney chỉ trích ông Obama cắt giảm ngân sách quốc phòng khiến nước Mỹ ít tàu chiến hơn so với bất cứ thời điểm nào kể từ sau Thế chiến thứ 1, ông Obama liền đốp luôn rằng có lẽ ngài Romney chưa dành đủ thời gian để tìm hiểu cách thức vận hành của quân đội Mỹ. Đương kim Tổng thống thẳng thừng nói: “Chúng ta cũng có ít ngựa và lưỡi lê hơn vì bản chất của quân đội ta đã thay đổi”.
Một cuộc thăm dò toàn cầu do GlobeScan/PIPA tiến hành nhân danh Ban Thế giới của đài BBC, cho thấy người dân ở 20 trong số 21 nước được điều tra nghiêng về ứng cử viên Obama. Trung bình, 50% số người được hỏi cho biết họ mong muốn ông Obama đắc cử so với 9% dành cho ông Romney. Riêng Pháp là nước thân Obama nhất khi có tới 72% muốn thấy ông Obama tái đắc cử và chỉ có 2% thích ông Romney. Ở Anh, cũng có tới 65% muốn ông Obama tiếp tục làm ông chủ Nhà Trắng so với chỉ 7% dành sự ủng hộ cho đối thủ Romney.
Pakistan là quốc gia duy nhất trong số các nước được thăm dò không ưa đương kim Tổng thống Mỹ. Chỉ có 11% ủng hộ ông Obama so với 14% ủng hộ ông Romney (còn 75% không bày tỏ ý kiến.)
Những nước khác có tỷ lệ ủng hộ ông Obama cao là Australia (67%), Canada (66%), và Nigeria (66%)./.