Triều Tiên bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc: Sốc nhưng khó tránh
VOV.VN - Có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc Triều Tiên tuyên bố coi Hàn Quốc là kẻ thù thường trực, chứ không phải đối tác tiềm năng để hòa giải có thể nhằm mục đích nâng cao độ tin cậy của học thuyết hạt nhân leo thang của ông Kim Jong Un, cho phép quân đội tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại kẻ thù.
Ngay cả khi thế giới đã không còn quá bất ngờ trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thì việc nhà lãnh đạo nước này kêu gọi xây dựng cơ sở pháp lý để xác định Hàn Quốc không phải là đối tác để hòa giải và thống nhất vẫn thực sự là một cú sốc rất lớn. Mặc dù vậy, nếu xem xét kỹ thì có thể thấy, đây là đỉnh điểm không thể tránh khỏi sau nhiều năm gia tăng căng thẳng.
Giờ đây, thế giới sẽ phải đặc biệt chú ý đến mọi diễn biến trên bán đảo Triều Tiên để theo dõi xem Bình Nhưỡng sẽ làm gì sau khi ông Kim đưa ra một trong những tuyên bố chính sách đối ngoại đáng chú ý nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2011.
Trong bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội Triều Tiên) ngày 15/1, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết ông kết luận rằng việc thống nhất với Hàn Quốc là không còn khả thi nữa, cáo buộc Seoul đang tìm cách khiến chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ và thống nhất bằng cách sáp nhập.
Ông Kim Jong Un cho rằng Triều Tiên nên sửa đổi Hiến pháp để giáo dục người dân nước này xem Hàn Quốc là "kẻ thù chính và kẻ thù không thay đổi", xác định Triều Tiên có lãnh thổ tách biệt với Hàn Quốc.
"Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng chúng ta cũng không có ý định tránh nó", KCNA dẫn lời ông Kim.
Ông Kim nói rằng Triều Tiên cũng nên lên kế hoạch "chiếm đóng, chinh phục và giành lại hoàn toàn" Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến; kêu gọi không xem người Hàn Quốc là đồng hương, cắt đứt mọi liên lạc liên Triều, đồng thời phá hủy tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng.
Giới quan sát đánh giá, đây là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ liên Triều đã sa sút đến mức nào kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2/2019 không mang lại kết quả. Sự thù địch đã nhanh chóng được đẩy lên cao với việc Triều Tiên không ngừng mở rộng kho vũ khí và liên tục lặp đi lặp lại các tuyên bố đe dọa về chiến tranh hạt nhân chống lại Mỹ và Hàn Quốc.
Vì sao ông Kim thay đổi cách tiếp cận?
Cách tiếp cận mới của ông Kim đối với Hàn Quốc được đưa ra khi ông cố gắng thoát ra khỏi sự cô lập về ngoại giao và củng cố vị thế của Triều Tiên trong khu vực. Những nỗ lực gần đây của Triều Tiên nhằm tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc cũng như tham gia một mặt trận thống nhất chống lại Mỹ trong cái mà ông Kim gọi là “Chiến tranh Lạnh mới” đã được nhấn mạnh trong chuyến thăm Nga vào tháng 9/2023 và gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin.
Ankit Panda, một chuyên gia của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, Triều Tiên đã điều chỉnh lại cách tiếp cận với các vấn đề khu vực kể từ khi hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đổ vỡ hồi năm 2019.
“Nhưng giờ đây, với năng lực hạt nhân và tên lửa tiên tiến cùng sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, ông Kim Jong Un cảm thấy đủ tự tin để thực hiện những thay đổi này”, ông Panda nói.
Bình Nhưỡng không còn coi Seoul là bên trung gian hữu ích để đạt được những nhượng bộ từ Washington. Thay vào đó, Hàn Quốc hiện được coi là trở ngại cho những nỗ lực của Triều Tiên nhằm tạo ra sự hiện diện quyết đoán hơn trong các vấn đề toàn cầu, Hong Min, nhà phân tích tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nêu quan điểm.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đang củng cố cách tiếp cận cũ của Triều Tiên là phớt lờ Hàn Quốc và cố gắng đàm phán trực tiếp với Mỹ. Theo ông Hong, lý luận cũ ở Bình Nhưỡng là Hàn Quốc không phải là bên trực tiếp tham gia hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-53. Lệnh ngừng bắn đó được ký kết giữa Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu, Triều Tiên và Trung Quốc.
Ông Hong cho rằng, việc tuyên bố Hàn Quốc là kẻ thù thường trực, chứ không phải đối tác tiềm năng để hòa giải, cũng có thể nhằm mục đích nâng cao độ tin cậy của học thuyết hạt nhân leo thang của ông Kim, cho phép quân đội tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại kẻ thù nếu giới lãnh đạo bị đe dọa.
Nguy cơ đối với bán đảo Triều Tiên
Lim Eul-chul, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul nói: “Triều Tiên đang hướng tới việc phá hủy những gì mà họ cho là ảo tưởng về sự thống nhất”.
Đó là điều trái ngược với cách tiếp cận của chính ông Kim vào năm 2018, khi ông bắt đầu con đường ngoại giao với cựu Tổng thống theo chủ nghĩa tự do của Hàn Quốc Moon Jae-in, và sau đó sử dụng Seoul làm cầu nối giao tiếp với Tổng thống Mỹ khi ấy là Donald Trump, một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm tận dụng vũ khí hạt nhân làm đòn bẩy để đạt được những lợi ích kinh tế cần thiết.
Trong những tháng gần đây, mối quan hệ nồng ấm giữa Triều Tiên và Nga đã làm dấy lên lo ngại về hợp tác vũ khí, trong đó Triều Tiên bị cáo buộc đã cung cấp cho Nga đạn pháo và tên lửa để đổi lấy hỗ trợ kinh tế và quân sự.
“Nga đang cần vũ khí của Triều Tiên và điều đó đã thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Triều Tiên một cách tự nhiên, tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế của nước này. Đổi lại, Triều Tiên (có thể) nhận được hỗ trợ về năng lượng, thực phẩm và công nghệ”, Koh Yu-hwan một học giả tại Đại học Dongguk của Seoul và cựu chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia nói.
Giáo sư Park Won Gon tại Đại học Ewha ở Seoul cho rằng, trọng tâm dài hạn của ông Kim là buộc Washington chấp nhận ý tưởng coi Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và ông có thể có ý định làm gia tăng căng thẳng trong năm bầu cử ở Mỹ, nhằm tiến tới các cuộc đàm phán cuối cùng với bất kỳ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Trong khi một số nhà phân tích chính trị bày tỏ lo ngại cách tiếp cận mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể kích hoạt những rủi ro lớn hơn trên bán đảo Triều Tiên thì số khác lại có cái nhìn khác đối với nguy cơ này.
“Không thể loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột liên Triều, nhưng Triều Tiên có thể chọn cách thử thách khả năng của Hàn Quốc dưới ngưỡng xung đột toàn diện. Những sự kiện chính trị quan trọng ở Hàn Quốc [bầu cử Quốc hội vào tháng 4/2024 – ND] và Mỹ [bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024 – ND] có thể là lý do khiến ông Kim chọn cách tiếp cận như vậy”, chuyên gia Panda nhận định.