Triều Tiên đe dọa bắt Mỹ- Hàn trả giá đắt bằng máu
VOV.VN -Triều Tiên đe dọa trước tập trận Mỹ- Hàn; Ukraine chấp nhận xe hàng cứu trợ của Nga; Dịch Ebola lan rộng nguy hiểm
Trước thềm cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Hàn kéo dài 4 ngày từ 18/8, ngày 17/7 Triều Tiêu tuyên bố sẽ mở các cuộc tấn công phủ đầu không thương tiếc và dữ dội nhất. Yonhap trích dẫn Thông cáo bằng tiếng Triều Tiên đăng tải trên Hãng Thông tấn KCNA có đoạn: “Nếu chúng tôi đã quyết định thì các căn cứ quân sự lớn nhỏ được sử dụng cho cuộc xâm lược (miền Bắc) sẽ biến thành một biển lửa và đống tro tàn”.
Cũng liên quan đến cuộc tập trận Mỹ- Hàn, ngày 14/8, Triều Tiên đã bắn hàng loạt quả đạn pháo vào vùng biển phía Đông nước này. Trước đó, Ủy ban Tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên đưa ra đề xuất ba điểm kêu gọi Hàn Quốc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế chống lại Bình Nhưỡng, hủy các cuộc tập trận chung với Mỹ và chấm dứt các hành động thù địch, trả đũa lẫn nhau để mở đường hòa giải tái thống nhất đất nước. Ủy ban trên cảnh báo nếu Mỹ và Hàn Quốc không hủy kế hoạch tập trận này, bán đảo Triều Tiên sẽ "bị đẩy đến bờ vực chiến tranh" và làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Chính phủ Ukraine ngày 16/8 đã công nhận đoàn xe của Nga chở hàng viện trợ cho người dân vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine. Trước đó, đoàn xe của Nga chở hàng viện trợ cho miền Đông Ukraine đã bị ách tắc ở biên giới giữa 2 nước hơn 3 ngày qua do chính quyền ở Kiev từ chối công nhận đây là hàng cứu trợ nhân đạo.
Nga đã điều một đoàn gồm 280 xe tải mang theo 2.000 tấn hàng viện trợ bao gồm 62 tấn thực phẩm trẻ em, 54 tấn thuốc men, 100 tấn đường, 400 tấn ngũ cốc và 12.000 túi ngủ cùng nhiều nhu yếu phẩm khác đến hai thành phố miền Đông của Ukraine là Lugansk và Donetsk.
Hiện vẫn chưa rõ thời gian cụ thể đoàn xe viện trợ của Nga sẽ được vào lãnh thổ Ukraine vì thủ tục hải quan vẫn chưa hoàn tất.
Ngày 15/8, Bộ trưởng Nội vụ Nhật Bản Yoshitaka Shindo đã đến thăm đền Yasukuni, ngôi đền được cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt và là nơi tôn vinh tội phạm chiến tranh, nhân kỷ niệm 69 năm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh trong Thế chiến II.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định không đến thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni mà chỉ gửi đồ lễ đến viếng. Đây được coi là một nỗ lực của ông Abe nhằm tạo môi trường cho Hội đàm cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà Nhật Bản đang đề xuất.
Đền Yasukuni thờ 14 tội phạm chiến tranh loại A cùng với hàng triệu nạn nhân chiến tranh khác, chính vì vậy ngôi đền này được nhiều người cho là biểu tượng quá khứ xâm lược của Nhật Bản. Bất kỳ chuyến thăm nào của các quan chức Chính phủ Nhật Bản tới đền Yasukuni đều chọc tức Trung Quốc và Hàn Quốc – hai nước từng là nạn nhân của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
>> Xem thêm: Vì sao Thủ tướng Nhật Bản không tới thăm đền Yasukuni
Tổng thống Iraq Fouad Massoum chịu trách nhiệm chỉ định ứng cử viên của phe chiếm đa số trong Quốc hội làm Thủ tướng. Tiến trình này đã bị chậm trễ so với kế hoạch do những tranh cãi chính trị và làn sóng bạo lực lan rộng tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Mỹ Obama công khai thể hiện sự ủng hộ với ông Haider al-Abadi, người vừa được chỉ định làm Thủ tướng Iraq. Tổng thống Obama đã nhiều lần nói rằng, giải pháp duy nhất cho xung đột hiện nay ở Iraq chỉ có thể đến thông qua một thỏa thuận chính trị.
Ngày 14/8, Giáo hoàng Francis đã đến Hàn Quốc, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên đến châu Á kể từ khi nhậm chức. Trong khi ở thăm Hàn Quốc, Đức Giáo hoàng cử hành một thánh lễ hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 13/8 tuyên bố, Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cần bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin quân sự để đặt nền móng cho các cuộc đàm phán về một khuôn khổ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 14/8, BBC dẫn lời đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, nguy cơ bùng nổ bệnh dịch Ebola vẫn còn bị đánh giá thấp. Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi số người chết vì bệnh dịch đã lên tới 1.069 người.
Bệnh dịch Ebola bắt nguồn ở Guinea vào tháng 2/2014, sau đó lan rộng sang Liberia. Sierra Leone và Nigeria. WHO cho biết tổ chức này đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để ngăn ngừa việc lây nhiễm dịch tràn lan.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ngày 16/8 cảnh báo sẽ phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể kiểm soát được dịch bệnh Ebola ở Tây Phi. Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế kêu gọi chính phủ của các nước đang bị dịch bệnh hoành hành phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong khu vực và quốc tế để mở rộng quy mô, duy trì các hoạt động ứng phó, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
>> Xem thêm: Những điều đáng sợ và không đáng sợ về virus Ebola