Triều Tiên phóng tên lửa - phép thử với tân Tổng thống Hàn Quốc?
VOV.VN - Vụ phóng tên lửa ngày 14/5 của Bình Nhưỡng có thể là động thái thăm dò cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Độ cao bất thường
Nguồn tin từ quân đội Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cho biết, Triều Tiên ngày 14/5 đã một lần nữa phóng thử tên lửa đạn đạo. Quả tên lửa bay trong khoảng nửa giờ đồng hồ và đạt đến độ cao “bất thường” trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Tư liệu các vụ phóng tên lửa Triều Tiên. Nguồn: Ariang
Vụ phóng mà theo giới quân sự Nhật Bản có thể là thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên là thách thức trực tiếp đối với tân Tổng thống Hàn Quốc – người mới nhậm chức được 4 ngày và cũng là lời cảnh báo đối với cuộc tập trận chung của Hải quân Mỹ, Nhật Bản và các đối tác châu Âu sắp diễn ra ở khu vực Thái Bình Dương.
Không rõ loại tên lửa đạn đạo đã được Triều Tiên phóng trong ngày 14/5 là loại nào nhưng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết “quỹ đạo bay của tên lửa này không giống với một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Mặc dù vậy, phía Nhật Bản cho rằng, tên lửa đã lên đến độ cao 2.000km trong khoảng 30 phút, quỹ đạo bay của quả tên lửa này khác với những tên lửa Triều Tiên thường phóng thử.
Tiến sỹ David Wright, đồng Giám đốc của Chương trình an ninh toàn cầu thuộc Hiệp hội những nhà khoa học (UCS) của Mỹ cho biết, dựa trên tính toán, quả tên lửa Triều Tiên phóng có thể có tầm bắn 4.620 km nếu phóng đúng góc tiêu chuẩn thay vì phóng theo góc cao, quỹ đạo vòng cung rót từ trên xuống. Điều này cho thấy, tầm bắn của loại tên lửa này là “đáng kể”.
Ông Wright cho biết thêm, tầm bắn tên lửa Musudan của Triều Tiên là khoảng 2.984 km, tầm bắn này vẫn thiếu một chút để có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Để có thể bắn tới Bờ Tây nước Mỹ, tên lửa Triều Tiên cần phải vượt qua chặng đường hơn 7.942 km.
Theo giới phân tích quân sự, Triều Tiên thường thử nghiệm các loại tên lửa tầm ngắn nhưng cũng đang tích cực nghiên cứu để làm chủ công nghệ cần thiết nhằm phóng tên lửa hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ.
Trong quá khứ, các tên lửa Triều Tiên từng bay được xa hơn quả tên lửa Triều Tiên phóng ngày 14/5 nhưng lần phóng này, tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống gần lãnh thổ Nhật Bản hơn so với những vụ thử nghiệm thất bại trước đó.
Thách thức tân Tổng thống Hàn Quốc
Bất kể loại tên lửa Triều Tiên phóng ngày 14/5 là loại gì, nhưng rõ ràng, vụ phóng đã đặt ra trước mắt tân Tổng thống Hàn Quốc thách thức ngoài mong đợi khi trong những ngày đầu tại nhiệm, ông Moon Jae-in ưu tiên tập trung vào những vấn đề kinh tế trong nước.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia họp khẩn sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 14/5. (Ảnh: Reuters) |
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người ủng hộ cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Triều Tiên so với những người tiền nhiệm theo đường lối bảo thủ. Tuy vậy ngày hôm qua (14/5), ông đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ phóng trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi đó là sự vi phạm rõ ràng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thách thức nghiệm trọng với hòa bình và an ninh quốc tế.
AP dẫn lời Thư ký của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan nói: “Tổng thống bày tỏ lấy làm tiếc vì hành động khiêu khích của Triều Tiên xảy ra chỉ vài ngày sau khi Hàn Quốc có bộ máy lãnh đạo mới. Tổng thống nói rằng, chúng tôi sẽ luôn mở cửa đối thoại với Triều Tiên nhưng chúng tôi phải nghiêm khác đối phó với mọi hành vi khiêu khích để ngăn chặn Triều Tiên có bước đi sai lầm”.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Triều Tiên đã có những hành động “đe dọa rõ rệt trong một thời gian dài” và Mỹ cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Tuyên bố cũng nói rõ rằng, Mỹ vẫn duy trì “cam kết mạnh mẽ” của mình, sát cánh với các đồng minh trong bối cảnh mối đe dọa nghiêm trọng từ Triều Tiên luôn thường trực. Tuyên bố cũng kêu gọi các quốc gia nên có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Bình Nhưỡng.
Sức mạnh của quả tên lửa Triều Tiên
Chánh văn phòng Nội Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tên lửa đã được phóng từ một bãi phóng ở bờ biển phía tây của Triều Tiên trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản, nhưng không phải bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Bản tin trên truyền hình Hàn Quốc về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 14/5. (Ảnh: Reuters) |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các tên lửa có khả năng đạt độ cao gần 2.000km. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi vụ phóng thử là "hoàn toàn không chấp nhận được" và rằng Nhật Bản sẽ có phản ứng một cách kiên quyết.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thì cho rằng, dựa vào thời gian bay và độ cao tên lửa đạt tới, nhiều khả năng Triều Tiên đã phóng “một loại tên lửa mới”. Tuy nhiên, theo bà Inada, để đưa ra kết luận chính xác, vẫn cần phải phân tích thêm.
Những nhận xét của bà Inada cho thấy, tên lửa được phóng theo góc cao, quỹ đạo vòng cung, rót từ trên cao xuống, điều đó đồng nghĩa với việc nó có thể có tầm bắn xa hơn nếu được phóng ở góc phóng thông thường. Kyodo News trích dẫn một nguồn tin giấu tên nhận định, nếu được bắn đi theo góc bắn tiêu chuẩn, quả tên lửa này có thể bay xa tới 4.000km.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên được thực hiện ngay sau khi các phương tiện truyền thông nước này ngày 13/5 cho biết, Bình NHưỡng sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân nếu Washington không từ bỏ chính sách thù địch.
“Mỹ không bao giờ mong đợi chúng ta từ bỏ năng lực hạt nhân của mình”, bài bình luận đăng tải trên Nhật báo "Rodong Sinmun" - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 13/5 có đoạn. Bài báo cũng nói rằng chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nhằm mục đích “vùi dập” và vì thế, Triều Tiên “buộc phải tăng cường năng lực hạt nhân với tốc độ tối đa”.
Dù Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi tuyên thệ nhậm chức đã nói rằng ông sẵn sàng đến thăm Triều tiên nếu hoàn cảnh thích hợp nhưng rõ ràng, với những diễn biến mới nhất này, có lẽ, ông Moon Jae-in sẽ còn phải chờ đợi rất lâu nữa để có thể thực hiện được chuyến thăm mà ông đề cập./. Dư luận thế giới dậy sóng sau vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên