Trung Quốc có làm lu mờ ảnh hưởng của Nga ở địa bàn Trung Á?

VOV.VN - Nga và Trung Quốc cố gắng đoàn kết và bổ sung nhau ở Trung Á nhưng vai trò an ninh gia tăng của Trung Quốc có thể làm lu mờ ảnh hưởng của Nga tại đây.

Cạnh tranh nước lớn ở địa bàn Trung Á rất phức tạp và bản chất của nó là điều khó nắm bắt. Ngày nay lợi ích của Nga và Trung Quốc ở Trung Á ngày càng cách xa nhau nhưng hai nước này không cạnh tranh với nhau quá mức, họ thậm chí nhấn mạnh đến việc bổ sung cho nhau. Tuy nhiên xu hướng của Trung Quốc giao lưu với khu vực về mặt quân sự có thể phá vỡ thế ổn định trong quan hệ Trung Quốc-Nga trong các thập kỷ gần đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa phải, hàng trước) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Gisreportsonline.

Sau sự kiện tấn công khủng bố 11/9, Nga và Trung Quốc có chung khát khao giới hạn ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Á.

Đồng thời sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Trung Á đã diễn ra nhanh chóng. Các hoạt động của Bắc Kinh vẫn chủ yếu mang tính bổ sung và đôi khi mang tính hợp tác với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nỗ lực sớm và thành công trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đã hình thành được Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan nhằm phục vụ lợi ích chung của họ trong cuộc chiến chống khủng bố, ly khai, và cực đoan.

Hợp tác Nga-Trung và lợi thế của Nga

Edward Lemon, một trợ lý giáo sự tại Trường Daniel Morgan, nói với tờ The Diplomat: “Trung Quốc và Nga đã phát triển mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, dù là bất đối xứng, dựa trên khát khao về một thế giới có tính đa cực hơn nữa... Cho tới nay, Trung Quốc vẫn tôn trọng “vai trò đặc biệt” của Nga trong khu vực, chẳng hạn họ vẫn tham vấn với Nga trước khi mở căn cứ của mình ở Tajikistan vào năm 2016”.

Trong phân tích mới về sự hiện diện an ninh của Nga và Trung Quốc ở Trung Á, Bradley Jardine – nghiên cứu viên tại Trung tâm Wilson, và Lemon chỉ ra rằng mặc dù hoạt động an ninh của Nga ở khu vực này chưa suy giảm, Trung Quốc đã tăng đáng kể việc bán vũ khí và các cuộc tập trận chung tại đây. Họ kết luận rằng về ngắn hạn, Nga và Trung Quốc ít có khả năng xem hành động của nhau là thù địch nhưng sự cùng tồn tại của họ trong khu vực có thể bị thử thách khi vai trò an ninh của Trung Quốc ở đây tiếp tục gia tăng.

Kế thừa Liên Xô, nước Nga ngày nay đã từ lâu coi Trung Á là vùng ảnh hưởng của mình. Đây là cường quốc duy nhất cung cấp cho các quốc gia Trung Á sự bảo đảm an ninh chính thức thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Nga duy trì một mạng lưới căn cứ và cơ sở radar trong khu vực.

Nga cũng duy trì các lợi thế chính trị-xã hội đáng kể trước Trung Quốc trong khu vực này. Trung Quốc có thể vượt Nga về mặt thương mại nhưng Nga lại sở hữu một lợi thế rõ ràng nhờ vào các mối liên hệ ngôn ngữ và văn hóa được phát triển thời Trung Á còn nằm trong Liên Xô.

Trung Quốc đã chậm chân trong việc xử lý các tâm lý chống Trung Quốc trong khu vực kéo theo các cuộc biểu tình ở Kazakhstan và Kyrgyzstan năm 2019. Trong bài viết gần đây trên The Diplomat, tác giả Sebastien Peyrouse cho rằng dù thúc đẩy thành công việc học tiếng Hán, Trung Quốc vẫn thất bại trong nỗ lực xây dựng sự hiểu biết về văn hóa Hoa và làm dịu đi nỗi sợ Trung Quốc. Tuy nhiên Peyrouse cho rằng điều này không gây trở ngại cho các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực.

Trung Quốc bắt đầu lấn lướt Nga

Với sự hậu thuẫn của hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (khởi động vào năm 2013), Trung Quốc đã làm lu mờ Nga với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của khu vực. Thực tế, theo ghi nhận của Peyrouse, lợi ích của người dân Trung Á trong việc học tiếng Hán cũng chủ yếu bắt nguồn từ các ích lợi thực dụng gắn với các cơ hội kinh tế do đầu tư của Trung Quốc mang lại.

Mặc dù sáng kiến Vành đai và Con đường cho thấy Trung Quốc sẽ nỗ lực đóng vai trò thế lực kinh tế nổi bật nhất ở khu vực Á-Âu, Bắc Kinh và Moscow vẫn thường xuyên công bố đây là một dự án mà cả Nga và Trung Quốc cùng thắng. Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng BRI sẽ bổ sung cho các nỗ lực của chính Moscow thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực dưới hình thức Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

Các sáng kiến phức tạp, chồng chéo lên nhau của Nga và Trung Quốc và các mối liên hệ có tính phi chính thức hơn với các quốc gia Trung Á đã cùng tồn tại dưới hình thức “phân phối ảnh hưởng” một cách ổn định nhưng năng động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai nước cùng duy trì mối quan hệ thân thiện với lãnh đạo các nước Trung Á. Tuy nhiên Moscow duy trì mối kết nối quân sự và chính trị-xã hội sâu sắc hơn trong khi Bắc Kinh ngày càng thống trị kinh tế khu vực. Lĩnh vực quân sự có thể là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng sôi động nhất.

Nghiên cứu của Jardine và Lemon cho thấy thị phần của Trung Quốc trong thị trường vũ khí Trung Á tăng từ 1,5% tổng số nhập khẩu vũ khí trong quãng thời gian từ năm 2010 đến 2014 đến 18% trong 5 năm qua. Cho tới nay, các vụ mua bán vũ khí đó không đụng chạm đến thị phần của Nga – hiện vẫn duy trì ổn định ở mức 60% trong 10 năm qua, nhưng nếu xu hướng của Trung Quốc cứ tiếp tục thì thị phần của Nga có thể bị suy giảm.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù Nga tiếp tục đứng đầu về các cuộc tập trận quân sự chung ở Trung Á, số các cuộc tập trận do Trung Quốc dẫn dắt đang gia tăng. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2015 rằng ngoại giao quân sự sẽ là một nhân tố chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nước này đã thực hiện một số cuộc tập trận song phương bên cạnh các cuộc tập trận trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Bắc Kinh lãnh đạo.

Dẫu Trung Quốc ít khả năng sẽ sớm thay thế vai trò chính trị-xã hội của Nga trong khu vực Trung Á (và Trung Quốc cũng ít thể hiện sự quan tâm đến điều đó), việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng an ninh ở đây có thể làm mất đi tính ổn định trong vài thập kỷ qua, làm gia tăng nguy cơ cạnh tranh nước lớn trong vùng.

Lemon dự báo: “Khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng vai trò của mình trong an ninh Trung Á, nước Nga có thể bắt đầu cảm thấy vùng ảnh hưởng của mình bị xâm lấn. Nga sẽ cẩn trọng với khả năng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc nhưng họ có thể đẩy mạnh các nỗ lực gây ảnh hưởng với các chính phủ để khiến họ hủy bỏ các giao dịch với Trung Quốc”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên