Trung Quốc "gậy ông đập lưng ông" khi cứng rắn với Mỹ và châu Âu?

VOV.VN - Trung Quốc tự đẩy mình vào thế "gậy ông đập lưng ông" khi cho rằng sự cứng rắn sẽ khiến châu Âu phải nhượng bộ, cũng như quá chủ quan khi cho rằng bấy nhiêu nỗ lực với EU sẽ khiến Mỹ đứng ngoài cuộc chơi.

Từ dấu mốc quan trọng đến những bước lùi

Ngày 19/5, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết đóng băng "bất kỳ động thái cân nhắc nào liên quan đến Thỏa thuận Đầu Tư toàn diện (CAI) giữa EU và Trung Quốc, cũng như mọi cuộc thảo luận nhằm thông qua thỏa thuận này". Cùng thời điểm, Nghị viện châu Âu đề xuất dự luật Điều chỉnh Hoạt động đầu tư nước ngoài của Liên minh châu Âu, một dự luật về trợ cấp nước ngoài và các biện pháp khác trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Dự luật này cũng kêu gọi EU "tăng cường điều phối và hợp tác với Mỹ theo khung Đối thoại xuyên Đại Tây Dương về Trung Quốc".

Vì sao nỗ lực lôi kéo châu Âu của Trung Quốc không thành công, hay nói cách khác, vì sao quan hệ EU - Trung Quốc những tưởng đã đạt được một dấu mốc mới nay lại chứng kiến những bước lùi liên tục?

Tháng 12/2020, EU đạt được Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện với Trung Quốc nhằm cải thiện việc tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu. Các công ty Trung Quốc cũng được hưởng quyền tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường châu Âu. EU thúc đẩy thỏa thuận trên vào những ngày cuối trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump, thậm chí không cần chờ đợi thêm để trao đổi với chính quyền Mỹ mới. Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân thúc đẩy thỏa thuận này và đưa ra những nhượng bộ cần thiết vào phút chót nhằm đảm bảo việc thông qua thỏa thuận song phương EU - Trung Quốc, đồng thời dựng rào chắn giữa Mỹ và EU.

Tuy nhiên, ngay từ trước đó, sự cảnh giác của EU với Trung Quốc đã không còn nằm trong những tính toán thận trọng hay những cuộc trao đổi kín nữa mà đã trở thành lập trường công khai. Theo tài liệu Quan điểm Chiến lược về Trung Quốc năm 2019, EU xác định Trung Quốc với 3 vai trò: Là một đối tác (chẳng hạn trong vấn đề biến đổi khí hậu), là một đối thủ (trong thương mại) và là một địch thủ có hệ thống (trong những giá trị và cách quản trị). EU hiện vẫn theo đuổi chính sách này mặc dù nghị quyết của Nghị viện châu Âu ngày 19/5 đánh giá: "Chiến lược với Trung Quốc của EU đã bộc lộ một số hạn chế".

EU ngần ngại đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc trong những vấn đề chính sách nói chung. Khu vực này cũng nhận được lợi ích từ hoạt động thương mại và đầu tư với Trung Quốc, vốn được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế bền vững từ Bắc Kinh. CAI là một phần của quan điểm này.

Song với hướng tiếp cận "đa diện", EU không cảm thấy mâu thuẫn khi ngày 22/3, liên minh này coi Trung Quốc là "địch thủ có hệ thống" và áp lệnh trừng phạt lên 4 cá nhân Trung Quốc và 1 thực thể liên quan đến vấn đề Tân Cương trong một động thái "đồng lòng" với Mỹ và các đối tác khác. Trung Quốc đã không để yên việc này. Bắc Kinh đáp trả nhanh chóng và không cân xứng cũng vào ngày 22/3 khi thông qua lệnh trừng phạt 10 cá nhân của EU và 4 thực thể, trong đó bao gồm cả các nhà ngoại giao, các thành viên của Nghị viện châu Âu, các tổ chức nghiên cứu và các nhà nghiên cứu. Như Nghị viện châu Âu nhận định, các lệnh trừng phạt của Trung Quốc là sự trả đũa hoàn toàn vì mục đích chính trị.

Nhiều năm kiên nhẫn và thận trọng của Trung Quốc đã được thay thế bằng sự khó chịu ra mặt mà trước đó châu Âu dường như không chú ý tới.

Cứng quá dễ gãy?

Những cuộc thăm dò dư luận trên toàn châu Âu đã cho thấy quan điểm ngày càng tiêu cực của châu lục này về Trung Quốc. Dù vậy, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel vẫn giữ im lặng khi ưu tiên kinh tế hơn các vấn đề khác.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới có thể đem tới sự thay đổi lớn lao về mặt chính trị. Thủ tướng Merkel sẽ nghỉ hưu sau 16 năm cầm quyền trong khi lãnh đạo của Đảng Xanh đối lập, vốn thường xuyên chỉ trích Trung Quốc, có thể là người thay thế. Điều này sẽ đem tới sự tác động không chỉ với nước Đức mà là toàn EU. Thay vì hướng tiếp cận "đa diện", "ưu tiên thương mại" và "tùy cơ ứng biến", châu Âu có thể sẽ có sự kết nối mạnh mẽ hơn với những giá trị và lợi ích tương đồng với Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc.

Ngày 20/5, trang Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đã đe dọa sẽ chống lại nghị quyết trên của Nghị viện châu Âu, đồng thời cho rằng: "Đây là một sai lầm của EU bởi nước này không thể tuân thủ hoàn toàn các quy định". Hoàn Cầu thời báo cũng cho rằng, EU là đối tác kinh tế không đáng tin cậy bởi liên minh này không thể tách rời một vấn đề khỏi những tính toán chính trị. Hoàn Cầu thời báo nhận định: "Bằng cách nhảy theo điệu nhạc của Mỹ, EU đang phá hủy thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng nhất với Trung Quốc. Liên minh này đang hy sinh các lợi ích của mình vì mục tiêu của Mỹ".

Trên thực tế, qua các động thái và đặc biệt là qua việc đáp trả trừng phạt ngày 22/3, Trung Quốc đã đẩy EU vào vòng tay của Mỹ. Giải thích cho quyết định này của Trung Quốc khi áp dụng lệnh trừng phạt không tương xứng ngoài nhắm vào châu Âu về mặt chính trị thì Bắc Kinh còn muốn thể hiện vị thế của mình với công chúng trong nước. Tuy nhiên, khi cân nhắc mọi thứ, động thái trên dường như là một tính toán sai lầm.

Nghị viện châu Âu không nối lại việc thông qua CAI cho tới khi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc được dỡ bỏ và đổi lại, Brussels sẽ dỡ bỏ trừng phạt Bắc Kinh nếu những đòi hỏi được đáp ứng. Tuy nhiên, châu Âu sẽ không dỡ trừng phạt nếu vấn đề Tân Cương không được giải quyết trong khi Trung Quốc sẽ không đáp ứng điều này vì Bắc Kinh coi đây là một lằn ranh đỏ. Vì thế, thỏa thuận giữa 2 bên không chỉ bị đình trệ hay tạm dừng nữa mà đã hoàn toàn rơi vào bế tắc.

Trong khi đó, các quan chức EU và Mỹ đang bắt tay hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn nhằm đối phó với Trung Quốc, chẳng hạn như qua cuộc gặp ngày 5/5 giữa Đại diện Cấp cao của EU Joseph Borrell và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ngày 26/5, các quan chức cấp cao EU và Mỹ đã tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên về Trung Quốc, tập trung thảo luận chi tiết về các chính sách với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực. Cuối cùng, với CAI, Trung Quốc dường như đang rơi vào tình thế "gậy ông đập lưng ông" khi nghĩ rằng sự cứng rắn sẽ khiến châu Âu phải nhượng bộ, cũng như quá chủ quan khi cho rằng bấy nhiêu nỗ lực với EU sẽ khiến Mỹ đứng ngoài cuộc chơi bởi "sự đã rồi"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sai lầm nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang "mất" châu Âu
Sai lầm nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang "mất" châu Âu

VOV.VN - Trung Quốc đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong các chính sách với châu Âu, dẫn đến những rạn nứt hiện nay.

Sai lầm nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang "mất" châu Âu

Sai lầm nghiêm trọng khiến Trung Quốc đang "mất" châu Âu

VOV.VN - Trung Quốc đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong các chính sách với châu Âu, dẫn đến những rạn nứt hiện nay.

Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại châu Âu
Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại châu Âu

VOV.VN - Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao sôi động của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa đang có chuyến thăm dài ngày tại châu Âu với nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại “Lục địa già”.

Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại châu Âu

Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại châu Âu

VOV.VN - Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao sôi động của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa đang có chuyến thăm dài ngày tại châu Âu với nỗ lực đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng tại “Lục địa già”.

Bị đáp trả ngoài dự kiến, châu Âu tính lại chiến lược với Trung Quốc
Bị đáp trả ngoài dự kiến, châu Âu tính lại chiến lược với Trung Quốc

VOV.VN - Những đòn đáp trả trừng phạt từ phía Trung Quốc nằm ngoài dự tính của EU khiến khối này phải nghĩ lại về chiến lược với Bắc Kinh.

Bị đáp trả ngoài dự kiến, châu Âu tính lại chiến lược với Trung Quốc

Bị đáp trả ngoài dự kiến, châu Âu tính lại chiến lược với Trung Quốc

VOV.VN - Những đòn đáp trả trừng phạt từ phía Trung Quốc nằm ngoài dự tính của EU khiến khối này phải nghĩ lại về chiến lược với Bắc Kinh.