Trung Quốc tiếp tục “tung chiêu” lôi kéo châu Âu
VOV.VN - Dịu giọng và nhấn mạnh đến sự hợp tác, Trung Quốc liệu có thực hiện được mục tiêu lôi kéo châu Âu khi mà chính quyền Tổng thống Biden dường như đang làm rất tốt việc này?
Tung chiêu lôi kéo châu Âu
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến sự hợp tác trong các cuộc trao đổi với những người đồng cấp Pháp và Đức hôm 5/7, nhưng các nhà quan sát cho rằng những nỗ lực đối phó với sức ép từ Mỹ này của Bắc Kinh có lẽ sẽ không đóng góp nhiều trong việc cải thiện quan hệ với châu Âu.
Trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc thường niên, việc tiếp cận thị trường và "các cơ hội" do Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tạo ra ở châu Phi.
Mặc dù hầu như không đề cập đến nội dung chi tiết hay lộ trình của các vấn đề trên nhưng phía Trung Quốc đã nhấn mạnh đến từ "hợp tác" 13 lần trong thông báo mà Bộ Ngoại giao nước này đưa ra sau hội nghị.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc với các nhà lãnh đạo châu Âu kể từ sau khi các nhà lãnh đạo G7, trong đó có cả ông Macron và bà Merkel, chỉ trích Bắc Kinh về hàng loạt vấn đề vào tháng trước. Cuộc họp này cũng diễn ra trong giai đoạn căng thẳng của mối quan hệ EU - Trung Quốc sau khi thỏa thuận đầu tư giữa 2 bên bị Nghị viện châu Âu trì hoãn do lo ngại các vấn đề về nhân quyền ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ những mối lo ngại mà nước này cho là "dựa trên những thông tin sai lầm", đồng thời cho rằng G7 chỉ là một "khối nhỏ" không thể "đặt ra quy tắc cho thế giới".
Sau cuộc họp trực tuyến ngày 5/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel đều ủng hộ việc làm sống lại thỏa thuận trên. Ông Tập Cận Bình cũng nói với 2 nhà lãnh đạo này rằng, "bất kỳ vấn đề quốc tế nào cũng đều nên được thảo luận một cách bình tĩnh", thông báo từ phía Trung Quốc cho hay.
Ngoài ra, ông Tập Cận Bình khẳng định: "Hy vọng lớn nhất của Trung Quốc là tự phát triển chứ không phải thay thế các nước khác", dường như để phản ứng trước những nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng một liên minh đối phó với Bắc Kinh.
Ding Chun, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu tại Đại học Fudan nhận định, cuộc gặp trên là một bước đi tích cực cho quan hệ căng thăng giữa 2 bên.
"Những lo ngại của EU về Trung Quốc, bao gồm cả vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề như quản trị toàn cầu và nhân quyền, đã được định hình từ lâu. Tuy nhiên, ít nhất thì cuộc gặp trên đã cho thấy cả hai bên đều tin tưởng vào sự hợp tác", ông Ding cho hay.
"Bầu không khí chính trị hiện nay vẫn còn tồi tệ nhưng việc có thể trao đổi với nhau về sự hợp tác kinh tế tức là vẫn có một vài tín hiệu tích cực cho Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện, thay vì hoàn toàn gạt nó sang một bên".
Kong Tianping, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu châu Âu tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh đã gọi hội nghị trên là sự kiện có ý nghĩa quan trọng.
"Bất chấp những nỗ lực từ phía Mỹ nhằm lôi kéo châu Âu, các nhà lãnh đạo EU vẫn tham gia vào những cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao với Trung Quốc. Mặc dù Mỹ có những lợi ích chung với châu Âu nhưng những lợi ích này không hoàn toàn giống nhau. Châu Âu sẽ không sẵn sàng tham gia vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Châu Âu có lợi ích riêng của mình, đặc biệt là các lợi ích thương mại", nhà quan sát này đánh giá.
Trung Quốc có đạt được mục tiêu?
Tuy nhiên, Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách Công toàn cầu tại Berlin đã lưu ý đến sự nhấn mạnh khác nhau trong các tuyên bố từ 3 nước tham gia hội nghị.
"Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông ấy dường như nhấn mạnh đến việc chống lại lập trường chung của G7 về Trung Quốc và tập trung vào những cơ hội hợp tác giữa châu Âu với Trung Quốc", ông Benner cho biết.
"Đối với Tổng thống Macron, dường như điều quan trọng nhất mà ông ấy muốn nhấn mạnh là lập trường độc lập của Pháp và châu Âu, trong khi chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và tập trung vào những đòi hỏi về tiếp cận thị trường. Thủ tướng Merkel thì nhấn mạnh rằng, có những cơ hội khả thi cho việc hợp tác với Bắc Kinh ở châu Phi và trong vấn đề biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, đồng thời tránh chỉ trích công khai Trung Quốc".
Các cuộc trao đổi trên có lẽ không thể cải thiện nhiều quan hệ của Trung Quốc với châu Âu, Emilian Kavalski, giáo sư về quan hệ Trung Quốc - Á Âu tại Đại học Nottingham Ningbo đánh giá.
Ông chỉ ra những thay đổi sẽ xảy ra ở châu Âu, trong đó có việc bà Merkel sẽ nghỉ hưu và tháng 9 tới và cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào năm sau. Đây đều là những nhân tố định hình mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc.
"Bà Merkel và ông Macron có lẽ là 2 trong một vài nhà lãnh đạo EU vẫn còn quan tâm đến mối quan hệ thực tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Macron có thể bị xao lãng bởi những vấn đề nội bộ, trong khi gần như tất cả các ứng viên cho vị trí thủ tướng Đức đều công khai chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và sự thân thiện của bà Merkel với Bắc Kinh".
"Tôi không nghĩ là cuộc gặp trên hữu ích với việc thúc đẩy CAI hoặc bất kỳ vấn đề quan trọng nào trong quan hệ EU - Trung Quốc", nhà quan sát này cho hay.
Ông cũng nhận định: "Mối quan hệ giữa Trung Quốc với các thành viên khác của EU và EU nói chung vẫn cần phải hàn gắn đáng kể".
Noah Barkin, một nhà phân tích tại Rhodium Group ở Berlin thì cho rằng có một số vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ này trong những tháng tới.
"Chúng ta sẽ chứng kiến EU thông qua một loạt những đề xuất lập pháp mới, trong đó có việc thẩm định chuyên sâu chuỗi cung ứng, có thể khiến căng thẳng với Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Cùng thời điểm, những mối lo ngại của châu Âu về vấn đề Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan cũng đang gia tăng".
"Châu Âu sẽ tiếp tục trao đổi với Bắc Kinh nhưng trừ khi giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng hạ giọng và có những bước đi theo hướng của châu Âu, nếu không thì mối quan hệ này có thể sẽ chỉ tiếp tục lao dốc", nhà phân tích Noah Barkin bình luận./.