Trung Quốc và cuộc chiến không khoan nhượng với tham nhũng
VOV.VN - Có đến 10.000 quan chức Trung Quốc bị cách chức vì tham nhũng trong năm 2013.
Quan Trung Quốc “dắt tay nhau” ngã ngựa
Chỉ một ngày sau khi các cơ quan thông tấn hàng đầu của Trung Quốc đưa tin về việc Chính phủ nước này công bố thêm nhiều biện pháp chống tham nhũng, ngày 24/2, Trung Quốc đã chính thức sa thải cựu Thứ trưởng Bộ công an Lý Đông Sinh.
Cựu Thứ trưởng Bộ công an Trung Quốc, Lý Đông Sinh (Ảnh: Reuters) |
Một thông báo ngắn gọn được Tân Hoa xã đăng tải cho hay, trước đó, hồi cuối tháng 12/2013, ông Lý Đông Sinh đã bị đình chỉ mọi chức vụ vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện một loạt điều tra nhằm vào các quan chức có liên quan đến cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Dù chưa từng có kinh nghiệm đối với công tác thực thi pháp luật, năm 2009, ông Lý vẫn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ công an. Ông Lý từng có 22 năm làm việc tại Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc và từng đảm nhiệm chức phó Tổng giám đốc cơ quan này. Sau đó Lý Đông Sinh chuyển sang làm phó ban tuyên truyền của đảng, trước khi chuyển sang Bộ công an.
Chỉ 3 ngày trước đó, hôm 21/2, ông Lương Khắc - giám đốc Sở An ninh thành phố Bắc Kinh đã bị Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân thành phố Bắc Kinh cách chức. Một nguồn tin thân cận với bộ máy an ninh và thực thi pháp luật của Bắc Kinh cho biết, ông Lương đã bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc bắt giữ hồi tháng trước. Nguồn tin trên cũng tiết lộ, ông Lương từng là đồng minh chủ chốt của Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh.
Trong hai ngày, 18 và 19/2, lần lượt có 2 quan chức cấp tỉnh bị điều tra xử lý. Theo thông tin được đăng trên trang điện tử chính thức của Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/2, ông Chúc Tác Lợi – Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Thiểm Tây đang bị điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Trước đó, ngày 18/2, cơ quan này cũng ra thông báo cho biết, Phó tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam- Kỳ Văn Lâm bị điều tra với cáo buộc tương tự.
Ai đứng sau những tổ chức tội phạm?
Cũng trong thời gian qua, Tân Hoa xã công bố thông tin về tội trạng của “trùm mafia” Lưu Hán, đối tác làm ăn của Chu Bân - con trai cựu Bộ trưởng công an Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang.
Lưu Hán – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Hán Long ở tỉnh Tứ Xuyên sẽ phải đối mặt với những tội danh như giết người, cố ý giết người, cố ý hãm hại, bắt cóc giam giữ trái phép, cản trở công vụ, mở và kinh doanh sòng bạc trái phép, mua sắm và tàng trữ vũ khí trái phép, móc nối thông thầu, hủy hoại tài sản người khác, lừa đảo… nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào băng đảng tội phạm này có thể “tác oai tác quái” trong một thời gian dài, gây bất bình trong dư luận mà không bị xử lý.
Trùm xã hội đen Lưu Hán (Ảnh: Reuters) |
Bài xã luận được đăng tải trên tờ Nhân Dân Nhật báo khẳng định: “Một trong những lý do giúp băng đảng của Lưu Hán mở rộng tầm hoạt động là một số thành viên của chính quyền địa phương cũng như các quan chức tư pháp đã bảo vệ chúng. Cái ô bảo vệ này sẽ bị đưa ra ánh sáng khi cuộc điều tra Lưu Hán tiếp tục”.
Lưu Hán là một nhân vật nổi tiếng không chỉ ở Tứ Xuyên mà khắp Trung Quốc. Tên này từng là Chủ tịch Hội Thương gia tỉnh, kiêm Ủy viên Thường vụ Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Tứ Xuyên các khóa 9, 10, 11.
Trên thương trường, Lưu Hán là “đại gia” trong ngành khai khoáng. Ngoài các hầm mỏ ở Tứ Xuyên, Tập đoàn Hán Long còn đầu tư sang châu Phi, thao túng các mỏ sắt ở Cameroon. Năm 2012, tạp chí Mỹ Forbes xếp Lưu Hán vào vị trí 148 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản lên đến 855 triệu USD.
Khởi nghiệp đầu những năm 1990 bằng kinh doanh máy đánh bạc, từng bị phạt, niêm phong máy, Lưu Hán đã cùng em trai tự ý xé bỏ niêm phong, mua súng để ngăn cản nhân viên công vụ. Sau đó, Lưu Hán quay sang kinh doanh địa ốc, khi xảy ra tranh chấp với dân địa phương trong vấn đề bồi thường, chúng đã dùng dao, súng để giải quyết.
Sau khi gây ra 2 vụ giết người mà không bị trừng trị, Lưu Hán và đồng bọn ngày càng hung hăng, ngông cuồng, tàn bạo. Chỉ trong 10 năm, chúng đã giết hại 9 người, làm bị thương nhiều người khác. Tháng 3/1997 sau khi thành lập Tập đoàn Hán Long ở Miên Dương (Tứ Xuyên), Lưu Hán thậm chí đã trang bị vũ khí quân dụng cho đàn em của hắn.
Giới quan sát nhận định việc hàng loạt báo chí chính thống Trung Quốc công bố tội trạng của Lưu Hán là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ sớm đưa những “con hổ” lớn hơn ra trước ánh sáng công lý.
Khẳng định quyết tâm chống tham nhũng
Từ khi lên nhậm chức đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tỏ ra cứng rắn trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí và xa hoa. Ông Tập cảnh báo rằng tham nhũng có thể hủy hoại đảng, và cảnh báo sẽ xử lý các quan chức từ cấp cao tới cấp cơ sở.
Ông Tập Cận Bình khẳng định sẽ “tấn công cả hổ và ruồi”. Có nghĩa là, bất kể là ai, với bất cứ chức vụ cao thấp như thế nào, chỉ cần vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của nhà nước, thì đều bị xử lý nghiêm khắc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, bất kể đó là ai và giữ cương vị gì (Ảnh: tibetoffice) |
Mới đây hôm 23/2, trong một bài phát biểu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận, có tới 10.000 quan chức nước này bị cách chức vì tham nhũng trong năm 2013. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ phân cấp thẩm quyền, minh bạch hơn và có thái độ “không khoan nhượng” với tham nhũng.
Ông đề nghị tăng cường giám sát hệ thống quyền lực vì cho rằng công cuộc chống tham nhũng khó thành công nếu không kiểm soát tốt quyền lực và sự chi tiêu của các quan chức.
Trong tuyên bố của mình, ông Lý thẳng thắn thừa nhận, việc tập trung quyền lực của Chính quyền Trung ương là một hạn chế và kêu gọi tổ chức một Chính phủ “mở” vì đây là cách hiệu quả nhất để giám sát chéo.
Ông Lý Khắc Cường nói: “Khi Chính phủ kiểm soát quá nhiều, trực tiếp can thiệp vào hoạt động kinh tế vi mô, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến vai trò của thị trường trong việc quyết định phân bổ các nguồn lực mà còn làm tăng chi phí giao dịch mà qua đó dễ dàng nảy sinh tham nhũng hơn”.
Trong một diễn biến mới nhất, theo Tân Hoa xã, ngày 24/2 Ủy ban về các vấn đề chính trị và pháp luật của Đảng Cộng sản Trung ương Trung Quốc đưa ra thông báo nhắc nhở các cơ quan Tư pháp cần phải thắt chặt hơn nữa công tác quản lý tội phạm tham nhũng.
Thông báo này cho rằng: “Các điều khoản và thủ tục ân giảm, tạm tha hoặc cho phép tại ngoại vì lý do sức khỏe đối với các tội phạm tham nhũng cần được giám sát nghiêm ngặt trong khuôn khổ của pháp luật”.
Ủy ban này khẳng định tính tích cực trong việc giảm án, tạo điều kiện hòa nhập xã hội cho những tù nhân cải tạo tốt nhưng cảnh báo rằng, việc ân xá phải được tiến hành đúng thủ tục, quy trình và chịu sự giám sát để đảm bảo tính “thượng tôn pháp luật” và không làm mất uy tín của các cơ quan hành pháp, mất lòng tin của nhân dân.
Có thể nói, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã thu được những thành công bước đầu. Trong một cuộc trưng cầu dân ý mới đây trên trang web của Nhân dân Nhật báo, đa số người được hỏi đánh giá cao những biện pháp chống tham nhũng mà nhà nước đang theo đuổi.
Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc vẫn còn đang tiếp diễn và chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Như để khẳng định một lần nữa quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc, trong tuyên bố của mình Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa nhấn mạnh rằng, Chính phủ nước này sẽ không bao giờ dung tha cho tội phạm tham nhũng và “bất kỳ ai phạm tội sẽ bị điều tra đến cùng”./.