Trung Quốc và Mỹ tìm kiếm đối thoại thực chất
VOV.VN - Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan vừa có chuyến thăm tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm lần thứ hai của một cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tới Trung Quốc sau 8 năm, cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Jake Sullivan tới Trung Quốc.
Diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và Mỹ đang chuẩn bị bầu cử tổng thống, chuyến thăm Trung Quốc của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan lần này, đánh dấu khởi đầu của vòng trao đổi chiến lược mới giữa hai nước và là cơ hội để hai cường quốc hàng đầu thế giới ổn định mối quan hệ song phương và tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề toàn cầu.
Kết quả quan trọng của chuyến thăm
Đây là chuyến thăm lần thứ hai của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tới Trung Quốc sau 8 năm và cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Jake Sullivan tới Trung Quốc. Sau chuyến thăm, phía Mỹ cho biết ông Sullivan đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị và đây là một phần của nỗ lực nhằm duy trì các kênh liên lạc và quản lý có trách nhiệm quan hệ giữa hai nước trên tinh thần cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tháng 11/2023.
Hai bên đã có một cuộc thảo luận thực chất và mang tính xây dựng xung quanh tiến triển và các bước tiếp theo của việc thực hiện các cam kết đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh năm ngoái bao gồm hợp tác chống ma túy, liên lạc giữa quân đội hai nước và an toàn và rủi ro của trí tuệ nhân tạo. Hai bên cũng hoan nghênh các nỗ lực nhằm duy trì các kênh liên lạc mở bao gồm lên kế hoạch cho một cuộc gặp cấp cao trong những tuần tới. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên lạc thường xuyên giữa quân đội hai nước đồng thời dự kiến một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo quân đội hai nước trong thời gian gần.
Các nội dung thảo luận khác bao gồm những bước tiếp theo nhằm làm giảm các hoạt động vận chuyển ma túy tổng hợp trái phép, tiếp tục đưa về nước người di cư không có giấy tờ, và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các bước cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đồng thời hoan nghênh các cuộc thảo luận tiếp theo trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ về chính sách khí hậu quốc tế John Podesta.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh liên lạc chiến lược này trong vòng 18 tháng qua và phía Mỹ cam kết sẽ tiếp tục duy trì ngoại giao cấp cao và tham vấn cấp làm việc thường xuyên trong thời gian tới.
Dư luận Trung Quốc về chuyến thăm của Cố vấn Jake Sullivan
Có thể nói, chuyến thăm lần này của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, trong khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua khi chưa từng thăm Bắc Kinh trong suốt nhiệm kỳ của mình. Điều mà có lẽ từ năm 1980 đến nay mới xảy ra.
Trước thềm chuyến thăm 2 ngày, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/8 vẫn cung cấp thông tin về các nghị trình sẽ được thảo luận trong vòng trao đổi chiến lược mới giữa hai bên, cho biết phái đoàn hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương và các vấn đề nóng trong khu vực và quốc tế.
Ngoài trao đổi chiến lược, hàng loạt các cuộc gặp song phương quan trọng cũng đã được tổ chức, như cuộc hội đàm giữa ông Jake Sullivan và ông Vương Nghị, cuộc gặp lần đầu sau 8 năm giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, lần này là ông Sullivan với ông Trương Hựu Hiệp và quan trọng nhất là cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc trao đổi chiến lược giữa hai bên được Bắc Kinh đánh giá là “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng”, mở ra viễn cảnh về “một vòng tương tác mới giữa nguyên thủ hai nước” trong tương lai gần và các cuộc gọi video giữa lãnh đạo chiến khu của quân đội hai bên. Chủ tịch Tập Cận Bình khi tiếp ông Sullivan cho biết sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc với Tổng thống Joe Biden.
Dù vẫn thể hiện thái độ cứng rắn trong hàng loạt vấn đề gai góc, như Đài Loan, mâu thuẫn trong lĩnh vực kinh tế thương mại và khoa học công nghệ, cũng như trong các điểm nóng khu vực và quốc tế, như căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, tình hình Ukraine..., nhưng vòng trao đổi chiến lược lần này vẫn được đánh giá là hiệu quả và phát huy vai trò tích cực trong việc kiểm soát và duy trì ổn định mối quan hệ cạnh tranh giữa hai bên, giúp tránh được những phán đoán sai lầm về mặt chiến lược, nhất là ngăn ngừa xung đột quân sự trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
Đối thoại Mỹ-Trung tác động ra sao tới khu vực và toàn cầu
Trung Quốc luôn là chủ đề “hot” được nhắc đến trong quá trình tranh cử ở Mỹ. Trong khi đó, từ đầu thế kỷ này, cặp quan hệ Trung – Mỹ đã trở thành tâm điểm của thế giới và có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình cục diện quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21. Do vậy, mỗi cuộc gặp giữa hai bên đều có thể tác động tới khu vực và toàn cầu.
Có thể nói, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Sullivan là nhằm tìm kiếm sự ổn định trong quan hệ song phương, tức ngăn chặn quan hệ Trung-Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát do các vấn đề căng thẳng như Đài Loan, Biển Đông và cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời cũng để chứng tỏ khả năng kiểm soát các vấn đề toàn cầu của chính quyền Tổng thống Biden, giành thêm điểm cộng về ngoại giao cho Đảng Dân chủ trước thềm bầu cử.
Đối với Trung Quốc, những năm tới sẽ là giai đoạn theo chốt để chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng và mở rộng mở cửa trình độ cao với bên ngoài. Nước này đương nhiên hy vọng quan hệ Trung-Mỹ sẽ tiếp tục ổn định, nhằm tránh để môi trường bên ngoài tiếp tục xấu đi. Do vậy, Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để ổn định quan hệ với Mỹ, tạo điều kiện cho cuộc gặp cuối cùng dự kiến diễn ra giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil vào tháng 11 tới.
Cạnh tranh Trung-Mỹ là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục chậm chạp, xung đột khu vực ngày càng gia tăng, nhiều điểm nóng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, quan hệ Trung-Mỹ ổn định không chỉ phù hợp với lợi ích của hai nước trong thời điểm hiện tại, mà còn giúp thế giới và cả hai nước có thể tham gia vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu, hạ nhiệt các cuộc xung đột và làm giảm bớt các cơn gió ngược đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, vốn mới phục hồi sau đại dịch và vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn.