Tương lai châu Âu bấp bênh khi ông Trump dường như "quay lưng" lại với Ukraine
VOV.VN - Trong bối cảnh ông Trump đang công khai chỉ trích Ukraine, các lãnh đạo phương Tây phải tính đến viễn cảnh tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa an ninh tương lai khi Mỹ rút dần viện trợ không chỉ với Kiev mà với cả Liên minh châu Âu.
Chính quyền Mỹ thay đổi lập trường
Sự đối lập giữa ông Trump và người tiền nhiệm Biden trong vấn đề Ukraine ngày càng trở nên rõ nét sau cuộc họp báo tại dinh thự Mar-a-Lago, Florida của ông chủ Nhà Trắng. Tại sự kiện vốn nhằm mục đích thông báo về kết quả đàm phán Mỹ-Nga ở Saudi Arabia này, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích Ukraine. Đây được xem là dấu hiệu rõ nét nhất về sự đảo chiều quan điểm của chính quyền Mỹ mới, ngòi bút chính trị Stephen Collinson của CNN nhận định.
"Tôi nghe họ nói rằng 'Ồ, chúng tôi không được mời'. Nhưng các bạn đã không tìm ra giải pháp trong ba năm qua. Các bạn đáng lẽ phải kết thúc cuộc chiến sau ba năm, và lẽ ra đừng bao giờ bắt đầu nó. Các bạn lẽ ra đã phải đạt được một thỏa thuận", ông Trump nói, đồng thời cáo buộc chính Ukraine là bên đã gây ra cuộc xung đột đã tàn phá đất nước.

Ông Trump cũng nhắc đến việc Ukraine vẫn chưa chính thức tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới. Cuộc bầu cử tổng thống gần nhất của Ukraine vốn được lên kế hoạch vào tháng 4 năm ngoái nhưng Tổng thống Zelensky đã tuyên bố rằng bầu cử không thể diễn ra trong thời chiến. Đây được xem là quyết định phù hợp với Hiến pháp của Ukraine.
"Chúng ta đang ở trong tình huống mà chúng ta chưa có cuộc bầu cử nào ở Ukraine", ông Trump nói với các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình. Ông Trump cũng tuyên bố rằng tỷ lệ chấp thuận của Tổng thống Zelensky là "4%" và nhận định rằng "chúng ta có một đất nước đã bị phá hủy thành từng mảnh".
Tuy nhiên, việc khảo sát dư luận một cách chính xác trong bối cảnh giao tranh đang tiếp diễn là vô cùng khó khăn, khi hàng nghìn người Ukraine phải sơ tán hoặc rời khỏi quê hương. Dù các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ tín nhiệm của ông Zelensky đã giảm đáng kể so với thời điểm trước xung đột, song, con số thực tế vẫn chưa chạm mức mà ông Trump đưa ra.
Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng nếu Ukraine muốn tiếng nói của mình được lắng nghe trong các cuộc đàm phán về tương lai đất nước, họ cần tổ chức bầu cử. Ông tuyên bố: "Họ muốn có một ghế tại bàn đàm phán, vậy chẳng phải người dân Ukraine cũng nên được lên tiếng sao? Chúng ta đã nhiều lần không tổ chức bầu cử rồi, phải không?".
"Đây không phải là vấn đề của Nga; đó là quan điểm của tôi", ông Trump nhấn mạnh thêm.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cho rằng ông Zelensky không phải là đại diện phù hợp cho Ukraine trên bàn đàm phán do nhà lãnh đạo Kiev đã vượt quá thời gian tại nhiệm và nước này vẫn chưa chính thức mở cuộc bầu cử mới.

Những dấu hiệu trên cho thấy Mỹ đang có xu hướng xem xét lại mối quan hệ với Nga. Ngay sau khi Phó tổng thống JD Vance chỉ trích gay gắt các đồng minh châu Âu, nói rằng "mối đe dọa từ bên trong châu lục" đáng lo ngại hơn Nga, Ngoại trưởng Rubio đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và bàn về những cơ hội hợp tác giữa hai bên nếu họ có thể giải quyết tình hình chiến sự ở Ukraine. Tại cuộc họp báo, khi được hỏi liệu ông có gặp tổng thống Nga trước cuối tháng này hay không, ông Trump đã trả lời rằng "có thể".
Cũng trong ngày 18/2, ông Trump tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng quân đội châu Âu thực thi bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai, mặc dù ý tưởng này đã bị các phái viên của Moscow bác bỏ trong các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia. Ông không đưa ra bình luận nào về lời cảnh báo của Thủ tướng Anh Keir Starmer rằng một đề xuất như vậy chỉ khả thi nếu có sự bảo trợ của Mỹ. Điều này diễn ra ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth vào tuần trước, khẳng định rằng quân đội Mỹ sẽ không tham gia vào bất kỳ sứ mệnh gìn giữ hòa bình nào ở Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine vẫn phải đối mặt với khoản nợ hàng trăm tỷ USD mà ông Trump đang yêu cầu hoàn trả, có thể bằng cách thông qua quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của nước này.
Tình hình ở châu Âu thay đổi
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga vừa kết thúc tại Riyadh đã mang lại cho Moscow nhiều tín hiệu đáng mừng. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đề xuất khôi phục nhân sự tại các đại sứ quán Mỹ và Nga sau hàng loạt vụ trục xuất trả đũa trước đây. Đây là dấu hiệu cho thấy Moscow đang dần thoát khỏi tình trạng bị cô lập, dù vẫn còn nhiều lý do chưa sáng tỏ đằng sau. Quá trình phục hồi này đã bắt đầu từ việc Nga trả tự do cho giáo viên người Mỹ Marc Fogel và nay tiếp tục với việc tái lập một phần các chuẩn mực ngoại giao.
Tuy nhiên, một điều chưa rõ ràng là liệu Nga có nhượng bộ hoặc giành được thành tựu gì trong việc thúc đẩy cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin hay không. Hội nghị thượng đỉnh này vốn là trụ cột trong chính sách hòa bình của ông Trump tại Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh Moscow đang dần lấy lại vị thế, điều này có thể bị xem là một bước bình thường hóa có lợi cho Nga.
Việc trì hoãn cuộc gặp giữa Mỹ và Nga có lẽ mang lại chút nhẹ nhõm cho Kiev. Hội nghị tại Riyadh đã không kết thúc bằng một cam kết của Washington rằng Ukraine phải chấp nhận những nhượng bộ khó khăn để đạt được một thỏa thuận chóng vánh. Thay vào đó, tiến trình hòa bình được chuyển sang các nhóm đàm phán khác nhưng cũng có thể kéo dài vô thời hạn.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản: Ukraine có thể phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ, trong khi Moscow sẽ phải chấp nhận một số đảm bảo an ninh nhất định. Trước diễn biến này, Tổng thống Zelensky lập tức hủy chuyến thăm dự kiến tới Riyadh. Nhà lãnh đạo Kiev tỏ ra không hài lòng khi Ukraine bị gạt ra ngoài trong các thỏa thuận quan trọng, đồng thời chỉ trích việc ông chỉ biết về hội nghị Mỹ-Nga thông qua truyền thông.
Trong bối cảnh đó, châu Âu bất ngờ được đặt vào vị trí trung tâm. Ba quan chức Mỹ tại Riyadh đã ngầm thừa nhận rằng châu Âu sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình. Ông Waltz bác bỏ nhận định rằng châu Âu và Ukraine bị loại khỏi các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước, Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, Tướng Keith Kellogg, tuyên bố tại Munich rằng châu Âu sẽ không tham gia đàm phán hòa bình vì những thất bại ngoại giao từ năm 2015. Điều này đã buộc các nước châu Âu phải khẩn trương tính toán lại chiến lược của mình.
72 giờ sau, chính quyền Trump tìm cách trấn an họ rằng vai trò của châu Âu vẫn quan trọng. Và khi Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp ông Trump tại Washington vào tuần tới, chắc chắn những toan tính chiến lược sẽ còn leo thang.
Điều này đặt các đồng minh của Mỹ vào một tình thế khó khăn chưa từng có: họ phải tính đến viễn cảnh tự bảo vệ mình trước một nước Nga có vũ khí hạt nhân mà không thể dựa vào Mỹ để đối phó với Moscow. NATO vốn được xây dựng trên nguyên tắc lợi ích chung nhưng tuyên bố ngắn gọn của đại diện Mỹ tại Brussels đã làm lung lay nền tảng của liên minh này. Châu Âu hiện đang nỗ lực tìm cách tự đảm bảo an ninh của mình.
Dù các cuộc đàm phán có kéo dài bao lâu, một thực tế không thể phủ nhận là Nga đang giành thế chủ động trên chiến trường. Thời gian đang đứng về phía Moscow và việc kéo dài tiến trình đàm phán sẽ gây ra nhiều bất lợi cho cả châu Âu và Ukraine. Trả lời phỏng vấn trên chương trình tin tức Meet the Press của NBC, Tổng thống Zelensky mới đây cho biết Ukraine "có ít cơ hội sống sót nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ".