Tương lai không trải hoa hồng với ông Abe sau chiến thắng ở Hạ viện
VOV.VN - Giới chuyên gia nhận định rằng, chiến thắng “như chẻ tre” vừa qua không có nghĩa rằng mọi cánh cửa đã mở toang cho những dự định của ông Abe.
Thủ tướng Shinzo Abe đã nắm được đa số tuyệt đối tại Hạ viện Nhật Bản nhưng có lẽ chưa giành được “trái tim và khối óc” của những cử tri còn nghi ngờ chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc này, cũng như những ai không chia sẻ quan điểm với ông về việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình.
Sau chiến thắng bầu cử lần này, Thủ tướng Shinzo Abe có thể vẫn chẳng thay đổi được bức tranh chính trị Nhật Bản như ông mong đợi. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Cuộc bầu cử này đã chứng minh ông Abe “có mối quan hệ khá trắc trở với người dân Nhật Bản”, ông Tobias Harris, chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại tổ chức tư vấn Tình báo Teneo có trụ sở ở Washington (Mỹ) nhận định. Theo ông Harris, “có sự cảm kích nhất định đối với những gì mà Thủ tướng Abe đã làm được nhưng nhìn chung ông ấy không được yêu mến”.
Có lẽ vì thế mà thay vì vui vẻ ăn mừng, Thủ tướng Abe xuất hiện khá cứng nhắc trên truyền hình tối 22/10, khi kết quả sơ bộ cho thấy chiến thắng của liên minh cầm quyền của ông đã rõ ràng. Có thể ông mệt mỏi sau chiến dịch vận động tranh cử và cuộc bỏ phiếu căng thẳng. Có thể ông lo âu vì bão Lan đổ bộ vào Nhật Bản ngày hôm đó. Nhưng nhà phân tích Michael Cucek (trường Đại học Waseda) cho rằng, chủ yếu ông Abe không che giấu được dự cảm rằng chiến thắng vang dội của cuộc bầu cử này không thay đổi vị thế chính trị của ông nhiều như mong đợi.
Chiến thắng: lý thuyết và thực tế
Nắm đa số tuyệt đối tại Hạ viện, về lý thuyết, Thủ tướng Abe có thể thông qua bất cứ dự luật nào mà ông muốn. Thủ tướng Abe và các đồng minh của ông có thể soạn Hiến pháp sửa đổi vào buổi sáng và Hạ viện sẽ thông qua ngay vào buổi chiều.
Tuy nhiên, bước đi pháp lý cuối cùng đòi hỏi hơn 50% cử tri Nhật Bản ủng hộ những thay đổi đó trong một cuộc trưng cầu ý dân. Và không may cho Thủ tướng Abe, thực tế, có ít hơn 50% cử tri ủng hộ Nội các của ông. Hơn thế nữa, chẳng có một chính sách nào mà chính phủ của Thủ tướng Abe đưa ra giành được sự ủng hộ của hơn 50% công chúng.
Một thăm dò dư luận bên lề cuộc bầu cử ngày 22/10 do hãng tin Kyodo tiến hành cho thấy hơn một nửa số cử tri (51%) nước này không tin tưởng Thủ tướng Abe. Trong khi cuộc thăm dò tương tự do Asahi Shimbun cho thấy có tới 47% người được hỏi muốn ai đó dẫn dắt Nhật Bản thay ông Abe.
Vậy vì sao ông Abe vẫn chiến thắng và lại là một chiến thắng vang dội?
Hệ thống bầu cử Nhật Bản giúp đảng LDP cầm quyền đại thắng?
Câu trả lời đơn giản vì những cái tên mới như đảng Hy Vọng (Hope, thành lập 25/9/2017) của bà Koike hay đảng Dân chủ Lập hiến (thành lập 2/10/2017) của ông Edano chưa đủ mạnh và cũng không có đủ thời gian để thành lập một “mặt trận thống nhất” chống lại ông.
Bản thân ông Abe cũng biết điều đó, biết rằng liên minh cầm quyền của ông lúc này to lớn như người khổng lồ nhưng về lâu dài có thể mong manh, dễ vỡ.
Môi trường chính trị và đặc thù của hệ thống bầu cử ở Nhật Bản tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa ý kiến của công chúng về những vấn đề chủ chốt trong xã hội với việc là phiếu của họ phân bổ ghế tại Hạ viện ra sao. Vì thế có thể nói chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua không có nghĩa là người dân Nhật Bản trao cho ông Abe sứ mệnh thực thi chương trình nghị sự gây tranh cãi của ông.
“Di chứng” của 5 năm cầm quyền
Chính phủ của ông Abe đã nắm quyền suốt 5 năm qua, trong đó có 2 năm gần đây giành được đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện. Suốt thời gian đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản, dưới sự điều hành của Thống đốc Kuroda Haruhiko, đã rất linh hoạt và luôn đáp ứng những yêu cầu của chính phủ, đặc biệt là trong việc nới lỏng chương trình tiền tệ nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng chương trình kinh tế của ông Abe không đem lại kết quả nổi bật nào khi không chấm dứt được tình trạng di chuyển lao động có tay nghề hay việc các tập đoàn tích trữ tiền mặt còn các quỹ lương hưu thì thiếu hụt trầm trọng, trong khi dân số Nhật Bản ngày càng già hóa.
Đề xuất nổi bật nhất gắn liền với cái tên Abe dần dần không còn là Abenomics nữa mà là cải cách Hiến pháp hòa bình. Xem xét lại bản Hiến pháp hòa bình luôn là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bởi Điều 9 của bản hiến pháp này như một “chiếc vòng kim cô” kiềm tỏa khả năng sử dụng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) của chính phủ nước này. Tuy nhiên, việc bình thường hóa luật an ninh của Nhật Bản bằng cách nới lỏng những hạn chế pháp lý đối với việc triển khai Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội nước này.
Như vậy, một mặt không “ghi điểm” được trên “mặt trận” kinh tế, mặt khác lại “mất điểm” vì những tranh cãi xung quanh cải cách Hiến pháp hòa bình, ông Abe khiến liên minh cầm quyền của mình, dù vẫn nắm đa số nhưng tự chuốc lấy những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn từ sự xói mòn lòng tin của cử tri.
Vì thế, ông Abe dù thực sự xứng đáng có được chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 22/10 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản khó lòng “nhâm nhi” sự ngọt ngào của chiến thắng bởi ông có cả một chặng đường dài ở phía trước. Và vẻ mặt của Thủ tướng Abe khi đón nhận tin thắng lợi đã nói lên rằng ông ý thức được điều đó. Vấn đề còn lại của ông là làm sao giải được bài toán khó đó./. Cái giá Thủ tướng Nhật Bản phải trả cho việc cải cách Hiến pháp?