Tuyên bố độc lập, Catalonia bước vào cuộc phiêu lưu đầy rủi ro
VOV.VN - Việc theo đuổi đến cùng kế hoạch ly khai của chính quyền vùng Catalonia sẽ là một cuộc phiêu lưu vô cùng rủi ro về mặt chính trị-kinh tế.
Bất chấp sự phản đối trong nội bộ, Nghị viện vùng Catalonia hôm qua (27/10) vẫn tuyên bố độc lập, tách khỏi chính quyền trung ương Tây Ban Nha, một động thái được xem là “vượt qua lằn ranh đỏ” khép lại cánh cửa đối thoại giữa các bên.
Cảnh sát Catalonia chặn những người biểu tình phản đối vùng tự trị này độc lập. Ảnh: AP.
Thượng viện Tây Ban Nha ngay lập tức bật đèn xanh cho chính phủ nước này áp dụng điều 155 của Hiến pháp, nhằm tước đi quyền tự trị của vùng Catalonia. Tương lai phía trước dành cho lực lượng ly khai Catalonia chắc chắn sẽ tràn ngập khó khăn và trở ngại, không chỉ từ cộng đồng quốc tế mà cả sự phản kháng từ trong nội bộ.
Với 70 phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng trong Nghị viện 135 ghế, các nhà lập pháp Catalonia ngày 27/10 đã chính thức tuyên bố độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha. Dù số phiếu ủng hộ “tuyên bố độc lập” chiếm đa số, cao hơn 50%, song nhiều nghị sĩ Catalonia đã rời khỏi phiên bỏ phiếu trước khi nó bắt đầu để phản đối việc độc lập.
Ngay lập tức, nhiều người dân vùng Catalonia ủng hộ việc ly khai đã đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng, hô vang khẩu hiệu “tự do” và hát các bài hát truyền thống của vùng tự trị này như một biểu hiện của sự tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, cũng không ít người dân tại Catalonia lại tỏ ra lo lắng khi nghĩ về những khó khăn và thách thức đang chờ đón họ ở phía trước.
Theo giới phân tích, việc theo đuổi đến cùng kế hoạch ly khai của chính quyền vùng Catalonia sẽ là một cuộc phiêu lưu vô cùng rủi ro về mặt chính trị-kinh tế, đặt tương lai của vùng này trước một viễn cảnh vô cùng bất an. Đồng thời, cánh cửa đối thoại giữa Catalonia và chính quyền trung ương Tây Ban Nha cũng sẽ khép lại. Tây Ban Nha giải tán cơ quan lập pháp Catalonia
Phản ứng trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ kể từ khi Catalonia tuyên bố độc lập, Quốc hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu kích hoạt điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha sau cuộc họp khẩn cấp. Theo đó, chính phủ Tây Ban Nha cho phép sa thải toàn bộ chính quyền của vùng tự trị này và tổ chức bầu cử để lập ra chính quyền mới. Đây là lần đầu tiên Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha 1978 được kích hoạt.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết: “Hôm nay, tôi giải tán cơ quan lập pháp Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử tại vùng này vào ngày 21/12 tới. Thủ hiến Catalonia đã có cơ hội quay trở lại với luật pháp và kêu gọi tổ chức bầu cử, điều mà hầu hết người dân vùng này mong muốn. Tuy nhiên, ông ấy đã không làm như vậy. Do đó, chính phủ Tây Ban Nha sẽ có biện pháp để khôi phục lại tính hợp pháp tại đây”.
Không chỉ chính phủ Tây Ban Nha đưa ra các bước đi cứng rắn, nhiều quốc gia trên thế giới cũng không hoan nghênh việc tuyên bố độc lập của vùng Catalonia, mà ngược lại ủng hộ cách giải quyết vấn đề của chính phủ Tây Ban Nha.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, việc nghị viện vùng này tuyên bố độc lập sẽ không có gì thay đổi và Liên minh châu Âu sẽ chỉ đối thoại và hợp tác với chính phủ trung ương Tây Ban Nha. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại lên tiếng ủng hộ hoàn toàn giải pháp mà chính phủ Tây Ban Nha giải quyết cuộc khủng hoảng. Ảnh: “Chảo lửa” Catalonia làm nóng cả châu Âu
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Heather Nauert khẳng định, Catalonia là một phần thống nhất của Tây Ban Nha và nước này ủng hộ các biện pháp Hiến pháp của chính phủ Tây Ban Nha nhằm đảm bảo sự vững mạnh và đoàn kết của quốc gia này.
Còn theo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), Tây Ban Nha vẫn là một đồng minh quan trọng của Tổ chức, đóng góp quan trọng đối với an ninh chung. Cuộc khủng hoảng Catalonia là một vấn đề nội bộ và nên được giải quyết theo khuôn khổ hiến pháp Tây Ban Nha./.