Ukraine đối mặt thách thức kép khi bầu cử Mỹ tới gần

VOV.VN - Sau gần 30 tháng nổ ra xung đột với Nga, những khó khăn lực lượng Ukraine phải đối mặt trên chiến trường ngày càng gia tăng giữa bối cảnh sự hỗ trợ quan trọng từ Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi làn gió chính trị đang thay đổi.

Việc Mỹ chậm trễ tới 6 tháng trong việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã mở ra cơ hội để lực lượng Nga đạt được các bước tiến trên tiền tuyến. Quân đội Ukraine hiện đang phải chiến đấu để ngăn chặn những bước tiến chậm nhưng dần đều của quân đội Nga – lực lượng có quy mô lớn hơn và trang bị tốt hơn.

Nhà phân tích quân sự Michael Kofman của Carnegie Endowment gần đây đưa ra nhận định: “Hai hoặc ba tháng tới có lẽ sẽ là thời điểm khó khăn nhất trong năm nay đối với Ukraine”.

Phía sau những khó khăn đó là mối lo ngại vốn luôn hiện hữu với Ukraine: sự hỗ trợ về mặt chính trị và quân sự vô cùng quan trọng Mỹ và phương Tây dành cho Kiev trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Moscow sẽ kéo dài bao lâu?

Hôm 15/7, cựu Tổng thống Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ JD Vance làm “phó tướng” cùng ông đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11. Cần nhớ, ông Vance là người luôn muốn Mỹ ưu tiên giải quyết các vấn đề của chính nước Mỹ, không nhất thiết phải can dự vào một cuộc chiến cách xa hàng nghìn dặm, ở một lục địa khác, mặc dù ông từng bình luận rằng Tổng thống Nga Putin đã sai khi đánh Ukraine.

Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với lập trường của ông Trump. Cựu tổng thống Mỹ từng tuyên bố nếu thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2024, ông sẽ tác động để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trước ngày nhậm chức vào tháng 1/2025. Dù vậy, ông Trump không cho biết ông sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Cho đến nay, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine sẽ sớm chấm dứt. Trong bối cảnh đó, tình thế của Ukraine ngày càng bấp bênh hơn khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang dần nóng lên.

Tình hình thực địa

Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, hồi tháng 5 vừa qua cho biết, Nga hiện chiếm giữ 18% lãnh thổ Ukraine. Nga chưa giành được chiến thắng lớn nào trên chiến trường kể từ khi chiếm thành trì phía Đông Avdiivka vào tháng 2 năm nay. Lực lượng Nga hiện đang tấn công vào các khu vực biên giới: Kharkov ở phía Đông Bắc Ukraine, Donetsk ở phía Đông và Zaporizhzhia ở phía Nam.

Để có thể kéo dài thời gian, chờ thêm viện trợ từ Mỹ và các đồng minh phương Tây, Ukraine đã áp dụng chiến lược phòng thủ linh hoạt bằng cách rút lui khỏi một số phần lãnh thổ để làm hao mòn quân đội Nga cho đến khi nguồn cung cấp của phương Tây đến được với các lữ đoàn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, Nga chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài, trừ khi Ukraine có thể tấn công bằng yếu tố bất ngờ.

Nga hôm 14/7 tuyên bố lực lượng của họ đã giành quyền kiểm soát làng Urozhaine ở Donetsk, nhưng các quan chức Ukraine cho biết vẫn còn giao tranh ở đó. Quân đội Moscow đang nhắm tới việc chiếm thành phố chiến lược Chasov Yar, qua đó có thể cho phép họ tiến sâu hơn vào Donetsk.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan nghiên cứu của Washington, Ukraine hiện tập trung cản mũi tấn công của Nga xung quanh thành phố Kharkov ở phía Đông Bắc. Nga vẫn đang cố gắng tiến đánh Kharkov để giành vị thế và tạo ra vùng đệm trong khu vực, ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine.

Lưới điện

Làm tê liệt nguồn cung cấp điện của Ukraine là mục tiêu chính trong các cuộc tấn công không ngừng nghỉ bằng tên lửa và máy bay không người lái tầm xa của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết các vụ bắn phá của Nga đã phá hủy 80% sản lượng nhiệt điện của Ukraine và 1/3 sản lượng thủy điện.

Các nhà phân tích cảnh báo một mùa đông khắc nghiệt có thể đang chờ đợi Ukraine.

Ukraine là một quốc gia rộng lớn nên cần có hệ thống phòng không khổng lồ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ. Tổng thống Zelensky cho biết nước này cần 25 hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ hoàn toàn không phận quốc gia.

Đạn dược

Những chuyến hàng đạn dược mới tới Ukraine đang được chuyển đến các đơn vị trên tiền tuyến, làm giảm bớt bất lợi nặng nề của Kiev về đạn pháo và cho phép nước này bắt đầu ổn định tiền tuyến.

Mặc dù vậy, sẽ mất khá nhiều thời gian để quân đội Kiev bổ sung đầy đủ lượng dự trữ đã cạn kiệt. Các nhà phân tích quân sự ước tính Ukraine sẽ không thể tổ chức một cuộc phản công sớm nhất cho đến cuối năm nay.

Trong khi đó, Nga đang chi số tiền kỷ lục cho cuộc chiến tiêu hao sinh lực đối phương.

Công sự

Chiến thuật mà Nga đang áp dụng là chia cắt các thị trấn và làng mạc thành từng mảnh, khiến cho quân Ukraine không có chỗ trú ẩn để phòng thủ. Bom lượn được sử dụng để san phẳng các tòa nhà. Sau đó bộ binh Nga tiến vào.

Theo báo cáo của các nhà phân tích, Ukraine đã chậm trễ trong việc xây dựng tuyến phòng thủ nhưng các công sự của nước này đã được cải thiện trong những tháng gần đây.

Các quan chức Ukraine cho biết, quân đội Nga đã đạt được tiến bộ đáng kể ở các điểm phía Đông và phía Nam dọc theo chiến tuyến dài khoảng 1.000 km nhưng gần đây không đạt được bước đột phá đáng kể nào và những bước tiến của Nga đều phải chịu tổn thất đáng kể.

Bổ sung nhân lực

Ukraine vào tháng 4 đã thông qua luật nghĩa vụ quân sự mở rộng nhằm bổ sung cho lực lượng đang cạn kiệt và kiệt sức của mình. Ông Zelensky hôm 15/7 nói rằng nỗ lực này đang diễn ra tốt đẹp, mặc dù đất nước không có đủ cơ sở huấn luyện cho binh sĩ mới. Ngoài ra, 14 lữ đoàn vẫn chưa nhận được vũ khí phương Tây như đã hứa.

Vũ khí

Các nước NATO trong tháng này đã thực hiện những bước để đảm bảo Ukraine tiếp tục nhận được viện trợ an ninh dài hạn và huấn luyện quân sự.

Các nhà lãnh đạo liên minh tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Washington tuần trước đã ký một thỏa thuận gửi thêm tên lửa Stinger, hệ thống phòng không di động đất đối không… Ukraine cũng đang chuẩn bị tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do một số nước châu Âu tài trợ.

Dù vậy, Tổng thống Zelensky vẫn cảm thấy thất vọng. Ông nói rằng Ukraine không thể thắng cuộc chiến trừ khi Mỹ dỡ bỏ giới hạn sử dụng vũ khí để tấn công các mục tiêu quân sự trên đất Nga.

Vũ khí phương Tây thay đổi tình thế của Nga và Ukraine thế nào?

VOV.VN - Mặc dù trước đó Ukraine có thể tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng UAV sản xuất nội địa nhưng việc nhận được tên lửa tầm xa ATACMS khiến những cuộc tấn công này hiệu quả hơn nhiều. Giới quan sát cho biết, hiện Nga không thể nhắm vào khu vực Kharkov bằng các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng tốc sản xuất vũ khí, Ukraine chưa thể lật ngược thế trận trước Nga
Tăng tốc sản xuất vũ khí, Ukraine chưa thể lật ngược thế trận trước Nga

VOV.VN - Ukraine đang tăng cường tự sản xuất các loại vũ khí khi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này hướng tới đáp ứng nhu cầu của các binh sỹ chiến đấu trên tiền tuyến. Nhưng một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, họ vẫn cần thêm yếu tố then chốt để duy trì hoạt động sản xuất vũ khí.

Tăng tốc sản xuất vũ khí, Ukraine chưa thể lật ngược thế trận trước Nga

Tăng tốc sản xuất vũ khí, Ukraine chưa thể lật ngược thế trận trước Nga

VOV.VN - Ukraine đang tăng cường tự sản xuất các loại vũ khí khi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này hướng tới đáp ứng nhu cầu của các binh sỹ chiến đấu trên tiền tuyến. Nhưng một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết, họ vẫn cần thêm yếu tố then chốt để duy trì hoạt động sản xuất vũ khí.

Ukraine và châu Âu lo ngại khi ông Trump chọn phó tướng Vance
Ukraine và châu Âu lo ngại khi ông Trump chọn phó tướng Vance

VOV.VN - Sau vụ nổ súng ở Pennsylvania, lợi thế trong bầu cử Mỹ nghiêng rõ rệt về phía ứng viên Trump. Đảng Cộng hòa đã chính thức chọn ứng viên Trump cho cuộc bầu cử này, còn ông Trump đã lựa chọn ông Vance đồng quan điểm về vấn đề Ukraine và quan hệ với châu Âu làm phó tướng. Những diễn biến này gây lo ngại sâu sắc cho cả EU và Ukraine.

Ukraine và châu Âu lo ngại khi ông Trump chọn phó tướng Vance

Ukraine và châu Âu lo ngại khi ông Trump chọn phó tướng Vance

VOV.VN - Sau vụ nổ súng ở Pennsylvania, lợi thế trong bầu cử Mỹ nghiêng rõ rệt về phía ứng viên Trump. Đảng Cộng hòa đã chính thức chọn ứng viên Trump cho cuộc bầu cử này, còn ông Trump đã lựa chọn ông Vance đồng quan điểm về vấn đề Ukraine và quan hệ với châu Âu làm phó tướng. Những diễn biến này gây lo ngại sâu sắc cho cả EU và Ukraine.

Vũ khí phương Tây thay đổi tình thế của Nga và Ukraine thế nào?
Vũ khí phương Tây thay đổi tình thế của Nga và Ukraine thế nào?

VOV.VN - Mặc dù trước đó Ukraine có thể tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng UAV sản xuất nội địa nhưng việc nhận được tên lửa tầm xa ATACMS khiến những cuộc tấn công này hiệu quả hơn nhiều. Giới quan sát cho biết, hiện Nga không thể nhắm vào khu vực Kharkov bằng các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.

Vũ khí phương Tây thay đổi tình thế của Nga và Ukraine thế nào?

Vũ khí phương Tây thay đổi tình thế của Nga và Ukraine thế nào?

VOV.VN - Mặc dù trước đó Ukraine có thể tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng UAV sản xuất nội địa nhưng việc nhận được tên lửa tầm xa ATACMS khiến những cuộc tấn công này hiệu quả hơn nhiều. Giới quan sát cho biết, hiện Nga không thể nhắm vào khu vực Kharkov bằng các hệ thống tên lửa S-300 và S-400.