Ukraine gặp khó khi đưa vũ khí phương Tây ra chiến trường
VOV.VN - Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Kiev được phương Tây viện trợ nhiều loại vũ khí để đối phó với Moscow. Tuy nhiên, việc đưa các loại vũ khí này ra chiến trường lại là bài toán đau đầu của quân đội Ukraine.
Giới chức Ukraine nhận định vũ khí của phương Tây là yếu tố cần thiết có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trong cuộc chiến chống lại Nga. Cho đến gần đây, Ukraine vẫn phụ thuộc vào các loại vũ khí hạng nặng được chế tạo hoặc có nguồn gốc từ thời Liên Xô, trong khi Nga có trang bị tốt hơn với số lượng lớn hơn nhiều các hệ thống tương tự.
Các loại vũ khí hiện đại và hiệu quả hơn của phương Tây, đặc biệt là pháo tầm xa, hiện đã được đưa vào cuộc chiến. Chúng đã tạo ra sự khác biệt, cho phép Ukraine tấn công chính xác vào các kho đạn dược quan trọng, cơ sở hạ tầng phòng không và các trung tâm chỉ huy nằm sâu phía trong vũng lãnh thổ mà Nga kiểm soát, từ đó làm gián đoạn các cuộc tấn công của lực lượng Nga.
Tuy nhiên việc thích ứng với các hệ thống vũ khí mà phương Tây cung cấp vẫn là một thách thức lớn đối với quân đội Ukraine.
Thách thức về vận hành và bảo trì
“Việc các nước viện trợ nhiều loại pháo khác nhau đang biến thành cơn ‘ác mộng’ đối với Quân đội Ukraine, bởi mỗi khẩu đội có những yêu cầu về huấn luyện, bảo trì và hậu cần riêng biệt”, Viện Dịch vụ Hoàng gia (RUSI), một tổ chức nghiên cứu về an ninh và quốc phòng có trụ sở ở tại London (Anh) cho biết đầu tháng này.
Các loại pháo phương Tây viện trợ cho Quân đội Ukraine bao gồm pháo kéo M777 của Mỹ, Australia và Canada, và các loại pháo tự hành như Caesar của Pháp và Panzerhaubitze 2000 (hay PzH 2000) của Đức, cũng như M109 của Mỹ và AHS Krab từ Ba Lan.
“Không có hệ thống nào trong số này có điểm chung ở tất cả các khía cạnh. Đạn dược của chúng đáng lẽ phải thay thế được cho nhau… Nhưng thực tế không phải vậy”, ông Jack Watling, đồng tác giả bản báo cáo của RUSI cho biết.
NATO đã cố gắng tiêu chuẩn hóa các thiết bị trong đó có đạn dược - theo các thỏa thuận tiêu chuẩn hóa được gọi là Stanags - để chúng có thể thay thế nhau giữa các quốc gia và hưởng lợi từ mặt kinh tế. Tuy nhiên, những nỗ lực tiêu chuẩn hóa này cũng có một số hạn chế.
NATO có hơn 1.000 Stanags thiết lập các tiêu chuẩn quân sự chung cho các quy trình và vật liệu, nhưng việc thực hiện tiêu chuẩn nào lại tùy thuộc vào mỗi quốc gia đồng minh. Một quan chức NATO cho biết, tại hội nghị thượng ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng trước, các nhà lãnh đạo của liên minh đã đồng ý hỗ trợ Ukraine chuyển đổi từ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí hiện đại của NATO.
Dù vậy, vấn đề không chỉ ở các loại vũ khí khác nhau mà Ukraine được cung cấp. Quân đội nước này cũng phải học cách vận hành và bảo trì các loại vũ khí của phương Tây, vốn phức tạp hơn nhiều so với những vũ khí mà họ đang sử dụng cho đến nay.
Ông Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp cho biết: “Khi chuyển đổi sang các nền tảng không có nguồn gốc từ Liên Xô, họ sẽ phải đối phó với rất nhiều thứ mà trước đây chưa từng có. Rất nhiều vũ khí của Ukraine đã trở thành di sản — những chiếc xe đã 40 năm tuổi mà họ sửa chữa bằng búa và cờ lê… Nếu nghĩ về cách một thợ cơ khí sửa chữa chiếc ô tô hiện đại, với một chiếc máy tính cầm tay có thể kết nối để đọc các cảm biến bên trong xe, thì mọi chuyện sẽ khác”.
Trung tướng Ben Hodges, một cựu chỉ huy của Lực lượng Mỹ ở Châu Âu, hiện đang làm việc cho Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết sự phức tạp là một yếu tố đánh đổi để có được các loại vũ khí hiệu suất tốt hơn.
Thách thức về hậu cần
Theo ông Watling, những yếu tố kể trên vẫn chưa phải là tất cả các vấn đề mà Ukraine phải đối mặt trong việc xử lý các hệ thống pháo khác nhau được phương Tây cung cấp.
Một số là hệ thống có cỡ nòng 39 và một số có cỡ nòng 52, do đó chúng có phạm vi hoạt động khác nhau. Phụ tùng thay thế của các loại pháo này không giống nhau, yêu cầu bảo trì khác nhau, các cơ chế tải và quy trình nạp đạn cũng khác nhau. Yêu cầu về đào tạo vận hành và bảo trì hệ thống cũng như các chuỗi cung ứng linh kiện đều khác nhau.
Do một số hệ thống được cung cấp với số lượng nhỏ, không có đủ số lượng để luân phiên vào-ra chiến trường để bảo trì, do đó chúng sẽ chỉ được thu hồi khi bị hỏng. Nhiều loại pháo với các khả năng khác nhau cũng tạo ra thách thức cho các hệ thống chỉ huy và điều khiển cũng như các chỉ huy trên chiến trường.
Ông Boston cho biết một vấn đề khác là phụ tùng. Với vũ khí từ thời Liên Xô, người Ukraine có thể “xẻ” từ các thiết bị cũ hoặc không còn sử dụng để sửa chữa và thay thế. Với vũ khí của phương Tây, Ukraine “không có phụ tùng nào ngoài những gì họ đã nhận được”.
Trong số các hệ thống pháo của phương Tây, PzH 2000 của Đức là một ví dụ cho thấy thách thức mà Ukraine đối mặt. Quân đội Ukraine cần khoảng 40 ngày huấn luyện để vận hành và bảo trì hệ thống. Với trọng lượng 57 tấn, PzH 2000 cũng nặng hơn hầu hết các thiết bị có nguồn gốc từ thời Liên Xô. Điều đó có nghĩa là một số cây cầu ở Ukraine không đủ kiên cố để chịu được trọng lượng của loại pháo này, từ đó làm phức tạp quá trình đưa chúng ra chiến trường.
Trọng lượng sẽ là một yếu tố cần cân nhắc nếu các quốc gia phương Tây có ý định gửi cho Ukraine xe tăng chiến đấu - nặng tới 60 tấn - mặc dù điều đó dường như sẽ không xảy ra vào thời điểm này.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Ukraine sẽ đối phó tốt hơn với các lực lượng Nga nếu được cung cấp các hệ thống vũ khí mới của phương Tây.
Ông Watling cho rằng, các nước phương Tây nên rút ra bài học với kế hoạch viện trợ quân sự trong tương lai, chẳng hạn như xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh, đồng thời cố gắng hạn chế số lượng các hệ thống khác nhau có thể cung cấp cho Ukraine./.