Ukraine muốn gì từ Mỹ khi mặt trận Kursk ngày càng bỏng rát?
VOV.VN - Ukraine đang gây sức ép mạnh mẽ với chính quyền Tổng thống Joe Biden, buộc nước này cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Kể từ khi phát triển ngành công nghiệp máy bay không người lái (UAV) nội địa, Ukraine đã đẩy mạnh các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, quân sự và giao thông trên đất Nga nhằm ngăn Moscow duy trì chiến sự.
Tháng trước, Ukraine đã tiến hành một cuộc tán công táo bạo xuyên biên giới vào khu vực Kursk của Nga. Các nhà phân tích nhận định, cuộc tấn công có thể khiến Mỹ thay đổi lập trường về việc sử dụng vũ khí tấn công tầm xa, cũng như thay đổi suy nghĩ của phương Tây về hướng đi tiếp theo tại thời điểm này của cuộc chiến.
Danh sách mục tiêu của Ukraine
Ukraine hiện vẫn duy trì quan điểm cho rằng nước này có thể cải thiện tình hình nếu được Mỹ nới lỏng các lệnh hạn chế phạm vi sử dụng vũ khí viện trợ. Mới đây, Kiev đã đưa cho Washington một danh sách các mục tiêu trong lãnh thổ Nga mà họ chỉ có thể tiếp cận bằng vũ khí của Mỹ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các tên lửa tầm xa là cần thiết để bảo vệ đất nước một cách “toàn diện”. Theo ông, Kiev có thể “dập tắt” khả năng Nga thực hiện các đợt tấn công bằng UAV bằng cách phá hủy chúng ngay tại cơ sở quân sự của Nga, trước khi chúng kịp cất cánh.
"Các cuộc tấn công tầm xa có thể bảo vệ Ukraine cần phải thực hiện ngay bây giờ, chứ không phải sau này", ông Zelensky nói.
Cuối tuần trước, nhà lãnh đạo Ukraine đã cử một phái đoàn tới Washington trong một nỗ lực mới nhằm xin phép sử dụng ATACMS bên trong nước Nga. Người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Ukraine Andriy Yermak và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dự kiến sẽ xuất hiện tại Nhà Trắng để trình danh sách các mục tiêu tấn công tiềm năng tới Tổng thống Joe Biden.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington ước tính có khoảng 250 "mục tiêu" quân sự của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS. Phần nhiều trong số đó là căn cứ không quân, kho đạn dược và trung tâm thông tin liên lạc.
Bên cạnh đó, ông George Barros, một nhà phân tích an ninh tại ISW cũng nói thêm rằng tầm bắn tối đa của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất tại Ukraine - loại vũ khí mà Mỹ cho phép Ukraine sử dụng ở Nga trong những trường hợp hạn chế - chỉ có thể đạt tới 20 mục tiêu.
Ukraine cần những loại vũ khí gì?
Tên lửa ATACMS là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ukraine. Trong nhiều tháng, Ukraine đã liên tục thúc giục Mỹ thay đổi chính sách hạn chế việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây ở Nga, đặc biệt là chính sách đối với Hệ thống tên lửa chiến thuật của quân đội (ATACMS).
ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km và có thể mang theo 225 kg đầu đạn phân mảnh được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao như sân bay và địa điểm tên lửa. Tên lửa đất đối đất được Ukraine săn đón nhờ hỏa lực mạnh, tốc độ triển khai và độ chính xác cao. Bên cạnh đó, các tên lửa này có thể được bắn từ các bệ phóng mà Ukraine hiện có.
Các ATACMS mà Ukraine nhận được từ Mỹ bị giới hạn tấn công trong phạm vi khoảng 165km và không thể sử dụng bên ngoài các địa điểm giao tranh với Nga.
Politico cũng trích dẫn lời các quan chức chính quyền Biden vào tháng trước rằng Mỹ "sẵn sàng" cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình JASSM, có thể sử dụng kết hợp với các tiêm kích F-16. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải đợi thêm vài tháng trong khi Mỹ giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi giao hàng.
Các tên lửa JASSM cũ có tầm bắn khoảng 370km, trong khi các phiên bản mới hơn có thể bay xa hơn 800km. Chúng mang đầu đạn nặng 453kg và được thiết kế để tàng hình trước các radar trinh sát.
Ông John Conway, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Felix Defence, cho biết tên lửa JASSM sẽ hiệu quả hơn “người đồng nghiệp” ATACMS trong việc tấn công các mục tiêu được phòng thủ nghiêm ngặt.
JASSM có thể hoạt động trong môi trường mà định vị GPS bị nhiễu sóng, có khả năng bay sát mặt đất và được lập trình để di chuyển theo các tuyến đường tắt nhằm tránh khỏi tầm ngắm của các hệ thống phòng không. Ông Conway cho biết những tính năng này của JASSM sẽ “mở đường” cho Ukraine tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
"Điều này có thể làm thay đổi các kế hoạch tấn công của Nga nhằm ngăn Ukraine “vượt tường lửa”, đồng thời mang đến cho Ukraine cơ hội xuyên thủng hàng phòng thủ của Nga tại các chiến trường nóng bỏng như Kursk", ông Conway nói.
Tình thế bất lợi của Ukraine
Tính đến 5/9, xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra được hơn 920 ngày và tâm điểm nóng nhất đang là Kursk. Sau những thành công ban đầu, bước tiến của Ukraine tại Kursk tại đây đã chậm dần, trong khi ở các mặt trận khác như Donetsk, Pokrovsk, Nga có vẻ đang giành được ưu thế. Ukraine đã giành được hơn 1.000km2 lãnh thổ Nga, song, con số này chưa thấm vào đâu so với 20% lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát.
Tuần trước, Ukraine đã phải hứng chịu đợt ném bom dữ dội nhất từ trước đến nay từ Nga, với hơn một nửa đất nước bị tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal. Ngoài ra, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra tại thành phố lớn thứ hai Ukraine – Kharkov.
Ông Stephen Biddle, giáo sư giảng dạy các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia, cho biết việc Ukraine tấn công trả đũa Nga là “hiển nhiên”, song động thái này cũng có thể “không mang lại kết quả”.
"Nga đã tấn công vào Ukraine suốt hơn một năm qua. Không có gì bất ngờ khi Ukraine đáp trả hoặc yêu cầu đáp trả. Câu hỏi đặt ra là liệu hành động trả đũa này có thể phá vỡ được cục diện bế tắc trên chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine hay không", ông Biddle nói.
Bên cạnh đó, chi phí cũng có thể là một yếu tố khiến Ukraine lo ngại khi quyết định phát triển các loại tên lửa. Theo ông Biddle, vũ khí tầm xa có thể tấn công các mục tiêu sâu như nhà máy lọc dầu nằm trên lãnh thổ nước Nga thường đắt hơn nhiều các vũ khí thông thường.
Trong khi đó, theo luật pháp Mỹ, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine cũng có giới hạn nhất định. Kể từ năm 2022, Washington đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự khổng lồ trị giá khoảng 75 USD, theo nguồn tin từ Politico.
Việc chính quyền ông Joe Biden viện trợ quân sự cho Ukraine đã vấp phải nhiều sự phản đối ngay trong nội bộ, cụ thể là giữa đảng Cộng hòa đối với đảng Dân chủ - đảng xuất thân của Tổng thống. Theo chuyên gia George Barros, giữa lúc cuộc bầu cử Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút và xung đột Nga-Ukraine có thêm một mặt trận mới ở Kursk, Nhà Trắng sẽ cần nhiều thời gian cân nhắc hơn về yêu cầu nới lỏng hạn chế sử dụng vũ khí của Kiev.
Hiện Mỹ vẫn từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công tầm xa sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Cuối tháng trước, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc - Thiếu tướng Pat Ryder cho biết: “Liên quan đến tấn công tầm xa, tấn công sâu vào Nga, chính sách của chúng tôi không thay đổi”.
Chuyên gia Barros cũng cho biết trong lúc “chờ Mỹ thay đổi quyết định”, Ukraine đang thử nghiệm nhiều cách mới trong việc sử dụng UAV và tác phương tiện tác chiến điện tử trên chiến trường. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa đủ sức mạnh để tấn công các mục tiêu “khó nhằn” bên trong lãnh thổ Nga, bao gồm các căn cứ quân sự.