Ukraine như ngồi trên lửa trước tin Iran chuyển tên lửa cho Nga

VOV.VN - Việc Nga có thêm nhiều tên lửa đạn đạo do Iran cung cấp sẽ gia tăng áp lực cho hệ thống phòng không vốn đã rất căng thẳng của Ukraine, vì chúng khó đánh chặn hơn nhiều so với tên lửa hành trình.

WSJ hôm 6/9 dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho hay Iran đã gửi 200 tên lửa đạn đạo tới Nga và Washington đã thông báo cho các đồng minh về động thái này.  

“Chúng tôi đã cảnh báo về mối quan hệ đối tác an ninh ngày càng sâu sắc giữa Nga và Iran kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và rất lo ngại về những báo cáo này. Chúng tôi và các đối tác đã nêu rõ tại hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO vào mùa hè này rằng chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra những biện pháp trừng phạt đáng kể. Việc chuyển giao tên lửa cho Nga cho thấy Iran ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine”, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett cho biết.

Mặc dù Iran đã cung cấp UAV cho Nga trong 2 năm qua, nhưng Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns nói rằng việc Iran cung cấp tên lửa cho Nga sẽ đánh dấu một “sự nâng cấp mạnh mẽ” trong quan hệ quân sự Iran-Nga.

“Đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Nga có thể đã làm một số việc để hỗ trợ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn khi chống lại các mục tiêu trên khắp Trung Đông”, ông Burns phát biểu tại một sự kiện ở London, Anh ngày 7/9.

Các báo cáo về việc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga đã xuất hiện từ lâu và nhưng không phải lúc nào cũng nhất quán.

Tháng10/2022, Washington Post (WP) đưa tin Iran đang chuẩn bị chuyển lô hàng đầu tiên gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar cho Iran.

Tháng 2/2024, Reuters đưa tin Nga đã nhận được “ít nhất 4 lô tên lửa” từ Iran.

Đầu tuần trước, Bloomberg đưa tin rằng Iran sẽ bắt đầu chuyển tên lửa cho Nga “trong vài ngày tới”.

Iran xác nhận gửi tên lửa tới Nga?

Ngay sau khi WSJ đưa tin Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo để Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine, Người phát ngôn của phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York khẳng định: “Iran không tham gia vào các hành động như vậy, nhưng cũng kêu gọi các quốc gia khác ngừng cung cấp vũ khí cho các bên tham gia vào cuộc xung đột”.

Dù vậy, phát biểu với truyền thông Iran ngày 8/9, Nghị sĩ Ahmad Bakhshayesh Ardestani, thành viên Ủy ban an ninh và chính sách đối ngoại Iran xác nhận nước này đang gửi tên lửa đạn đạo cho Nga để đổi lấy đậu nành và lúa mì.

“Chúng tôi lách lệnh trừng phạt thông qua quan hệ đối tác với Nga. Chúng tôi nhập khẩu đậu nành, ngô và các hàng hóa khác từ Nga”, ông Ahmad Ardestani cho biết.

Iran đang chịu lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây hạn chế khả năng tiếp cận các ngoại tiền tệ mạnh, buộc Tehran phải đổi hàng hóa lấy lương thực và nhiên liệu.

“Chúng tôi cung cấp tên lửa cho Hezbollah, Hamas và Hashd al-Shaabi (lực lượng bán quân sự Iraq), vậy tại sao không thể cung cấp cho Nga? Châu Âu bán vũ khí cho Ukraine. Lính NATO cũng có mặt ở Ukraine, vậy tại sao chúng tôi không hỗ trợ đồng minh của mình bằng cách gửi tên lửa và máy bay không người lái (UAV) đến Nga?”, ông Ardestani nói với truyền thông Iran.

Iran có thể gửi tên lửa nào cho Nga?

Cho đến nay, chưa có tên lửa đạn đạo nào của Iran được ghi nhận trong các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, mặc dù các thành phố của nước này đã nhiều lần bị tấn công bằng UAV Shahed do Iran sản xuất kể từ tháng 10/2022.

Các báo cáo gần đây đề cập khả năng Iran chuyển 2 loại tên lửa tầm ngắn Ababil và Fath-360 cho Nga và các quân nhân Nga được cho là đã tham gia khóa đào tạo vận hành ở Iran.

“Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Câu hỏi là Iran cung cấp cho Nga hệ thống cụ thể nào, chúng sẽ mang tính chiến lược hay chiến thuật? Câu trả lời cho câu hỏi này có ý nghĩa quan trọng đối với Ukraine”, ông Fabian Hinz, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói với Kyiv Independent.

Các hệ thống chiến thuật có khả năng gây ra nhiều mối đe dọa hơn đối với Lực lượng vũ trang Ukraine. Ababil và Fath-360 có tầm bắn lần lượt là 86 km và 120 km. Mục tiêu mà Nga có thể tấn công bằng các tên lửa này sẽ chỉ hạn chế ở gần biên giới và tiền tuyến.

“Nhiều khả năng chúng sẽ được sử dụng cho các mục tiêu gần tiền tuyến như trung tâm hậu cần, sở chỉ huy, doanh trại, kho nhiên liệu”, ông Hinz cho biết.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar có tầm bắn lần lượt là 300km và 700km và được phân loại là tên lửa chiến lược. Nếu Iran cung cấp những tên lửa này cho Nga, về cơ bản, Moscow có thể “tấn công sâu bên trong lãnh thổ Ukraine”.

“Tầm bắn của Zolfaghar thực tế lớn hơn một chút so với Iskander của Nga. Do đó, Nga có thể sử dụng chúng để nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine”, ông Hinz nói.

Tầm bắn và mức độ phá hủy do tên lửa đạn đạo như vậy gây ra đã được chứng minh khi Nga sử dụng Iskander tập kích Poltava hôm 3/9.

Điều đáng chú ý là ngay cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhất của Iran cũng có thể vươn tới các thành phố như Kharkov, nơi chỉ cách biên giới Nga 30km.

Mối đe dọa tiềm tàng từ tên lửa Iran

Theo ông Hinz, bất kể là loại tên lửa nào, với chương trình tên lửa mở rộng của mình, Iran cũng có khả năng cung cấp cho Nga với số lượng lớn.

“Năng lực của Iran đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây và họ có thể cung cấp số lượng mà Nga mong muốn”, ông Hinz nhận định.

Theo ông, mặc dù khó có khả năng Nga cạn kiệt tên lửa đạn đạo do nước này sản xuất, nhưng trong một cuộc xung đột kéo dài Moscow cần có càng nhiều tên lửa càng tốt từ bất cứ nơi nào có thể cung cấp.

Việc Nga có nhiều tên lửa đạn đạo hơn sẽ gia tăng áp lực cho hệ thống phòng không vốn đã rất căng thẳng của Ukraine, vì chúng khó đánh chặn hơn nhiều so với tên lửa hành trình.

Tên lửa đạn đạo chỉ được dẫn đường trong giai đoạn đầu sau khi phóng, vì vậy chúng có thể kém chính xác hơn tên lửa hành trình nhưng lại có lợi thế về tốc độ – có thể lên tới hơn 3.200 km/giờ khi tiếp cận mục tiêu.

Do tốc độ cao, chỉ có các hệ thống phòng không tiên tiến nhất mới có khả năng đánh chặn chúng, trong đó có hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Ukraine có ít nhất 4 hệ thống Patriot, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết họ cần 25 hệ thống để bảo vệ bầu trời trên toàn quốc.

“Ukraine có một vài hệ thống phòng không Patriot, nhưng số lượng tên lửa đánh chặn rất hạn chế nên việc Nga có được số lượng lớn tên lửa từ Iran sẽ tạo ra thách thức lớn”, ông Hinz cho hay.

Đây cũng là một thách thức rất tốn kém: theo các báo cáo, một tên lửa đánh chặn Patriot có thể có giá từ 2-4 triệu USD, gần bằng giá của một số tên lửa đạn đạo mà chúng bắn hạ.

Cũng cần xem xét một yếu tố khác về tên lửa của Iran: độ chính xác của chúng. Theo đánh giá của Mỹ, trong cuộc tấn công vào Israel hồi tháng 4, khoảng 50% tên lửa mà Iran phóng đi đã thất bại hoặc bị rơi trước khi đến mục tiêu. Những tên lửa rơi xuống đã trượt mục tiêu trung bình 1.200 mét.

Dù vậy, theo ông Hinz, một tên lửa bắn phóng mục tiêu ở Ukraine dù trượt 1.200 mét, vẫn sẽ bắn trúng mục tiêu khác ở Ukraine.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ukraine có thể “xôi hỏng bỏng không” nếu mắc sai lầm ở 2 mặt trận then chốt
Ukraine có thể “xôi hỏng bỏng không” nếu mắc sai lầm ở 2 mặt trận then chốt

VOV.VN - Bằng cách chiếm lãnh thổ ở Kursk, Ukraine hy vọng có thể làm chuyển hướng quân đội Nga khỏi Pokrovsk. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra.

Ukraine có thể “xôi hỏng bỏng không” nếu mắc sai lầm ở 2 mặt trận then chốt

Ukraine có thể “xôi hỏng bỏng không” nếu mắc sai lầm ở 2 mặt trận then chốt

VOV.VN - Bằng cách chiếm lãnh thổ ở Kursk, Ukraine hy vọng có thể làm chuyển hướng quân đội Nga khỏi Pokrovsk. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra.

Kịch bản tệ nhất Ukraine có thể đối mặt sau khi tấn công Kursk
Kịch bản tệ nhất Ukraine có thể đối mặt sau khi tấn công Kursk

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, kịch bản tệ nhất mà Ukraine có thể phải đối mặt là vừa mất đi số lượng đáng kể các vùng lãnh thổ ở phía Đông vừa không giữ được lãnh thổ ở Kursk mà vốn nước này định dùng để làm quân bài mặc cả.

Kịch bản tệ nhất Ukraine có thể đối mặt sau khi tấn công Kursk

Kịch bản tệ nhất Ukraine có thể đối mặt sau khi tấn công Kursk

VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, kịch bản tệ nhất mà Ukraine có thể phải đối mặt là vừa mất đi số lượng đáng kể các vùng lãnh thổ ở phía Đông vừa không giữ được lãnh thổ ở Kursk mà vốn nước này định dùng để làm quân bài mặc cả.

Rộ tin Iran cung cấp tên lửa cho Nga, Mỹ và châu Âu đứng ngồi không yên
Rộ tin Iran cung cấp tên lửa cho Nga, Mỹ và châu Âu đứng ngồi không yên

VOV.VN - Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, lô hàng mới nhất Iran chuyển cho Nga bao gồm vài trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tehran có nhiều loại vũ khí như vậy, với tầm bắn lên tới khoảng 800km.

Rộ tin Iran cung cấp tên lửa cho Nga, Mỹ và châu Âu đứng ngồi không yên

Rộ tin Iran cung cấp tên lửa cho Nga, Mỹ và châu Âu đứng ngồi không yên

VOV.VN - Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, lô hàng mới nhất Iran chuyển cho Nga bao gồm vài trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tehran có nhiều loại vũ khí như vậy, với tầm bắn lên tới khoảng 800km.