Ukraine sẽ đối mặt với tình thế nào nếu Mỹ ngừng hỗ trợ quân sự?
VOV.VN - Một cuộc xung đột đóng băng có thể không phải kịch bản lý tưởng ít nhất là với Ukraine nhưng sẽ tốt hơn một là một chiến thắng của Nga. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng và cùng đảng Cộng hòa chấm dứt sự hỗ trợ cho Kiev.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ đã cắt giảm gần như tất cả sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Kiev đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng. Nga đã cố gắng giành lợi thế và đạt được một số thành quả khi chiếm được thị trấn Avdiivka vào tháng 2/2024 và tiến hành một cuộc tấn công vào tỉnh Kharkov hồi tháng 5/2024.
Tuy nhiên, các lực lượng của Nga vẫn chưa có nhiều bước tiến qua Avdiivka hoặc kiểm soát toàn bộ thị trấn Chasov Yar mặc dù Ukraine đã tái triển khai một số lực lượng ở những nơi này để bảo vệ Kharkov. Nga có thể đạt thêm thành quả nhưng sẽ khó đạt được đột phá khi các lực lượng của Ukraine nhận thêm đạn dược từ Mỹ sau thời gian dài bị trì hoãn.
Trong khi đó, cuộc tấn công của Nga vào Kharkov đã chững lại khi đối mặt với sự phản kháng dữ dội của Ukraine và việc chính quyền Tổng thống Biden nới lỏng hạn chế, từng ngăn cản Kiev sử dụng các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp để nhắm vào các lực lượng của Nga tập trung bên kia biên giới. Theo Washington Post, "các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các tuyến tiếp tế của Nga" đã khiến các đơn vị của Moscow gặp khó khăn về lương thực, nước uống và đạn dược, cản trở cuộc tấn công của nước này vào Kharkov ở phía Bắc. Một lần nữa, điều thường xảy ra trong xung đột lại diễn ra, đó là phòng thủ bao giờ cũng dễ dàng hơn tấn công.
Kimberly Kagan, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington nhận định: "Thật bất ngờ, Nga không thể khôi phục cuộc tấn công ở cấp độ chiến dịch trên chiến trường Ukraine năm 2024 bất chấp sự trì hoãn nghiêm trọng và kéo dài trong việc Mỹ cung cấp hỗ trợ quân sự”.
Nhà phân tích Michael Kofman thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế thì viết trên mạng xã hội X rằng: "Ukraine đối mặt với những tháng giao tranh khó khăn phía trước nhưng tình hình tiền tuyến đã tốt hơn mùa xuân".
Mối nguy lớn nhất của Ukraine
Theo Washington Post, mối nguy hiểm lớn nhất với Ukraine lúc này không đến từ cuộc tấn công mặt đất của Nga mà đến từ trên không. Nhà phân tích Kofman cho biết: "Ukraine đang thiếu đạn pháo cho các hệ thống phòng không thời Liên Xô trong khi tỷ lệ sản xuất tên lửa và UAV của Nga đã tăng đáng kể".
Nga đạt được thành công nhất định trong những tháng gần đây khi nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các quan chức Ukraine tiết lộ những cuộc tấn công của Nga đã gây thiệt hại cho 9 trong số 18 gigawatt điện mà nước này cần để sử dụng vào lúc cao điểm mùa đông. Ukraine đang cắt điện luân phiên và có thể chỉ cung cấp điện trong 5 tiếng một ngày vào mùa đông. Các quan chức Ukraine cũng nói rằng kể từ khi xung đột nổ ra, họ cần thêm các hệ thống phòng không để bảo vệ không chỉ các thành phố và cơ sở hạ tầng mà còn cả các vị trí trên tiền tuyến. Quân đội Ukraine đã chịu tổn thất đáng kể do bom lượn của Nga khi những quả bom thông thường được trang bị cánh và bộ dẫn đường để biến thành vũ khí chính xác.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước, các nước thành viên thông báo sẽ cung cấp thêm hàng chục hệ thống phòng không mới cho Ukraine, trong đó có ít nhất 4 hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất - hệ thống được cho là hiệu quả nhất để ngăn chặn tên lửa Nga. Đợt vận chuyển tiêm kích F-16 sắp tới từ Hà Lan và Đan Mạch cũng sẽ giúp ích cho Kiev khi các chiến đấu cơ này có thể truy đuổi các tiêm kích Nga triển khai bom lượn. Khả năng của Ukraine cũng sẽ được tăng cường nếu Tổng thống Biden nới lỏng các quy định cho phép Kiev sử dụng các hệ thống vũ khí của Mỹ để nhắm vào căn cứ không quân Nga.
Bất chấp triển vọng của Ukraine được cải thiện, hầu như không có dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột hiện nay sẽ chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Tổng thống Putin đã tuyên bố ông không quan tâm đến lệnh ngừng bắn và Nga sẽ không dừng chiến đấu cho đến khi Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, phi phát xít hóa và công nhận 4 vùng lãnh thổ Nga sáp nhập. Tóm lại, Moscow vẫn yêu cầu sự đầu hàng hoàn toàn từ phía Ukraine.
Tình thế của Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ
Cho tới nay, phương Tây vẫn duy trì sự ủng hộ cho Ukraine và tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước, các thành viên tuyên bố Kiev đang trên "con đường không thể đảo ngược" để trở thành thành viên NATO. Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể thay đổi nếu cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng và người được ông chọn làm ứng viên tranh cử phó tổng thống - Thượng nghị sĩ J.D. Vance thường phản đối mạnh mẽ sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
Ông Trump vẫn tiếp tục tuyên bố về việc mình có khả năng chấm dứt xung đột ở Ukraine, ngay cả khi ông chưa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc buộc Ukraine phải từ bỏ thêm lãnh thổ cho Nga, nếu không thì Washington sẽ cắt viện trợ. Để tồn tại, Ukraine cần tiếp tục nhận viện trợ từ Mỹ. Gói viện trợ hiện tại sẽ cạn kiệt vào cuối năm nay.
Nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine, những cuộc tấn công tăng cường của Nga là điều không thể tránh khỏi và chỉ riêng châu Âu sẽ không thể sản xuất đủ đạn pháo cũng như các loại đạn dược khác để hỗ trợ Kiev tiếp tục chiến đấu. Tuy nhiên, nếu sự hỗ trợ của Mỹ tiếp diễn, Ukraine có thể bảo vệ các vùng lãnh thổ, chủ yếu dựa vào phòng thủ nhưng cũng có thể tận dụng cơ hội để phản công.
"Sau một năm bế tắc, mọi thứ dường như rất khác và một vài hình thức ngừng bắn dù là chính thức hay không chính thức, có thể xảy ra. Các kênh liên lạc hiện có hoặc những hiểu biết không chính thức có thể dẫn đến một cuộc đối thoại có cấu trúc hơn về một điều gì đó chính thức, chẳng hạn như một lệnh ngừng bắn thực sự. Sau đó cả hai bên bắt đầu ráo riết chuẩn bị cho cuộc giao tranh tiếp theo".
Một cuộc xung đột đóng băng có thể không phải kịch bản lý tưởng, ít nhất là với Ukraine nhưng sẽ tốt hơn là một chiến thắng của Nga. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng và cùng đảng Cộng hòa chấm dứt sự hỗ trợ cho Kiev.