Ukraine tấn công Kursk có làm thay đổi tương quan lực lượng với Nga?
VOV.VN - Cuộc đột kích bất ngờ của Ukraine vào Kursk đã cho thấy khả năng triển khai quân đáng kinh ngạc của Ukraine, đồng thời khiến Nga bộc lộ nhiều điểm yếu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán kết quả của cuộc xung đột giữa hai nước.
Hôm 6/8, quân đội Kiev đã thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng vào khu vực Kursk của Nga bằng xe tăng và các đơn vị cơ giới – một cuộc tấn công không ai có thể lường trước được, đặc biệt là Điện Kremlin. Đến thời điểm này, quân đội Ukraine đã tiến sâu tới 30km vào bên trong lãnh thổ Nga. Đây được xem là bước tiến xa nhất và đáng kể nhất của Kiev kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra hồi tháng 2/2022.
Trong bài phát biểu tối 11/8, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố cuộc tấn công lần này là “một đòn đáp trả đối với Nga”. Chỉ trong mùa hè này, Nga đã tiến hành 2.000 cuộc tấn công xuyên biên giới từ vùng Kursk, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết.
"Pháo binh, súng cối, máy bay không người lái và tên lửa đã được Nga sử dụng để tấn công Ukraine. Mỗi cuộc tấn công như vậy đều đáng được đáp trả công bằng", ông Zelensky nói.
Ukraine chứng tỏ khả năng quân sự
Theo nhà báo Ian Birrell của tờ The Daily Mail, Ukraine đã chuẩn bị tốt trước đi tiến hành đột kích, bắt đầu bằng các nỗ lực tấn công mạng nhằm làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc và khả năng di chuyển của máy bay không người lái Nga, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của hỏa lực pháo binh. Tham gia vào cuộc tấn công là lực lượng quân sự chính quy của Ukraine, thay vì lực lượng dân quân chưa được đào tạo bài bản.
Các đoàn xe vận tải của Nga đã vội vã tiếp ứng sau khi biên giới bị tấn công, nhưng đã bị ngăn cản bởi các bãi mìn do Ukraine sắp đặt từ trước. Các phương tiện truyền thông cũng cho thấy nhiều xe tăng và binh lính Ukraine đang tiến vào Kursk, đồng thời bắt giữ một số lượng nhất định nhân lực của đối phương.
“Những điều này đều cho thấy một khả năng lập kế hoạch hoạt động ấn tượng. Cuộc đột kích lần này có nhiều điểm tương đồng với cuộc tiến quân nhanh chóng của Ukraine hồi 2 năm trước nhằm chiếm lại phần lớn khu vực Kharkov. Rõ ràng, sự bất ngờ đã giúp Ukraine giành lại hi vọng trong bối cảnh cục diện tại Pokrovsk đang bế tắc”, ông Birrell viết.
Ông Ivan Kyrychevsky, nhà bình luận quân sự của trang Defense Express, cho biết sự im lặng của Ukraine trước chiến dịch tấn công Kursk đã giúp cho chiến dịch này thành công, trái với việc Ukraine liên tục đưa ra những thông tin về cuộc phản công vào năm ngoái nhưng không thu được nhiều thắng lợi.
Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi liệu đây có phải là bước tiến đúng đắn về lâu dài của Ukraine hay chỉ là hành động câu kéo thời gian nhằm buộc Moscow phân tán lực lượng khỏi vùng chiến sự mà Kiev đang tỏ ra yếu thế. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng, cuộc tấn công này đã phá tan nhiều đồn đoán về việc Ukraine sa lầy trong cuộc giao tranh với Nga khi quân đội Moscow đang có những thành quả nhất định ở miền đông nước này.
Theo ông Birrell, Kiev đã chứng minh năng lực quân sự của mình một lần nữa khi được trang bị đủ vũ khí hiện đại – giống như với những chiến thắng đáng kinh ngạc của họ trước hạm đội Biển Đen của Nga. Tại đây, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa để đánh chìm hoặc làm hư hại 1/3 số tàu Nga, buộc số còn lại phải rút ra khỏi bán đảo Crimea.
Quân đội Nga bộc lộ điểm yếu
Đến thời điểm này, Moscow đã nắm giữ lợi thế lớn trong cuộc giao tranh vì mặt trận nằm tại Ukraine, giúp nước này không cần tập trung các nguồn lực quân sự để bảo vệ biên giới của mình. Lợi thế chiến trường của Nga được củng cố suốt nhiều tháng nhờ vào giới hạn sử dụng vũ khí của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine. Với việc các nước này “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí viện trợ, Kiev đang có cơ hội để đảo ngược lợi thế vốn có của Moscow.
Cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine đã khiến Nga rơi vào bị động và bộc lộ điểm yếu của cấu trúc chỉ huy theo kiểu Liên Xô từ trên xuống dưới dưới, chuyên gia Birrell nhận định. Trong khi đó, nhà báo Nick Connolly của hãng tin DW News cho rằng “lợi thế về nhân lực của Nga có thể trở thành điểm yếu” do “những binh đoàn quy mô lớn khó có khả năng thích ứng nhanh nhạy với những thay đổi”.
Trước đó, vào tuần trước, một quan chức Ukraine giấu tên cũng cho, "có vẻ như người Nga gặp vấn đề về phối hợp và chuẩn bị hành động".
Chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ukraine sẽ tiếp tục tấn công Nga để đổi lấy các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, hay nước này sẽ rút lui sau cuộc đột kích để Nga buộc phải tăng cường phòng thủ dọc biên giới.
Theo ông Birrell, có thể thấy Ukraine đang nỗ lực chứng minh cuộc tấn công Kursk là một “quyết định đúng đắn” trong nỗ lực “duy trì sự hiện diện trên tiền tuyến”. Chiến thuật này của Ukraine từng được khẳng định bởi chiến lược gia người Phổ Carl von Clausewitz, “đòn đánh của đối phương phải được đáp trả tương xứng và một chiến dịch phòng thủ thành công có thể được tiến hành bằng nhiều cuộc tấn công”.