Ukraine trước tình thế cam go và phép thử giới hạn của phương Tây
VOV.VN - Một tháng kể từ khi cuộc phản công mùa xuân được dự đoán từ lâu diễn ra, Ukraine hầu như không đạt được nhiều đột phá trong khi Nga tuyên bố đã gây tổn thất đáng kể cho đối phương.
Tình thế cam go của Ukraine
Với việc cả hai bên đều bước vào giai đoạn tiêu hao ở mức độ cao trong xung đột, liệu Ukraine đang đối mặt với thực tế khó khăn khi không có đủ nguồn lực để vượt qua các phòng tuyến kiên cố của Nga hay sự kiên nhẫn là một yếu tố then chốt trong chiến lược của họ?
Các cuộc tấn công quân sự thường đòi hỏi việc lên kế hoạch chi tiết nhưng thành công thường đạt được bằng cách nắm thế chủ động, khai thác những cơ hội chớp nhoáng để tấn công vào điểm yếu hoặc sai lầm của đối phương, đồng thời tiếp tục tiến công trước khi đối phương có cơ hội củng cố nguồn lực.
Ukraine đang phụ thuộc lớn vào vũ khí và đạn dược phương Tây. Kiev cần vũ khí tiên tiến từ Mỹ và đồng minh để hỗ trợ cuộc phản công hiện nay, trong đó có xe tăng hiện đại, các vũ khí tấn công chính xác tầm xa và các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, việc vận chuyển các vũ khí này và các khóa huấn luyện vận hành quan trọng đều cần thời gian.
Giới quan sát cho rằng không giống như tình hình ở Đông Bắc Ukraine mà cụ thể là Kharviv - nơi Ukraine tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 9 năm ngoái và tuyên bố giành lại khoảng 12.000 km vuông lãnh thổ, trong chiến dịch lần này, Nga đã biết trước về cuộc phản công của Kiev và có nhiều tháng chuẩn bị phòng thủ.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Sean Bell nhận định trên Skynews rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vô tình tạo nên kỳ vọng ở phương Tây về một chiến thắng quyết định và nhanh chóng.
Moscow đã xây dựng hàng trăm km phòng tuyền nhiều lớp, trong đó có các hào chiến chống tăng, tuyến phòng thủ răng rồng và các bãi mìn.
Trên thực tế, tất cả những chướng ngại vật trên đều có thể vượt qua nhưng việc tạo nên một hành lang sạch mìn để các lực lượng tấn công di chuyển tới các vị trí có thể đoán trước sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley từng nhận định rằng cuộc tấn công của Ukraine sẽ diễn ra "chậm và đẫm máu".
Theo Skynews, ngay cả với sự ủng hộ của phương Tây, trong giai đoạn đầu của cuộc phản công, Ukraine dự kiến sẽ phải chịu thương vong lớn gấp 3 lần so với Nga. Điều này sẽ tạo nên thách thức lớn cho tinh thần chiến đấu của các lực lượng Kiev. Vì thế, nhà quan sát Sean Bell cho rằng Ukraine phải tránh một cuộc xung đột tiêu hao bởi cuối cùng, lợi thế sẽ nghiêng về phía Nga với lực lượng lớn hơn.
Trong khi đó, theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Nga sẽ không lùi bước và không để Ukraine nắm thế chủ động.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn tập trung vào Donbass và theo một số bài báo, hàng nghìn binh lính Nga đang tập trung để sẵn sàng tấn công vào khu vực Kreminna.
Đây sẽ là bàn đạp quan trọng để Nga kiểm soát Donbass cũng như tạo nên tình thế cam go cho Ukraine bởi Kiev sẽ phải lựa chọn giữa việc chuyển hướng lực lượng để bảo vệ Donbass hay tiếp tục tấn công để làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga ở phía Nam.
Phép thử giới hạn của phương Tây
Cuộc phản công lần này là thời điểm then chốt cho Ukraine. Sự ủng hộ của phương Tây không phải là không giới hạn, trong khi nguồn cung vũ khí công nghệ cao sẵn có đang hạn chế và sức ép ở các nước hỗ trợ Ukraine ngày càng gia tăng.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Ukraine muốn bắt đầu chiến dịch phản công "sớm hơn nhiều" nhưng cần “vũ khí và phương tiện thực hiện". Ông tiết lộ, quân đội Ukraine thậm chí không thể "nghĩ đến việc bắt đầu" cuộc tấn công bởi họ không có "vũ khí phù hợp". Tổng thống Ukraine cũng giải thích Kiev hiểu rõ việc trì hoãn sẽ làm chậm tiến độ phản công. Theo ông Zelensky, cuộc phản công có thể được tăng tốc nếu Ukraine có nhiều pháo và tên lửa tầm xa hơn. Ông Zelensky cũng một lần nữa kêu gọi Mỹ cung cấp tiêm kích F-16.
Dù vậy, các đợt vận chuyển vũ khí cho Ukraine từ các nhà cung cấp chủ chốt như Mỹ, Đức và Anh không đáp ứng các cam kết mà những nước này đưa ra, thậm chí cả khi các lực lượng của Kiev cần đến chúng. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel tại Đức: "Nhìn chung, chỉ hơn một nửa vũ khí hạng nặng đã cam kết được cung cấp".
Ukraine cần tìm cách vượt qua các bãi mìn mà Nga bố trí và nhanh chóng tiến công. Đạn chùm có thể là một giải pháp lỳ tưởng bởi Mỹ có nguồn cung lớn và việc huấn luyện để sử dụng chúng không mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đạn chùm bị 120 quốc gia cấm. Một số quả bom chùm không nổ sau khi kích hoạt, để lại số lượng lớn bom chưa kích nổ, sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho dân thường. Hơn 98% những người bị thương do bom chùm là dân thường trong những thập kỷ qua sau khi chúng được sử dụng.
Ngoài ra, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau có thể cũng tác động đến sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine, vì thế Tổng thống Zelensky hiểu rõ cuộc phản công lần này sẽ có vai trò quyết định đến kết quả xung đột. Thành công của Ukraine có lẽ sẽ được quyết định bằng việc giành lại các vùng lãnh thổ nhưng Kiev chưa lấy được đà tiến công và có thể mất đi thế chủ động.
Chỉ Tổng thống Zelensky và giới chức Ukraine biết được liệu chiến lược của họ có hiệu quả hay không. Trên thực tế Kiev đang đối mặt với thách thức to lớn và thành công không phải điều có thể thấy trước.