Ukraine: Vì sao ông Yanukovich bị phế truất?
VOV.VN - Ngày 22/2, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu phế truất Tổng thống Viktor Yanukovich.
Quyết định này được đưa ra chỉ chưa đầy 4 tháng sau khi ông Yanukovich quyết định ngừng việc ký kết Hiệp định thương mại song phương với Liên minh châu Âu (EU) và quay sang thỏa thuận với Nga.
Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan liên quan đến việc ông Yanukovich bị phế truất.
Người biểu tình Ukraine tuyên bố đã chiếm được Kiev (Ảnh AP) |
Cuộc biểu tình của người dân Ukraine được nhen nhóm từ việc Tổng thống Yanukovich ngày 25/11 đã tuyên bố sẽ không ký kết Hiệp định thương mại song phương với EU trong cuộc gặp thượng đỉnh với EU ngày 29/11 như dự định ban đầu.
Tổng thống Yanukovich nhấn mạnh việc từ chối ký kết hiệp định này là “rất khó khăn” nhưng “không thể tránh khỏi” và khẳng định rằng các quy tắc mà EU đưa ra là quá cứng rắn đối với một nền kinh tế đang rất “mong manh” như Ukraine. Ông Yanukovich cũng cam kết sẽ tạo ra “một xã hội Ukraine theo đúng tiêu chuẩn châu Âu”.
Việc thay đổi quyết định vào phút chót của ông Yanukovich dù được Nga hết sức tán thành nhưng đã gây phẫn nộ đối với phần đông người dân Ukraine và các nước phương Tây, vốn đã chờ đợi một kịch bản về một EU mở rộng sang phía Đông mà Ukraine được kỳ vọng là sẽ đóng vai trò then chốt.
Việc quay sang ký kết với Nga sẽ giúp cho Ukraine nhận được khoản viện trợ rất “hậu hĩnh” mà không kèm theo bất kỳ một điều kiện ngặt nghèo nào từ EU, vốn chỉ có thể lo được khoản tiền 610 triệu USD cho Ukraine.
Trong khi đó Nga cam kết tài trợ số tiền 3 tỷ USD cho Ukraine đồng thời dành khoản tiền 15 tỷ USD để mua trái phiếu từ nước này. Hơn thế nữa, Nga còn hứa sẽ giảm 1/3 tiền giá khí đốt mà Ukraine mua từ Nga.
Lời đề nghị hấp dẫn trên từ Nga đã khiến ông Yanukovich “mềm lòng”, nhất là khi ông được người Nga trấn an ông rằng Nga coi Ukraine là đồng minh quan trọng và là nhân tố quyết định cho mục tiêu mở rộng Liên minh Kinh tế Á-Âu (Eurasian).
Tuy nhiên, ông Yanukovich không ngờ rằng, những tính toán tưởng chừng hoàn toàn lý trí của ông nhằm mang lại lợi ích nhìn thấy đượccho Ukraine lại có lúc trở thành “đòn chí mạng” khiến ông phải sớm rời khỏi vị trí quyền lực nhất tại quốc gia Đông Âu này.
Người dân Ukraine đang say sưa với ước vọng về một Ukraine với những “giấc mơ châu Âu” đẹp đẽ đã buộc tội ông Yanukovich là người “tiền hậu bất nhất”.
Ban đầu, khi cuộc biểu tình chưa rầm rộ và có phần hạn chế tại thủ đô Kiev, ông Yanukovich đã đưa ra một chính sách thoạt nhìn tưởng chừng rất khôn ngoan.
Một mặt, ông yêu cầu lực lượng quân đội và cảnh sát Kiev hết sức kiềm chế và không được trấn áp người biểu tình. Mặt khác ông xoay xở tìm kiếm sự ủng hộ của Nga.
Tổng thống Yanukovich tại Kharkiv (Ảnh AP) |
Toan tính ấy ban đầu tỏ ra khá hiệu quả, khi người biểu tình dù đã chiếm được nhiều toà nhà Chính phủ và nhiều con đường và Quảng trường Độc lập tại trung tâm thủ đô Kiev đã dần dần mất đi nhiệt huyết.
Có những lúc, con số người biểu tình đã suy giảm rõ rệt chỉ còn vài nghìn người nhất là trong những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014 lạnh buốt tại Ukraine.
Mặc dù thủ lĩnh biểu tình Vitaly Klitschko vẫn tuyên bố sẽ tranh đấu đến cùng, nhiều người đã tin rằng việc Ukraine thân thiện với quĩ đạo Nga là một lẽ đương nhiên và EU sẽ không thể làm gì khác để thay đổi.
Tuy nhiên, trong giây phút quan trọng nhất, ông Yanukovich đã không hành động gì thêm mà chọn giải pháp... chờ đợi.
Chính sự chậm trễ đưa ra quyết định trong thời khắc sống còn này đã quyết định sinh mạng chính trị của ông Yanukovich.
Phương Tây kích động, Tổng thống Yanukovich “buông xuôi”
Nhận thấy Chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục “im hơi lặng tiếng”, EU đã đẩy mạnh việc “tiếp thêm sinh khí” cho các cuộc biểu tình tại Ukraine khi đưa một loạt các quan chức cao cấp của mình “xuống đường” cùng với người biểu tình.
Bên cạnh đó, các quan chức EU và Mỹ cũng đã liên tục gây sức ép với Chính phủ Ukraine khi tuyên bố sẽ đưa ra các lệnh trừng phạt đối với nước này nếu Chính phủ trấn áp người biểu tình.
Trong tình thế bị kìm kẹp, chèn ép cả từ bên trong lẫn bên ngoài và không còn nhận được nhiều sự ủng hộ của Nga do thái độ lưỡng lự thiếu quyết đoán của mình, ông Yanukovich đã dần dần buông xuôi.
Đỉnh điểm của việc này chính là khi ông đề nghị trao chức Thủ tướng cho thủ lĩnh khối Đảng "Batkivshina" đối lập Arseniy Yatsenyuk và trao chức Phó Thủ tướng cho ông Vitali Klitschko, thủ lĩnh Đảng UDAR đối lập.
Việc “mời gọi” phe đối lập nên nắm vị trí trong Chính phủ Ukraine ngay sau khi Thủ tướng nước này Mykola Azarov quyết định từ chức đã khiến vị thế trong chính trường Ukraine của ông Yanukovich suy yếu nghiêm trọng.
Quốc hội Ukraine, một thời là chỗ dựa cho ông Yanukovich vượt qua nhiều thời điểm căng thẳng nhất khi các cuộc biểu tình đang diễn ra, đã không còn tin tưởng ông nữa.
Trước khi bỏ phiếu phế truất ông Yanukovich, Quốc hội Ukraine ngày 21/1 cũng đã hông qua luật khôi phục bản Hiến pháp năm 2004, trong đó hạn chế đáng kể quyền hạn của Tổng thống và tăng quyền cho cơ quan lập pháp.
Quốc hội nước này sau đó còn thông qua một nghị quyết yêu cầu thả tự do ngay lập tức cho bà Yulia Tymoshenko, đối thủ chính trị lớn của ông Yanukovich.
Bà Tymoshenko phát biểu trước đám đông biểu tình ngay sau khi được thả tự do (Ảnh AP) |
Ngay khi vừa được thả ngày 22/2, bà Tymoshenko đã tuyên bố Ukraine sẽ sớm gia nhập EU. Một lời tuyên bố khiến cho nhiều người nhớ đến cuộc Cách mạng Cam diễn ra từ cuối tháng 12/2004 đến đầu tháng 1/2005 mà bà là một trong số những người đã tham gia khởi xướng.
Tuy vậy, diễn biến ở Ukraine sẽ còn phức tạp khó lường và nó có phần phụ thuộc vào thái độ của Nga, Mỹ và Châu Âu.
Ảnh hưởng của EU đến Ukraine là khá mạnh mẽ nhưng với việc ông Yanukovich đã kịp rời đến thành phố Kharkiv, phía đông Ukraine nơi sự ủng hộ của ông vẫn còn nhiều, nhiều người tin rằng cuộc chiến Đông-Tây giờ mới đi đến đỉnh điểm./.