Vai trò đặc biệt của Ấn Độ khi làm bạn với cả Nga và phương Tây
VOV.VN - Với Ấn Độ, việc duy trì lập trường cân bằng trong cuộc xung đột ở Ukraine ngày càng trở nên khó khăn nhưng vai trò đặc biệt của New Delhi khi làm bạn với cả Nga và phương Tây có thể khiến nước này trở thành một bên trung gian hòa giải quan trọng, các chuyên gia nhận định.
“Làm bạn” với cả Nga và phương Tây
Khi xung đột bắt đầu nổ ra ngày 24/2, New Delhi nhanh chóng hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Nhưng Ấn Độ cũng tránh tham gia vào việc chỉ trích Nga tại Liên Hợp Quốc - một lập trường mà chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cho rằng phù hợp với chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng truyền thông Times Now của Ấn Độ, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết New Delhi sẽ không phục vụ cho nhu cầu của những người khác.
Khi xung đột ở Ukraine leo thang, tình trạng thiếu lương thực và năng lượng toàn cầu thúc đẩy Ấn Độ đánh giá lại lập trường với Nga. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan, ông Modi nhận định với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng: "Tôi biết rằng, kỷ nguyên ngày nay không phải kỷ nguyên chiến tranh và tôi đã điện đàm trao đổi với ông về việc này".
Thủ tướng Ấn Độ cũng nhắc lại lập trường trên tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali cách đây vài tuần.
"Chúng ta phải tìm ra cách quay trở lại con đường ngoại giao và hướng tới lệnh ngừng bắn ở Ukraine".
Vivek Mishra, học giả tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ORF) tại New Delhi nhận định: "Trong 10 tháng qua, chúng ta thấy lập trường trung gian hòa giải của Ấn Độ trong cuộc xung đột này ngày càng gia tăng, Điều đó thể hiện qua việc New Delhi gián tiếp nói với Moscow rằng đã đến lúc chấm dứt xung đột. Trong năm tới, Ấn Độ là nước chủ tịch G20, điều đó tức là vai trò của New Delhi trong việc làm trung gian hòa giải để chấm dứt xung đột sẽ ngày càng hiệu quả hơn", nhà quan sát này đánh giá.
Ấn Độ sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch G20 từ Indonesia ngày 1/12 và sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 tiếp theo vào năm 2023. John-Joseph Wilkins, học giả tại Hội đồng Đối ngoại của Đức cho biết với trách nhiệm mới này, Ấn Độ sẽ tập trung hơn vào việc bảo vệ sự tự trị chiến lược của mình.
"Ấn Độ luôn duy trì lập trường cân bằng trong quan hệ giữa các cường quốc. Năm nay, chúng ta chứng kiến chính sách đối ngoại của nước này có lẽ đã chấp nhận hình thức nâng cấp của lập trường không liên minh. Điều này có tiềm năng làm gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của New Delhi trong thời gian tới”.
Một số nhà quan sát đặt ra câu hỏi, liệu sự phát triển trong lập trường của Ấn Độ có tác động đến quan hệ thương mại với Nga hay không?
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận những mối lo ngại gần đây của Ấn Độ về tình hình xung đột và khẳng định với Thủ tướng Modi tại hội nghị ở Uzbekistan rằng Moscow sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn xung đột "sớm nhất có thể". Nhà lãnh đạo Nga cũng cáo buộc Ukraine mới là bên kéo dài giao tranh.
Giữa bối cảnh bị phương Tây áp trừng phạt và cô lập, Nga đã tăng cường thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ về mặt thương mại.
"Kim ngạch thương mại của hai nước chúng ta đang gia tăng nhờ nguồn cung phân bón của Nga tới thị trường Ấn Độ, nay đã tăng hơn 8 lần. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp ích cho ngành nông nghiệp của Ấn Độ", Tổng thống Putin nhận định với Thủ tướng Modi.
Trước thềm cuộc trao đổi ở Uzbekistan, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Denis Alipov đánh giá cao sự hợp tác kinh tế ngày càng gia tăng giữa 2 nước, nhận định với Tass rằng: "Trong nửa đầu năm 2022, chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có trong thương mại giữa 2 nước khi vào tháng 7 đạt hơn 11 tỷ USD và trong cả năm 2021 đạt 13,6 tỷ USD. Đây là một con số thực tế để chúng ta thảo luận về khả năng đạt được mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 30 tỷ USD vào năm 2025".
Ấn Độ và Nga có mối quan hệ đặc biệt từ Chiến tranh Lạnh và Moscow là nhà cung cấp vũ khí cũng như dầu thô lớn nhất của quốc gia châu Á này.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, từ năm 2011 - 2021, Nga chiếm 60% nhập khẩu vũ khí ở Ấn Độ. Trong khi đó, Moscow cũng đáp ứng 22% nhu cầu dầu thô của Ấn Độ trong tháng 10/2022.
Theo ông Mishra, quan hệ thương mại giữa Nga và Ấn Độ sẽ không thay đổi, bất chấp tình hình ở Ukraine.
"Đối với việc nhập khẩu dầu mỏ, Bộ trưởng khí đốt và dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri gần đây đã khẳng định rằng sẽ không có sự xung đột đạo đức nào khi mua dầu mỏ từ Nga bởi là một quốc gia có trách nhiệm, Ấn Độ phải đáp ứng nhu cầu trong nước và trên thế giới, dầu mỏ được mua để đảm bảo giá dầu toàn cầu ở mức thấp. Vì thế, hoạt động thương mại này sẽ tiếp tục gia tăng", ông cho hay.
Tuy nhiên, ông Wilkins cho biết Ấn Độ đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong các sản phẩm khác như hydrocarbon.
"Cuộc xung đột ở Ukraine thực sự cho các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ thấy rằng cần phải giảm sự phụ thuộc vào Moscow, đặc biệt trong ngành hydrocarbon".
Nhân tố trung gian hòa giải tiềm năng
Cùng lúc đó, Liên minh châu Âu đang thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Ấn Độ khi quan hệ giữa khối này với Trung Quốc và Nga đều căng thẳng. EU đã tổ chức vòng trao đổi thương mại đầu tiên với Ấn Độ vào tháng 7 năm nay và các cuộc thảo luận dự kiến sẽ sớm được nối lại.
New Delhi có mục tiêu thiết lập thỏa thuận thương mại tự do toàn diện không chỉ với EU mà còn với cả Anh và Canada vào năm tới. Các thỏa thuận thương mại tương tự cũng đã được ký kết với Australia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong năm nay.
Trong khi đó, Mỹ thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng với Ấn Độ sau khi công nhận New Delhi là một nhân tố trung tâm trong việc duy trì an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. ASEAN cũng mở rộng quan hệ an ninh với Ấn Độ.
Một số nhà phân tích địa chính trị cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã góp phần làm gia tăng ảnh hưởng của Ấn Độ trên toàn cầu.
Ông Mishra cho rằng tiềm năng của Ấn Độ khi là một thị trường ổn định chính là nhân tố thúc đẩy cho những thành quả mà Ấn Độ đạt được
"Nền kinh tế Ấn Độ gần đây đã vượt Anh và trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới", ông Mishra nói, đồng thời thừa nhận cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Ấn Độ trở thành tâm điểm chú ý bởi vai trò đặc biệt của nước này khi làm bạn với cả Nga và phương Tây.
Với việc Ấn Độ trở thành Chủ tịch G20 vào tháng 12, ông Mishra nhận định: "Nếu sáng kiến hòa bình này thực sự được thúc đẩy và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, phương Tây sẽ yêu cầu Ấn Độ thuyết phục Nga có động thái tương tự nhờ vai trò của New Delhi ở G20 và mối quan hệ đặc biệt với Moscow".
"Nhìn chung, Ấn Độ sẽ tiếp tục là cầu nối giữa hai bên", chuyên gia này đánh giá, và cho rằng, New Delhi đang "ở vị trí thuận lợi để đưa cuộc xung đột này đến hồi kết"./.