Vì sao Biển Đông và Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ?
VOV.VN- Chiến lược An ninh Biển Châu Á- Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc mới công bố coi Biển Đông và Trung Quốc là mối quan tâm đặc biệt của Mỹ.
Hải quân Trung Quốc mạnh nhưng chưa thể so với Mỹ
Tờ Wall Street Journal ngày 24/8 cho biết, Chiến lược mới này đề cập đến 3 nhiệm vụ về an ninh biển trong khu vực mà Lầu Năm Góc thừa nhận là vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Một hạm đội tàu Trung Quốc. Ảnh Tân Hoa xã |
Các nhiệm vụ này bao gồm: “Duy trì tự do hàng hải trên biển, ngăn chặn xung đột và dọa dẫm cũng như thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế”.
Các nhiệm vụ này được coi là đặc biệt quan trọng trên khu vực Biển Đông trong bối cảnh các báo cáo gần đây của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ và Lầu Năm Góc đều bầy tỏ quan ngại về sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Theo đó, Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu số lượng tàu lớn nhất tại châu Á với hơn 300 tàu chiến, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tra các loại.
Con số này nhiều hơn rất nhiều so với tổng số hơn 200 tàu của Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Philippines cộng lại.
Ngoài ra, con số 205 tàu thực thi nhiệm vụ trên biển (MLE) của Trung Quốc cũng nhiền hơn nhiều so với tổng số 147 tàu cùng loại của các nước nói trên. Trong số này, khoảng 110 MLE của Trung Quốc là loại nhỏ (trọng lượng từ 500-1.000 tấn) so với con số 129 của các nước nói trên.
Như vậy, rõ ràng, so với các nước trong khu vực, Trung Quốc đang chiếm ưu thế đáng kể, tuy nhiên, so với Mỹ thì con số này du đang tăng lên từng ngày vẫn “chưa thấm vào đâu”.
Mỹ sẵn sàng ngăn chặn đà cải tạo đảo phi pháp rầm rộ của Trung Quốc
Báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ cũng đặc biệt lưu ý đến việc Trung Quốc tăng tốc việc cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông và tổng diện tích các đảo bị Trung Quốc cải tạo đã lên tới con số 11km2.
Điều này đã buộc giới chức Mỹ phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải ngừng ngay hành động cải tạo làm thay đổi hiện trạng tự nhiên trong khu vực.
Hai tàu chiến của Mỹ đậu tại cảng Subic của Philippines. Ảnh Reuters |
Không chỉ “nói suông” Mỹ cũng đã thể hiện rõ cam kết của mình đối với khu vực. Mỹ dự định điều tới 60% số tàu Hải quân và máy bay của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020.
Theo đó, Mỹ đang nâng cấp một tàu sân bay và đã điều 3 tàu khu trục tàng hình tối tân, 1 tàu đổ bộ tấn công, 2 tàu khu trục mang tên lửa Aegis cùng một tàu ngầm tấn công và nhiều máy bay hiện đại đến khu vực.
Ngoài ra, Mỹ cũng đẩy mạnh chi tiêu nhằm hiện đại hóa số vũ khí của mình với mục tiêu dài hạn là nhằm tăng cường sức mạnh của các loại tên lửa.
Như vậy, Washington đang cố gắng gia tăng sự hiện diện của mình tại Thái Bình Dương cũng như hợp tác tăng cường các cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực của quân đội Mỹ và các đối tác, đồng minh trong khu vực.
Hiện, Mỹ vẫn duy trì tới hơn 368.000 binh sĩ tại Châu Á- Thái Bình Dương và con số này được cho là đủ sức “làm chùn tay” bất kỳ thế lực nào muốn sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Vẫn muốn tránh xảy ra xung đột bằng mọi giá
Mặc dù vậy, Báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ cũng dành một chương dài nói về những biện pháp “hạ nhiệt nguy cơ đối đầu”.
Theo đó, Mỹ đã tỏ ra hết sức kiềm chế trước những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Mỹ, bao gồm việc tàu và máy bay của Trung Quốc suýt va chạm với tàu tuần dương Cowpen năm 2013 và máy bay trinh sát P-8 Poseidon năm 2014.
Ngoài ra, để thể hiện thiện chí của mình, Mỹ còn mời Trung Quốc tham gia cuộc Tập trận Vành Đai Thái Bình Dương năm 2016 giống như 2 năm trước.
Sự kiềm chế này của Mỹ đã khiến Trung Quốc lầm tưởng rằng Mỹ phải e dè trước sức mạnh “ngày một gia tăng của mình” và “được đà lấn tới” với việc xây dựng rất nhiều các căn cứ quân sự nhằm biến các đảo mà nước này đã cải tạo thành tiền đồn của mình.
Việc Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp rầm rộ khiến Mỹ và các đồng minh trong khu vực đặc biệt quan ngại. Ảnh AP |
Những hành động kiềm chế của Mỹ đã khiến Giáo sư Peter Dutton tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ phải lên tiếng cảnh báo: “Mọi quy định, nguyên tắc, chuẩn mực và luật pháp nhằm đảm bảo ổn định hàng hải trên toàn cầu trong thế kỷ 20 đang phải gánh chịu những áp lực ghê gớm từ những hành vi hiếu chiến hiện nay của Trung Quốc".
Các chuyên gia cho rằng, thay vì tiếp tục kiềm chế, Mỳ cần phải nêu rõ những thách thức tiềm tàng về an ninh trên Biển Đông hiện nay với các đồng minh và đối tác của mình để cùng chia sẻ nguy cơ chung.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần phải có những động thái cảnh báo Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu có những hành vi gây hấn, Mỹ cần phải thể hiện quyết tâm bảo vệ tự do trong khu vực để tất cả các nước có thể sử dụng mà không phải sợ hãi điều gì.
Khi thực hiện những điều trên, Mỹ cần phải luôn tâm niệm rằng, Trung Quốc cũng như Mỹ phải tìm mọi cách để tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực vì lợi ích của mối quan hệ Mỹ- Trung còn lớn hơn cả điều này./.