Vì sao lực lượng an ninh Afghanistan được Mỹ đầu tư mạnh vẫn thất bại trước Taliban?
VOV.VN - Hơn 10 thủ phủ thất thủ chỉ trong một tuần, Taliban đang tiến dần về thủ đô Kabul. Điều gì đã xảy ra với các lực lượng an ninh của Afghanistan?
Lực lượng chiến đấu của chính phủ nhanh chóng “tan tác” trong trận chiến “nóng bỏng” với Taliban khiến các nhà phân tích và quan sát, cũng như chính người dân Afghanistan đang đặt câu hỏi, điều gì đã xảy ra với các lực lượng quân đội và an ninh của Afghanistan?
Lực lượng an ninh Afghanistan có năng lực không kém các nước khác
Mỹ và các đồng minh đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển, trang bị và huấn luyện cho quân đội, không quân, lực lượng biệt kích và cảnh sát của Afghanistan. Riêng Mỹ đã chi gần 83 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng của Afghanistan kể từ năm 2001, khi nước này dẫn đầu chiến dịch đưa lực lượng nước ngoài tới Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/9.
Tính đến năm 2021, NATO cũng đã tài trợ hơn 70 triệu USD cho các lực lượng quốc phòng của Afghanistan, bao gồm thiết bị y tế và áo giáp.
Tuy nhiên, trong tuần qua, thủ phủ các tỉnh của Afghanistan liên tiếp thất thủ. Tính đến ngày 13/8, 12 thành phố đã rơi vào tay Taliban, trong đó có thành phố Ghazni cách thủ đô Kabul chỉ 130km, cùng các thành phố chiến lược khác.
Theo các nguồn tin an ninh và khu vực, 4 thủ phủ trong số này đã được các lực lượng quốc gia “trao” cho Taliban mà không xảy ra các cuộc đụng độ. Nhiều chuyên gia nhận định thủ đô Kabul có thể sẽ bị tấn công ngay trong tháng tới.
Đáng lẽ ra đã có nhiều thời gian để giới lãnh đạo chính trị và quân sự được Mỹ tài trợ có thể xây dựng một chiến lược bảo vệ Afghanistan. Kể từ khi lực lượng nước ngoài kết thúc các nhiệm vụ chiến đấu vào năm 2014, phần lớn các chiến dịch đều do người Afghanistan chỉ huy.
Tuy nhiên, trước tốc độ tiến công của Taliban, đã không có chiến lược nào được thực hiện. Các chuyên gia nói với Foreign Policy rằng, lỗi không nằm ở việc đào tạo hay các trang thiết bị được cung cấp cho Afghanistan. Đất nước bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh này từ lâu đã sản sinh ra những người lính thiện chiến và lực lượng đặc biệt có năng lực không kém các nước khác.
Thất bại do đâu?
Một số chuyên gia này cho rằng, lý do dẫn đến sự thất bại lớn hiện nay xuất phát từ chính phủ của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Các Bộ Quốc phòng và Nội vụ nổi tiếng với các vụ tham nhũng, năng lực lãnh đạo và quản lý yếu kém, tình trạng tư lợi xảy ra trên diện rộng.
Theo một số nguồn tin nội bộ, Tổng thống Ghani đã có những quyết định không phù hợp trong việc bổ nhiệm các vị trí quan trọng. Nhiều quan chức cấp cao như bộ trưởng quốc phòng và nội vụ cũng như các tỉnh trưởng, cảnh sát trưởng… bị cách chức và thay đổi liên lục. Lãnh đạo nhiều tỉnh không phải là những người địa phương, không hiểu biết về các vấn đề gốc rễ trong khu vực.
Các khoản tiền khổng lồ bị biển thủ cùng hoạt động rửa tiền đã gây thiệt hại cho dịch vụ công cộng, y tế, giáo dục và đặc biệt là an ninh.
Một số nguồn tin nói rằng cảnh sát Afghanistan - những người được quân sự hóa và điều động chiến đầu ở tiền tuyến - đã không được trả lương trong nhiều tháng. Điều tương tự cũng xảy ra ở Bộ Quốc phòng.
Ở nhiều khu vực, binh lính và cảnh sát không được cung cấp đầy đủ lương thực, nước uống, đạn dược hoặc vũ khí. Các tuyến tiếp tế bị cướp phá, nhiều vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị khác được bán trên thị trường chợ đen và phần lớn trong số đó đã đến tay quân nổi dậy.
Một cựu quan chức cấp cao của cơ quan tình báo Afghanistan, cho biết cho biết tỷ lệ hao hụt trong lực lượng an ninh là khoảng 5.000 người/mỗi tháng, trong khi tỷ lệ tuyển mộ chỉ từ 300-500 người/tháng. Đây là sự chênh lệnh đáng báo động.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tin rằng các lực lượng an ninh Afghanistan có “thiết bị, quân số và được huấn luyện để chống trả” các cuộc tấn công của Taliban. Vấn đề là ở “sự lãnh đạo” của chính quyền Afghanistan
Theo nhà phân tích quân sự Jonathan Schroden, “Những gì chúng ta thấy cho đến nay ở các Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF), phần lớn là thiếu ý chí hoặc khả năng chiến đấu trong thời gian dài”,
Ông Schroden cho rằng, điểm mấu chốt là “nếu họ không tin vào mục đích mà họ được yêu cầu chiến đấu, họ sẽ không làm”. Không giống như ở Mỹ, ở Afghanistan, không có hình phạt nào cho việc đào ngũ.
“Không phải tất cả các đơn vị quân đội hoặc các chốt kiểm soát đều bị tan rã. Nhiều người đã cố gắng phòng thủ nhưng họ cạn kiệt lương thực và đạn dược. Họ đã kêu gọi tiếp tế, tiếp viện, các cuộc không kích yểm trợ nhưng trong một số trường hợp, họ không nhận được sự trợ giúp nào. Vì vậy, họ phải chạy”, ông Schroden cho biết thêm.
Việc Mỹ rút quân vội vàng đã tạo ra cú sốc lớn
Tháng 2/2020, chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã ký thỏa thuận hòa bình với Taliban, chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 20 Mỹ tại Afghanistan, trong đó đặt điều kiện với nhóm này bao gồm không tấn công các lực lượng Mỹ, cắt đứt quan hệ với al Qaeda và các nhóm khủng bố khác, giảm bạo lực nói chung. Taliban đã không thực hiện điều kiện nào trong số này. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục thỏa thuận và tuyên bố tất cả binh sỹ Mỹ sẽ rút khỏi Afghanistan trước ngày 31/8.
Weeda Mehran, một chuyên gia về xung đột tại Đại học Exeter, cho biết việc Mỹ vội vàng rút khỏi Afghanistan, đặc biệt là bất ngờ rút khỏi căn cứ Bagram trong đêm, là một đòn giáng mạnh vào tinh thần của lực lượng an ninh Afghanistan.
“Kabul đang khá mơ hồ về cách thức kiểm soát cuộc chiến và đối phó Taliban. Điều này, kết hợp với sự phân hóa chính trị đã dẫn tới sự hoài nghi và thiếu ý chí chống lại lực lượng nổi dậy, đặc biệt là ở phía Bắc và phía Tây. Điều này sẽ chỉ làm củng cố thêm câu chuyện của Taliban về một lực lượng hùng mạnh sắp giành chiến thắng ở Afghanistan”, bà Mehran nói./.