Vì sao Mỹ từ đối đầu lại muốn đối thoại với Triều Tiên?
VOV.VN - Sai lầm chiến lược khi đánh giá thấp năng lực hạt nhân Triều Tiên khiến Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Tình báo Mỹ đẩy ông Trump vào thế khó
Theo New York Times, ngay khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, các cơ quan tình báo Mỹ đã gửi báo cáo khẳng định, dù đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên phải mất rất nhiều thời gian- tối thiểu là 4 năm- để có thể đạt được mục tiêu tấn công vào đất Mỹ. Giới tình báo Mỹ khẳng định, thời gian 4 năm là quá đủ để ông Trump có thể vạch ra các phương án đối phó.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên đã khiến giới tình báo Mỹ "giật mình" vì những bước tiến mà Triều Tiên đạt được. Ảnh: KCNA |
Các chuyên gia cho rằng, nhận định của giới tình báo Mỹ khi đó không phải là không có căn cứ. Trong năm 2016, Triều Tiên đã thử tới 8 quả tên lửa tầm xa nhưng có tới 7 quả nổ ngay khi rời bệ phóng hoặc khi vừa mới lao lên không.
Trong thời gian đó, Triều Tiên cũng đã kịp thử bom nguyên tử lần thứ 5. Dù vậy giới tình báo Mỹ vẫn cho rằng, còn rất lâu để Triều Tiên có thể phát triển được bom khinh khí- loại bom có sức công phá mạnh hơn rất nhiều so với bom hạt nhân. Tuy nhiên, cả 2 nhận định trên nhanh chóng trở lên lỗi thời với tốc độ phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Giới chức tình báo Mỹ không khỏi bất ngờ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên công bố công nghệ tên lửa mới với thiết kế động cơ đặc biệt giúp tăng nhanh chóng tầm bắn của các loại tên lửa Triều Tiên từ chỗ chỉ chạm đến đảo Guam đến chỗ có thể công phá Bờ Tây và thậm chí là thủ đô Washington của Mỹ.
Triều Tiên càng khiến giới quan sát quốc tế ngỡ ngàng khi thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9/2017. Lần này, hầu hết các chuyên gia có chung nhận định, Triều Tiên lần đầu tiên thử thành công bom khinh khí với sức công phá mạnh gấp 15 lần quả bom hạt nhân từng san phẳng thành phố Hiroshima.
Dù CIA và các cơ quan tình báo của Mỹ từng đoán định khá chính xác mức độ phát triển hạt nhân của Triều Tiên trước đây, giới chức Mỹ buộc phải thừa nhận, sai lầm của giới tình báo Mỹ khi nhận định về năng lực hạt nhân Triều Tiên trong 7 tháng qua là rất nghiêm trọng.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơn địa chấn ngoại giao thành sự thật?
Hiệu ứng domino
Dự báo thiếu chính xác của các cơ quan tình báo Mỹ đã khiến đội ngũ cố vấn về an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump “không kịp trở tay” và đưa ra những phản ứng hết sức trái ngược về khả năng xảy ra khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tướng H.R. McMaster- Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump – thừa nhận, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã “chạm đến vạch đích” trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc, Mỹ “ngấm ngầm” coi Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và các cuộc đàm phán sắp tới với Triều Tiên sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ông McMaster cho rằng, Chính phủ Mỹ cần phải làm mọi điều có thể và phải đẩy nhanh những nỗ lực nhằm giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên trong thời gian ngắn nhất để tránh khả năng xảy ra xung đột.
Trong khi đó, giới chức tình báo Mỹ cho rằng, kể từ khi tăng cường thu thập thông tin về chương trình hạt nhân Triều Tiên năm 2012- thời điểm ông Kim Jong-un lên nắm quyền- họ đã mắc phải 2 sai lầm chết người trong nhận định như sau:
Thứ nhất, các chuyên gia tình báo tin chắc rằng, cũng như nhiều quốc gia từng phát triển công nghệ hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên sẽ phải mất từng ấy thời gian để có thể sở hữu năng lực hạt nhân đủ mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ máy tính hiện nay đã rất phát triển và Triều Tiên đang hưởng lợi rất nhiều từ điều này.
Thứ 2, giới tình báo Mỹ cũng đã đánh giá sai về nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người thậm chí còn có tham vọng hạt nhân lớn hơn cả ông và cha của mình. Ngay khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã tuyên bố ưu tiên dành mọi nguồn lực để thúc đẩy chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Tổng thống Trump lại “rơi vào vết xe đổ” về hồ sơ Triều Tiên?
Bỏ lỡ “những bước ngoặt quan trọng”
Kể từ khi Mỹ bắt đầu để mắt đến tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, giới tình báo Mỹ luôn tự tin cho rằng, họ luôn đi trước một bước trong việc đánh giá về mức độ phát triển của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, họ luôn “bỏ lỡ những bước ngoặt quan trọng”.
Những tài liệu vừa được giải mật của CIA gần đây cho thấy, Triều Tiên bắt đầu tham vọng hạt nhân từ đầu những năm 1980 khi các vệ tinh tình báo của Mỹ phát hiện ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân plutoni- nguyên liệu chính để phát triển vũ khí hạt nhân.
Thậm chí, CIA còn thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu về các nhà máy hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên để đánh giá tiến độ phát triển hạt nhân của quốc gia Đông Á này.
Dù vậy, CIA và các cơ quan tình báo Mỹ vẫn “để mất dấu” rất nhiều giai đoạn quan trọng trong tiến trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Từ đầu những năm 2000, dựa trên những thông tin thu thập được, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ đã đưa ra nhận định khá chuẩn xác rằng, Triều Tiên sẽ sở hữu tên lửa hạt nhân có thể chạm đến đất Mỹ sớm nhất là vào năm 2015.
Tuy nhiên, 4 năm sau, khi Mỹ đang bận đối phó với cuộc chiến tại Iraq, Hội đồng Tình báo Quốc gia đã thay đổi nhận định của mình khi cho rằng “cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên chỉ có thể trở thành mối lo ngại hàng đầu của Mỹ trong ít nhất 15 năm tới”- tức là không trước năm 2019.
Sai lầm từ nhận định này đã khiến Mỹ phải “trả giá đắt”. Từ chỗ có thể lớn tiếng đe dọa Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt và quân sự, Mỹ đã phải dần xuống thang và mới đây nhất đã chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên.
Dù Chính phủ Mỹ khẳng định, việc ngồi lại đàm phán với Triều Tiên xuất phát từ đề xuất của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy các biện pháp cứng rắn của Mỹ nhằm vào Triều Tiên đã có hiệu quả. Giới quan sát vẫn lo ngại đây chỉ là cách để Triều Tiên “tiếp tục câu giờ” để có thể toàn tâm toàn ý hoàn tất chương trình hạt nhân và tên lửa của mình./.
Bài toán hạt nhân Triều Tiên: Đối thoại có tốt hơn là trừng phạt?