Vì sao Trung Quốc dám đánh mạnh tham nhũng trong quân đội?
VOV.VN -Những vụ “ngã ngựa” của các quan chức cấp cao trong quân đội Trung Quốc 2014 cho thấy ông Tập sẽ không nương tay khi minh bạch hóa quân đội nước này.
Ngày 15/12, tại Sở chỉ huy quân khu Nam Kinh, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Chủ tịch Tập Cận Bình đã cảnh báo giới quan chức quân đội nước này về ngưỡng báo động trong cơn bão tham nhũng, đe dọa sức chiến đấu của Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Ông Tập nhắc lại lời của một chuyên gia quân sự Australia Nicholia tháng 8/2014 nhận định: “Sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc chỉ được đánh giá thứ 8 thế giới”.
Điều này rất khó có thể chấp nhận khi vị trí thứ 2 thuộc về Nhật Bản.
“Bêu” gương Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn
Chủ tịch Trung Quốc cũng quở trách những người cổ vũ cho “tư duy” rằng: chiến dịch không khoan nhượng nhắm vào các quan chức vi phạm sẽ chỉ khiến đất nước rơi vào hỗn loạn. Ông Tập nhắc lại quyết tâm đã từng nhiều lần nói với các quan chức cấp cao Trung Quốc: Ông bất chấp cả “sự sống chết và danh tiếng” để chống tham nhũng.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đưa vụ bê bối của cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu làm ví dụ. Năm 2012, ông Từ vẫn là một trong 25 thành viên “ưu tú” siêu quyền lực trong Bộ chính trị và là thành viên đầu tiên của Bộ bị trừng trị vì tội tham nhũng. Từ Tài Hậu đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, sa thải khỏi ngành quân đội và tước quân hàm cùng mọi chức vụ.
Ngoài “bài học” Từ Tài Hậu, ông Tập Cận Bình cũng đề cập tới một nhân vật quân đội khác “ngã ngựa” là tướng Cốc Tuấn Sơn. Ông Cốc là phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần PLA cho đến khi bị sa thải vào năm 2012 vì bị cáo buộc bán hàng trăm chức vụ trong quân đội, thu về hàng triệu USD.
Số tiền mà các quan tham như Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn bòn rút lên đến hàng trăm tỷ nhân dân tệ. Với số lượng tiền đó có thể chế tạo được bao nhiêu chiến đấu cơ?
“Nếu không loại bỏ được tham nhũng thì chúng ta sẽ bị đánh bại trước khi tham chiến”- ông Tập nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Trung quốc, quân đội nước này cần dọn sạch những nhân tố xấu, cho dù họ ở bất kỳ cương vị, chức quyền nào và có ảnh hưởng ra sao. “Đây là lời cảnh báo với tất cả, cần nhận thức rằng có những ranh giới không nên vượt qua”.
Cụ thể, tại một phiên họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 6, ông Tập Cận Bình đã nói: “Chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm, vì đảng và đất nước đã đặt số phận của mình vào tay chúng ta”. “Hai đội quân tham nhũng và chống tham nhũng đang đối đầu, và đang ở thế bế tắc”.
Báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (Hongkong) khẳng định với tính cách quyết đoán, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” dù ở mảng kinh tế hay quốc phòng, ông Tập cũng sẽ làm đến tận cùng.
Tham nhũng làm suy yếu Trung Quốc
Suốt 2 năm qua, vào những lúc căng thẳng Nhật – Trung lên cao nhất, giới phân tích luôn nhận định: “sẽ là tự sát nếu Trung Quốc khai hỏa”.
Một là, nếu xét trên khía cạnh sức mạnh quân sự Trung Quốc có thể nhỉnh hơn Nhật để chiếm vị trí thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, đánh giá sức mạnh tổng hợp một quốc gia với 5 yếu tố cấu thành trực tiếp là lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, dân số, kinh tế, quân sự, và 4 yếu tố ảnh hưởng là phát triển xã hội, tính bền vững, an ninh và chính trị trong nước thì thứ tự lại có sự đổi khác.
Hai là, nếu xảy ra xung đột khu vực thì Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc.
Và thứ Ba, việc phanh phui những vụ án tham nhũng trong quân đội nước này khiến dư luận, báo giới Trung Quốc cũng phải nhìn thẳng vào thực trạng “sức mạnh Trung Quốc”. Theo báo chí nước này, có tới 40 điểm yếu trong phương pháp đào tạo lính Trung Quốc. Những vấn đề này nằm trong tác phong đội ngũ, phương pháp và tiêu chuẩn đào tạo hiện tại…
Báo PLA Daily của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc nhận định “những vấn đề này phản ánh thiếu sót và nhược điểm trong lực lượng chiến đấu. Nếu không xử lý kịp thời, chúng chắc chắn sẽ ảnh hưởng và cản trở khả năng tham chiến của quân đội”.
Nguồn gốc sâu xa của những điểm yếu trong Quân đội Trung Quốc được chỉ ra là do tham nhũng đã trầm trọng, ăn đến tận tầng lớp quan chức cấp cao.
Để quân đội mạnh trở lại, trước tiên phải đánh mạnh vào tham nhũng trong quân đội. Đó cũng là quan điểm của ông Tập và ban lãnh đạo Trung Quốc.
Cuộc chiến sinh tử
Thực tế, ngay khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu câu nói “không có vùng cấm trong chống tham nhũng” ở nước này tại phiên họp của Bộ chính trị hồi tháng 6, báo chí đã nhận định cuộc chiến này sẽ không hề dễ dàng khi bè lũ “hổ”, “ruồi” hay “cáo” sẽ móc ngoặc và che đậy kỹ càng tội lỗi của mình.
Sự móc ngoặc với giới luật sư, Tòa án; “Chủ nghĩa bè phái” và “Vòng tròn văn hóa” là những khái niệm xuất hiện ngày càng nhiều và dường như cuộc chiến này sẽ không biết đến bao giờ mới kết thúc.
Ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hồi tháng 10/2014, nói trước một cuộc họp được tổ chức nhằm bàn bạc phương pháp làm thanh sạch môi trường kinh doanh của nền kinh tế Trung Quốc: “Cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng nhà nước trong sạch vẫn tiếp diễn. Đây mới là bước khởi đầu”.
Đánh tham nhũng bằng nhiều “roi”
Cách đây 11 năm (2003), lần đầu tiên Trung Quốc nhấn mạnh đến 4 giải pháp chống tham nhũng hiệu quả ở nước này, bao gồm chống tham nhũng bằng định chế, phối hợp quốc tế, tập trung lực lượng giải quyết triệt để và khuyến khích cá nhân tố giác.
Những giải pháp này một lần nữa được nhắc lại ở thời điểm 2014, khi Trung Quốc chính thức ra mắt trang web cho người dân tố cáo các tổ chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, các quan chức chính phủ và an ninh quốc phòng.
Riêng với lực lượng quân đội, chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: Càng tăng cường tính minh bạch trong quốc phòng và quân sự, tăng cường sự giám sát dân chủ bao nhiêu thì cuộc chiến chống tham nhũng càng hiệu quả bấy nhiêu. Ngân sách quốc phòng bị đục khoét thu hồi lại sẽ tái trang bị cho binh lính nước này.
Sự thực là theo tiêu chí chống tham nhũng quốc tế, Trung Quốc đang ngày càng tụt hạng, bất chấp nỗ lực của ông Tập Cận Bình. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế công bố báo cáo năm 2014, Trung Quốc đứng thứ 100/175 quốc gia nhưng chính chuyên gia Cobus de Swardt của Tổ chức này cũng phải nhận định rằng: “Không nhiều nguyên thủ tuyên bố và làm được như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Với nhiều quốc gia “quân đội” là một vùng cấm, bất khả xâm phạm. Nhưng ông Tập đang đụng vào được và bước đầu có vẻ thành công.
Thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội sẽ mang lại sức mạnh cho Trung Quốc. Vấn đề là Trung Quốc dùng sức mạnh của quân đội như thế nào. Trong bối cảnh Bắc Kinh muốn dùng sức mạnh quân đội tạo thế thượng phong trong tranh chấp chủ quyền với các nước, hoặc từng bước vươn lên vị trí “bá quyền” với thế giới, thì điều đó cũng là đáng quan ngại./.