Vì sao Ukraine gia nhập NATO là vấn đề nhạy cảm?
VOV.VN - Khả năng Ukraine gia nhập NATO đang trở thành chủ đề nóng trước thềm Thượng đỉnh vào tuần sau. Bất kỳ sự mở rộng nào của liên minh này đều phải được tất cả 31 thành viên thông qua và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã loại bỏ khả năng đưa ra lời mời gia nhập chính thức cho Kiev tại sự kiện này.
Nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine và lập trường của các bên
Ukraine tăng cường nỗ lực gia nhập NATO sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái, cho rằng những đảm bảo an ninh mà Moscow, Washington và London cung cấp khi nước này từ bỏ kho hạt nhân vào năm 1994 đã không còn giá trị. Trong khi các nước Đông Âu cho rằng cần cung cấp một lộ trình cụ thể cho Ukraine tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius, Litva vào 11 và 12/7 thì Mỹ và Đức giữ thái độ thận trọng trước bất kỳ động thái nào có thể khiến liên minh này tiến gần đến xung đột với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn ra rằng việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga trong 2 thập kỷ qua nằm trong số những lý do chính cho quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2/2022.
Bất kỳ sự mở rộng nào của NATO đều phải được tất cả 31 thành viên thông qua và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã loại bỏ khả năng đưa ra lời mời chính thức cho Kiev tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới. Người đứng đầu Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine (GUR) Kirill Budanov cũng cho biết ông "chắc chắn" Kiev sẽ không được mời gia nhập NATO tại sự kiện này.
Lập trường của NATO về tư cách thành viên của Ukraine vẫn không thay đổi kể từ năm 2008 khi tuyên bố rằng Ukraine "sẽ trở thành thành viên" vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Trong khi Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập vào tháng 9 năm ngoái thì hầu như rất ít tiến triển được thực hiện kể từ đó. Một số quan chức phương Tây cho rằng vấn đề này chỉ được giải quyết sau khi cuộc xung đột ở Ukraine kết thúc bởi việc Ukraine gia nhập NATO có thể đặt liên minh nào vào tình thế chiến tranh với Nga.
Trong chuyến thăm hiếm hoi tới Kiev vào tháng 4/2023, ông Stoltenberg cho biết "vị trí phù hợp" của Ukraine là trong NATO nhưng sau đó đã làm rõ rằng Kiev không thể gia nhập liên minh trong khi vẫn đang xung đột với Nga.
Trong khi đó, Nhà Trắng nhận định, Ukraine phải thực hiện "các cải cách" trước khi có thể gia nhập NATO, và thậm chí cả khi xung đột Nga - Ukraine được giải quyết thì tư cách thành viên của Kiev vẫn xa vời bởi nước này đang cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh.
Khi được hỏi liệu Ukraine có được trao cho "con đường rõ ràng để trở thành thành viên NATO" trong Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới ở Litva hay không, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Kiev vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua.
"Tổng thống đã nói về việc này nhiều lần: Đó là Ukraine phải thực hiện các cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn như bất kỳ thành viên NATO nào trước khi gia nhập", bà Karine Jean-Pierre cho hay trong cuộc họp báo ngày 5/7. Trong khi Washington vẫn duy trì chính sách mở cửa của NATO thì Thư ký Báo chí Nhà Trắng khẳng định, "bất kỳ quyết định nào" về việc mở rộng phải được tất cả thành viên trong liên minh ủng hộ.
Mặc dù bà Karine Jean-Pierre không nêu cụ thể những cải cách Kiev cần thực hiện nhưng trước đó, Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng liên minh này sẽ không "tạo điều kiện đặc biệt cho Ukraine gia nhập", khẳng định Ukraine sẽ phải đáp ứng các tiêu chí tương tự như các quốc gia khác trong quá trình trở thành thành viên.
"Tôi nghĩ họ đã cho thấy khả năng hợp tác quân sự nhưng có một câu hỏi là liệu hệ thống của họ có an toàn không, có xảy ra tham nhũng không", ông Biden nhận định vào tháng trước. Ông cũng đặt câu hỏi về khả năng Ukraine có thể đáp ứng "tất cả tiêu chuẩn mà các thành viên NATO đã đáp ứng".
Mặc dù vậy, trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tháng trước, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về kế hoạch đơn giản hóa quy trình gia nhập cho Ukraine. Theo kế hoạch của ông Stoltenberg, Ukraine sẽ không phải hoàn thành toàn bộ kế hoạch hành động thành viên.
Một số hãng truyền thông Mỹ cho biết Tổng thống Biden "cởi mở" với ý tưởng trên trong khi các hãng truyền thông khác, chẳng hạn như New York Times cho rằng Washington sẽ tìm kiếm một cơ chế thay thế cho tư cách thành viên NATO đầy đủ của Ukraine như đề xuất "mô hình Israel”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối "bất kỳ sự thay thế nào cho NATO" và thậm chí nói với các đối tác phương Tây rằng ông sẽ không dự Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới của NATO trừ khi khối này cung cấp những đảm bảo an ninh cụ thể cho lộ trình Ukraine trở thành thành viên chính thức.
Tại sao việc Ukraine gia nhập NATO là vấn đề nhạy cảm?
Điều 5 của NATO nêu rõ một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của khối. Điều khoản này được dẫn ra như một trong những lý do chính giải thích tại sao Ukraine không thể gia nhập NATO khi đang trong cuộc xung đột với Nga bởi điều này có thể kéo liên minh vào một cuộc chiến thực sự.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, trong khi NATO phải thảo luận về các lựa chọn cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine sau khi xung đột kết thúc thì những đảm bảo an ninh theo Điều 5 sẽ chỉ được áp dụng với các thành viên chính thức của liên minh.
Vị trí quan trọng của Ukraine trên nhiều mặt khiến Nga sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ngăn nước này gia nhập NATO, thậm chí Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tuyên bố: “Việc đảm bảo Ukraine không bao giờ trở thành thành viên NATO là một yêu cầu hoàn toàn bắt buộc”. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng từng nhận định, việc chấp nhận Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn đến tình huống Nga xảy ra tranh chấp lãnh thổ với một thành viên của liên minh này.
Trên thực tế, Moscow coi sự mở rộng của NATO về phía Đông là mối đe dọa với an ninh quốc gia và nêu yêu cầu Ukraine trung lập như một trong những điều kiện của thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa hai quốc gia.