Vụ bắn tên lửa vào Ba Lan có khiến NATO kích hoạt Điều 5?
VOV.VN - Điều 5 Hiến chương NATO: Cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn liên minh. Một số nhà quan sát cho rằng vụ bắn tên lửa vào Ba Lan ngày 15/11 vừa qua không thể kích hoạt Điều 5.
Một vụ bắn tên lửa vào một ngôi làng ở Ba Lan đã khiến 2 người thiệt mạng. Tổng thống Ukraine cáo buộc vụ việc do Nga thực hiện và kêu gọi NATO phản ứng khi "an ninh tập thể" bị tấn công. Trong khi đó, cả phương Tây và Ba Lan đều có những tuyên bố thận trọng về vụ việc.
Trong cuộc họp khẩn cấp với các nhà lãnh đạo NATO và G7 ở Bali, Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các thông tin sơ bộ cho thấy các tên lửa gây ra vụ nổ ở Ba Lan khiến 2 dân thường thiệt mạng khó có khả năng phóng từ trong lãnh thổ Nga. Khi được hỏi liệu có quá sớm để nói các tên lửa trên được phóng từ Nga hay không, ông Biden đã trả lời rằng: "Đã có những thông tin sơ bộ gây tranh cãi. Tôi không muốn nói điều này cho tới khi chúng tôi hoàn tất điều tra nhưng dựa trên hướng đi của tên lửa, khó có khả năng chúng được phóng từ Nga. Dù vậy, chúng tôi sẽ xem xét thêm".
Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này khẳng định hình ảnh các mảnh vỡ tên lửa mà truyền thông Nga công bố "không có liên hệ gì với các vũ khí của Nga". Moscow khẳng định không tiến hành tấn công tên lửa gần biên giới Ba Lan và Ukraine, đồng thời cho rằng những nhận định cáo buộc Nga thực hiện động thái trên là "hành vi khiêu khích có chủ đích nhằm làm leo thang tình hình".
Trong lịch sử, Mỹ và Liên Xô đã nỗ lực xoay sở mối quan hệ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà không phạm sai lầm bởi Washington và Moscow hiểu rõ rủi ro dẫn đến chiến tranh của các sự cố hoặc tính toán sai lầm.
Ngoài ra, trong thời gian Nga can thiệp vào cuộc chiến ở Syria, 1 máy bay chiến đấu của Nga đã bị tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vào tháng 11/2015 nhưng căng thẳng đã được kiềm chế. Một số nhà quan sát cho rằng vụ bắn tên lửa vào Ba Lan ngày 15/11 vừa qua sẽ không thể dẫn đến cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO.
Ba Lan đã đặt quân đội trong cảnh báo và đang thảo luận về việc liệu có kích hoạt Điều 4 Hiến chương NATO hay không. Người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Mueller đã kêu gọi dư luận và truyền thông "không công khai những thông tin chưa được xác nhận" và cho biết ông sẽ không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào về vụ việc cho tới khi có thông báo thêm. Ba Lan cũng từ chối đổ lỗi sự việc cho Nga.
Warsaw đã không đề cập đến Điều 5 Hiến chương NATO về nguyên tắc phòng thủ tập thể, theo đó, cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào toàn liên minh. Đây là cơ chế có khả năng cao nhất dẫn đến một cuộc chiến giữa Nga và NATO.
Điều 5 Hiến chương NATO không dễ được kích hoạt
Trên thực tế, Điều 5 không thể được kích hoạt chỉ bởi một nước thành viên, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder cho hay, đồng thời cho biết điều đó "yêu cầu sự nhất trí của NATO". Lần duy nhất Điều 5 Hiến chương NATO được kích hoạt là sau vụ khủng bố 11/9 mà sau đó, các đồng minh đã tiến hành tuần tra radar trên không ở khắp nước Mỹ và tuần tra trên biển ở Địa Trung Hải.
Ông William Alberque, giám đốc nghiên cứu phụ trách mảng chiến lược, công nghệ và kiểm soát vũ khí thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng, thậm chí kết luận được đưa ra là tên lửa rơi ở biên giới Ba Lan thực sự đến từ Nga thì đó cũng không phải một "cuộc tấn công vũ trang" để kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO.
Cho tới nay, sự nhất trí phổ biến trong NATO là nếu Nga leo thang căng thẳng, liên minh này sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine và thay vì can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, NATO sẽ hành động để ngăn cản những hành vi bất cẩn khiến tình hình xấu đi.
Đây là phản ứng có khả năng xảy ra nhất vào lúc này và có thể sẽ có một cuộc tranh luận trong NATO về việc liệu liên minh này có nâng cấp gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay không. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ cho nước này tiêm kích F-15 và F-16. Vụ việc ở biên giới Ba Lan cũng có thể làm nóng các cuộc thảo luận về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mặc dù vụ bắn tên lửa vào Ba Lan có thể được kiềm chế nhưng điều đó không có nghĩa là rủi ro chiến tranh Nga - NATO do những tính toán sai lầm đã được giảm bớt giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp./.